AI - nhân lực ảo cho báo điện tử
Nếu ai đó hỏi tôi, trí tuệ nhân tạo (AI) có đe dọa đến tương lai công việc của người làm báo hay không? có lẽ câu trả lời là có. Đe dọa ở đây một là người làm báo có chịu cuộc chơi để cùng thay đổi hay để AI thay thế bạn.
Trên thực tế hiện nay, AI đang hiện diện ở mọi mặt của cuộc sống từ sân ga, người bán hàng rong, những trang rao vặt trên mạng xã hội… và cả trong những công việc có tính chất phức tạp như y học, phân tích dữ liệu kinh tế và cả sáng tạo nghệ thuật, báo chí.
Không nói đâu xa, ngay ở phòng Điện tử Báo Đắk Nông. Một phòng với cơ cấu vỏn vẹn 5 nhân sự nhưng đã có sự thay đổi lớn khi có sự góp mặt của AI.
Phòng Điện tử Báo Đắk Nông quản lý khối lượng công việc khá lớn với tính chất công việc đa dạng như làm báo in, báo điện tử, truyền hình, đồ họa, kỹ thuật... Tuy nhiên cơ cấu nhân sự theo quy định không thể tuyển dụng một số vị trí mang tính đặc thù. Đặc biệt, khi Báo Đắk Nông phát triển các sản phẩm báo chí đa phương tiện, một vấn đề đặt ra là nguồn lực đầu tư cho một số sản phẩm, công đoạn bị hạn chế.
Đơn cử, đối với cơ quan báo chí, không có cơ chế cho việc tuyển dụng phát thanh viên, các chi phí thường xuyên để vận hành, duy trì và khấu hao hệ thống thiết bị truyền hình, phim trường…như đài truyền hình. Tuy nhiên, trong điều kiện làm báo đa phương tiện, sản xuất các sản phẩm truyền hình là một trong những phần việc không thể thiếu của Báo Đắk Nông.
Không có MC chuyên nghiệp, nhân sự về kỹ thuật thiết bị truyền hình đầu cuối; kinh phí sửa chữa, thay thế các thiết bị phim trường như âm thanh, ánh sáng hạn chế đã khiến sản xuất các sản phẩm truyền hình gặp không ít khó khăn.
Chưa kể, do không có MC chuyên nghiệp, Báo Đắk Nông trước đây thực hiện bởi các MC kiêm nhiệm, tức vừa làm phóng viên, kỹ thuật viên, hay công việc hành chính, vừa làm MC nên không chủ động được thời gian cho các chương trình đến giờ lên sóng.
Tuy nhiên, nhờ AI, một người có thể quản lý cả một ekip công việc từ chuyển bản dịch, kịch bản gợi ý... lên hình, thu âm, dàn dựng một chương trình, phóng sự chỉ bằng những thao tác nhấp chuột.
Trí tuệ nhân tạo không thể bằng người thực. Nhưng xét một góc độ hoàn cảnh nào đó, nếu không có sự hỗ trợ từ AI, phòng Điện tử sẽ không duy trì, phát triển được một khối lượng nhiệm vụ và những phần việc phức tạp với tính chất làm việc nhóm, theo e kíp.
Ứng dụng AI để sản xuất một số công đoạn cho sản phẩm truyền hình chính là giải pháp để Báo Đắk Nông giải quyết những khó khăn đó.
Báo Đắk Nông là một trong những cơ quan báo Đảng đầu tiên ứng dụng AI trong sản xuất các sản phẩm truyền hình. Với gói MC ảo gồm nhiều giọng đọc, cách thức lên hình, Báo Đắk Nông đã sản xuất các sản phẩm truyền hình phi phim trường, phi MC thực. Với những MC ảo, một kỹ thuật viên có thể sản xuất được một chương trình với các công đoạn lên hình, dẫn phim trường, đọc chìm… nhờ AI hỗ trợ.
Với quy trình này, phòng Điện tự đã tiết giảm các chi phí máy móc như bàn trộn, bàn mix, hệ thống điện chiếu sáng và máy móc phim trường. Các MC ảo cũng sẵn sàng lên hình ở bất cứ thời gian, địa điểm nào, chỉ cần có máy tính và mạng Internet.
Về mặt con người, khi có hỗ trợ của AI, ekip truyền hình 2-3 nhân sự (MC thực, quay phim, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng…) giờ chỉ cần một kỹ thuật viên thực hiện.
Đối với phóng viên hiện trường, để có một sản phẩm truyền hình hoàn chỉnh, trước đây, công đoạn hậu kỳ đều phải thực hiện tại phòng thu hoặc trường quay thì nay, phóng viên có thể sản xuất một bản tin, phóng sự truyền hình hoàn chỉnh ngay tại cuộc họp hay hiện trường nhờ AI đọc lời bình, lên hình phim trường ảo.
Tuy nhiên, khi Báo Đắk Nông đưa AI vào thay thế MC thực, nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đa phần phản ứng bởi MC ảo dù gì cũng không bằng người thực. Từ ngôn ngữ, giọng đọc, biểu cảm và ứng xử tình huống không được như MC thật. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, xét về điều kiện của một cơ quan báo Đảng, ứng dụng AI cho một số công đoạn, sản phẩm báo chí là bài toán khả thi nhất. Bởi xét cho cùng, mục tiêu của báo chí đa phương tiện là cung cấp cho người đọc những thông tin với nhiều phương thức từ ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, con số…bằng một quy trình, cách thức nhanh nhất, hiệu quả nhất. Yêu cầu này đã được giải quyết nhờ sự hỗ trợ của AI.
Một sự thay đổi lớn nữa đó là nhờ có hỗ trợ của AI, phòng Điện tử Báo Đắk Nông đã có sự chuyển dịch theo hướng phi truyền thống. Tức là trước đây, một số công việc mang tính chuyên biệt, chỉ phòng Điện tử thực hiện thì hiện nay đã khác. Các sản phẩm truyền hình, báo chí hiện đại như Emagazine, đồ họa… tất cả các phòng chuyên môn đều tham gia bằng sự hỗ trợ của AI. Phòng Điện tử tham gia với vai trò tham mưu, đôn đốc, phối hợp tổ chức sản xuất. Từ đây, đã phát huy được nguồn lực từ các phòng chuyên môn, phá vỡ quy trình quản lý, hoạt động theo mô hình cấp phòng truyền thống.
AI đã góp phần giải quyết những bài toán khó cho phòng Điện tử về nguồn lực; thay đổi quy trình, cách thức làm việc và đơn giản hóa nhiều phần việc trong quy trình sản xuất một sản phẩm báo chí, đó là sự thay đổi lớn.