Sau khi Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 8/8/2019 của Tỉnh ủy Đắk Nông về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh (Đề án) được ban hành, có 8/8 huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã có kế hoạch triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị. UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ quán triệt triển khai thực hiện Đề án, nhằm tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quán triệt, phổ biến Đề án cùng với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.
Sau 3 năm thực hiện Đề án, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức 177 lớp quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Đề án và các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, TC với 15.300 lượt người tham gia. Các cấp ủy đảng trên địa bàn toàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp về PCTN, TC nói chung và tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” theo Đề án nói riêng. Các cấp ủy đảng chú trọng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả góp phần quan trọng làm minh bạch, công khai hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tranh minh họa |
Công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai quyết liệt trên nhiều lĩnh vực (ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý và bảo vệ rừng, thực hiện chính sách về đất đai...), nhiều vụ án, nhiều bị cáo liên quan đến các tội về tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận đánh giá cao, bảo đảm giáo dục riêng, phòng ngừa chung đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Các cấp, ngành chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các quy định về định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của từng đơn vị; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định đối với 255 lượt công chức, viên chức. Ngoài ra, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác cải cách hành chính, chuyển đối số và hoạt động của cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp liên hệ giải quyết công việc, thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thành lập các tổ kiểm tra để kiểm tra công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Để phòng, chống “tham nhũng vặt”, các cấp kịp thời chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức chấp hành đúng giờ giấc làm việc, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, thực hiện, chấp hành đúng các quy định về thực hiện thủ tục hành chính; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng để hồ sơ quá hạn, việc chấp hành xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính; chấm dứt tình trạng yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc từ chối giải quyết mà không đúng quy định của pháp luật...
Trong 3 năm qua, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố mới 14 vụ/27 bị can, trong đó có 7 vụ/12 bị can “tham nhũng vặt”; tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 15 vụ/53 bị cáo về tội tham nhũng kinh tế, trong đó có 10 vụ/16 bị cáo thuộc hành vi “tham nhũng vặt”;... |