Nâng cao nhận thức
Thực hiện Nghị quyết 09, Huyện ủy Đắk Mil đã ban hành Kế hoạch số 61 và UBND huyện ban hành Kế hoạch số 71 để triển khai trên địa bàn huyện. UBND huyện tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số gắn với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
Địa phương xây dựng lề lối, phương thức làm việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sử dụng dữ liệu số triệt để, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Việc ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ của Chính quyền số được chú trọng.
Người dân dùng điện thoại để truy quét mã QR-code trong thực hiện thủ tục hành chính tại xã Đắk Lao (Đắk Mil) |
Nhiều kết quả tích cực
Hiện nay 100% các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện có cán bộ chuyên trách hoặc giao phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin. Đắk Mil triển khai thành lập 125 tổ công nghệ số cộng đồng với vai trò là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số để triển khai các nền tảng số đến với cộng đồng dân cư.
Về xây dựng chính quyền số, 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng. Hệ thống cũng đã liên thông với một số đơn vị ngành dọc như: Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Cục thống kê...
Cổng dịch vụ công trực tuyến của huyện tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh, cung cấp 106 dịch vụ công mức độ 3 và 20 dịch vụ công mức độ 4. Các xã, thị trấn triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng quét mã QR-code. Huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn an toàn, an ninh thông tin tới tất cả các phòng, ban chuyên môn, địa phương trên địa bàn.
Đối với kinh tế số, Đắk Mil hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nhất là hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP,… lên sàn 2 thương mại voso.vn và postmart.vn. Đến nay, có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động.
Trong xây dựng xã hội số, huyện tích cực triển khai các nền tảng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tạo lập và cập nhật dữ liệu của người dân trên địa bàn huyện lên Hồ sơ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế...
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo để tối ưu, cá nhân hóa việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Một số dịch vụ ngân hàng như thanh toán, nhận tiền tiết kiệm… gần như được số hóa 100%. Đặc biệt, hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ công thời gian qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ. 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện đăng ký nộp thuế điện tử; 78% trên tổng số thu ngân sách được hạch toán tại Kho bạc Nhà nước qua phương thức điện tử; thu tiền điện được thực hiện qua phương thức điện tử lên tới 65%; khoảng 40% số người hưởng và số tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh chi trả qua tài khoản cá nhân.
Ngoài ra, huyện đã triển khai các nền tảng thanh toán số (mobile money), gồm: 133 điểm nạp, rút tiền; 124 điểm chấp nhận thanh toán (cửa hàng số); 7.895 số tài khoản thanh toán số…