Ðắk Glong tập trung công tác giảm nghèo

Nguyễn Lương| 12/12/2022 08:57

Thông qua nguồn lực nhiều chương trình, dự án, những năm qua, huyện Đắk Glong đã tập trung cho công tác giảm nghèo. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao nhưng tỷ lệ giảm nghèo trong từng giai đoạn của huyện khá ấn tượng.

ADQuảng cáo

Nỗ lực giảm nghèo

Theo UBND huyện Đắk Glong, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 5,32%/năm. Đến cuối 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 39,15% theo tiêu chí mới, giảm 23,5% so với năm 2005. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 32,67%, giảm trên 49% so với năm 2005.

Thông qua các chương trình, dự án, hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu như: đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, lớp học… được đầu tư xây dựng, giúp huyện giảm nghèo hiệu quả. Người dân từng bước cải thiện sinh hoạt, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia từng bước được địa phương triển khai mạnh mẽ. Ngoài hỗ trợ về vật chất, tinh thần, thông qua các chương trình này, mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo, cận nghèo tích cực tham gia.

Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: y tế, giáo dục, tín dụng, khuyến nông, nước sinh hoạt, xóa nhà tạm, hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động… đã giải quyết được những khó khăn của người nghèo, giúp các hộ tiếp cận được các dịch vụ cơ bản của xã hội, thuận lợi trong làm ăn, sinh sống.

Theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, công tác giảm nghèo tại địa phương không chỉ thể hiện qua con số. Cái được nhất chính là ý thức của người dân đã từng bước thay đổi.

Trước đây, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước rất lớn, nhất là trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Còn bây giờ, ý thức của người dân từng bước nâng cao.

"Thông qua hỗ trợ của Nhà nước, người dân học tập lẫn nhau, tự lực cánh sinh trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo chính đáng", ông Thuần khẳng định.

ADQuảng cáo

Người dân xã Đắk Som được vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng dâu, nuôi tằm

Đẩy mạnh nhiều giải pháp

Qua kết quả rà soát cho thấy, hộ nghèo trên địa bàn huyện đa phần là nghèo về thu nhập, hàng năm chiếm từ khoảng 80% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện. Cơ cấu hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số hộ nghèo.

Nguyên nhân nghèo tại địa phương được đánh giá chủ yếu là do thiếu vốn sản xuất chiếm; thiếu đất sản xuất; thiếu phương tiện sản xuất; thiếu lao động, đông người ăn theo, ốm đau, bệnh tật…

Số hộ nghèo trên địa bàn phát sinh vẫn ở mức cao, do dân di cư tự do từ các nơi khác đến đa phần là hộ nghèo, do tách hộ từ hộ nghèo và hạn hán, thiên tai, dẫn đến một số hộ bị tái nghèo…

Giai đoạn 2020-2025, huyện Đắk Glong xác định, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đưa huyện Đắk Glong thoát nghèo vào năm 2025.

Để làm được điều này, địa phương lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhất là tăng nguồn vốn vay ưu đãi.

Hiện nay, một số xã trên địa bàn đang có dư nợ cao nhất trong cả nước như Quảng Sơn, Quảng Khê, với vốn vay bình quân từ 40-50 triệu đồng/hộ nghèo. Điều này cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi đang đến gần hơn với người nghèo.

Những giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường giao thông nội đồng, hồ đập, công trình nhà văn hóa, hội trường thôn, cơ sở vật chất trường học, nhất là các khu bán trú… sẽ tiếp tục được huyện quan tâm lồng ghép thực hiện. Thông qua đó, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất, từng bước yên tâm làm ăn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Glong tập trung công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO