Ðắk Glong tập trung phòng, chống sốt xuất huyết

Thanh Thanh| 12/10/2022 09:06

Trước tình trạng ca sốt xuất huyết tăng cao, huyện Đắk Glong tích cực triển khai các biện pháp, đồng thời vận động mọi người, mọi nhà vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy phòng, chống dịch.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn cho biết, hiện nay, Quảng Sơn có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất huyện, với 59 ca. Các số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh vào các tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Thời gian qua, để bảo vệ sức khỏe cho người dân, Trạm Y tế xã Quảng Sơn đã chủ động tập trung đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết với phương châm "không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết". Đồng thời, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân chủ động thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Trong đó, địa phương ưu tiên biện pháp dễ thực hiện, ít tốn kém là phòng, chống muỗi đốt, tự kiểm tra, loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi, vệ sinh môi trường cùng các vật dụng phế thải đọng nước. Ngoài ra, Trạm đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức được 4 lần phun hóa chất diệt muỗi tại các thôn, bon. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thì lực lượng y tế của xã Quảng Sơn gặp không ít khó khăn. Người dân chưa có ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh, chưa tự giác trong việc diệt bọ gậy, loăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường…

Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Theo ông Vũ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong đã chỉ đạo trạm y tế các xã chuẩn bị các điều kiện phương tiện để tổ chức điều trị bệnh nhân đúng phác đồ điều trị, kiên quyết không để bệnh nhân tử vong tại trạm. Các địa phương thực hiện nghiêm quy chế thông tin báo cáo dịch theo đúng quy định, tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Đồng thời, Trung tâm đã tập trung mọi nguồn lực chuyên môn điều tra, xử lý ổ dịch bảo đảm về phương tiện kỹ thuật, vật tư, hóa chất, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có chỉ số mật độ muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với tổ chức các đợt phun hóa chất, Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong đã tổ chức được 8 buổi tuyên truyền, vận động người dân các xã ra quân diệt loăng quăng, bọ gậy.

Đồ họa: Bình Minh - Thanh Thanh

Theo khảo sát, các ổ dịch đại đa số ở các nơi buôn bán và có mật độ dân cư đông. Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các hộ kinh doanh buôn bán vẫn lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch, không có ý thức trong việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, còn để nhiều vật chứa nước ở xung quanh, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và gây bệnh. Bên cạnh đó, ý thức và trách nhiệm vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết của các xã trong công tác diệt loăng quăng, bọ gậy hầu như là không có, phó mặc cho y tế xã. Một số xã có sự vào cuộc nhưng mang tính hình thức, chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành.

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, để phòng sốt xuất huyết có hiệu quả, hạn chế số trường hợp mắc bệnh, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ y tế, thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi người, mọi nhà trong việc phòng, chống dịch bệnh. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa… Người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… nhằm không cho muỗi đẻ trứng. Bà con nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; đồng thời, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh. Khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Tính đến ngày 4/10, toàn huyện Đắk Glong đã ghi nhận 96 ca sốt xuất huyết. Trong đó, Quảng Sơn 59 ca, Quảng Khê 12 ca, Quảng Hòa 2 ca, Đắk Ha 15 ca, Đắk Som 5 ca, Đắk P'lao 1 ca và Đắk R’măng 2 ca.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Glong tập trung phòng, chống sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO