Ðắk Nông, dịch sốt xuất huyết tăng vượt ngưỡng cảnh báo

Ngô Đồng| 19/12/2022 08:52

Dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện đang ở giai đoạn cao điểm và có nguy cơ gia tăng. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, không để dịch bùng phát trên diện rộng.

ADQuảng cáo

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị hơn 700 trường hợp mắc SXH. Đa số các trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt cao, trong đó có hơn 50 ca diễn biến nặng, nhiều ca phải bù dịch cao phân tử, đặc biệt có ca sốc SXH. Cùng với việc tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế, thu dung, điều trị theo chuyên khoa, Bệnh viện thường xuyên hội chẩn trực tuyến với đội ngũ bác sĩ giỏi tuyến trên… Nhờ đó, các ca bệnh nặng đã qua được cơn nguy kịch, chỉ có 3 trường hợp chuyển tuyến và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Văn Minh ở xã Trường Xuân (Đắk Song) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông điều trị SXH trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, đau đầu và đau bụng vì đã cao tuổi lại có bệnh nền nên khi bị SXH khiến ông Minh vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, được sự chăm sóc, điều trị tích cực của các y, bác sĩ, sức khỏe của ông Minh đang dần ổn định trở lại.

Nhóm người mắc SXH trên 15 tuổi  chiếm 71%, dưới 15 tuổi chiếm 19%

“Tôi bị cao huyết áp và tiểu đường nên khi thấy trong người có dấu hiệu nhức mỏi, sốt cao, tôi liền đi xét nghiệm cho kết quả mắc SXH. Nhờ nhập viện kịp thời, được các bác sĩ điều trị, tôi đã khỏe trở lại và sắp được xuất viện”, ông Minh chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạn, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) cũng đang điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Cả nhà tôi có 3 người bị mắc SXH. Hiện 2 người đã được điều trị khỏi, còn tôi phát hiện triệu chứng sau nên giờ còn điều trị. Sau 3 ngày điều trị đã bớt sốt nhưng hiện trong người vẫn còn rất mệt, đau đầu”.

Bác sĩ Trần Duy Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết: Bệnh viện đã triển khai tập huấn thường xuyên, đồng thời chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị do mắc SXH. Do bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc chẩn đoán điều trị sớm đóng vai trò rất quan trọng… Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến thông tin cũng như cách phòng chống SXH rất được chúng tôi quan tâm.

ADQuảng cáo

Biểu đồ: Ngô Đồng

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 314.200 trường hợp mắc SXH, 115 trường hợp tử vong. Một điểm đáng báo động mà các bác sĩ nhận thấy ở bệnh nhân trong đợt dịch năm nay là lượng lớn bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Điều này khác biệt với những mùa dịch trước. Trước nguy cơ dịch bùng phát kéo dài, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương huy động các lực lượng triển khai ngay chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy; bảo đảm  tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Tính đến ngày 26/11, toàn tỉnh Ðắk Nông ghi nhận 3.013 trường hợp mắc SXH, 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng gấp 11,9 lần (tương đương tăng 2.840 ca); số xã có ca mắc SXHD tăng 21 xã.

Theo dự lường, năm 2022, tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân < 150, tuy nhiên tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân đến nay là 484,3.

TP. Gia Nghĩa có số ca mắc nhiều nhất tỉnh, chiếm tỷ lệ 17,6%; tiếp đến là Đắk Mil 16,65%; Cư Jút 14,37%; Đắk R’lấp 13,81%; Đắk Song 13,67%; Tuy Đức 9,54%; Krông Nô 8,91%; Đắk Glong là huyện có số ca mắc thấp nhất, chiếm tỷ lệ 5,44%.

Nhóm người mắc SXH trên 15 tuổi chiếm 71%, dưới 15 tuổi chiếm 19%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông, dịch sốt xuất huyết tăng vượt ngưỡng cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO