Người dân Palestine nhận hàng cứu trợ của Liên hợp quốc tại trại tị nạn Rafah, phía Nam Dải Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã chủ trì các cuộc thảo luận với Giám đốc Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông (UNRWA) Philippe Lazzarini trong bối cảnh bạo lực leo thang tại Dải Gaza đã khiến hơn 263.000 người phải rời bỏ nhà cửa tránh xung đột.
Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo các cuộc thảo luận giữa ông Shoukry và ông Philippe Lazzarini tập trung vào cách thức cung cấp các biện pháp bảo vệ cho người dân và đảm bảo khả năng tiếp cận thường xuyên với các dịch vụ và cứu trợ đưa đến Dải Gaza.
Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cũng tham dự cuộc họp.
Ngoại trưởng Ai Cập cảnh báo tình hình nhân đạo nguy hiểm ở Dải Gaza, khẳng định Ai Cập hoàn toàn ủng hộ các cơ quan của Liên hợp quốc trong các hoạt động đảm bảo vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo.
Hiện cửa khẩu Rafah tại biên giới Ai Cập là điểm duy nhất để tiếp cận Dải Gaza mà không nằm dưới quyền kiểm soát của Israel.
Ngày 10/10, Hội Chữ thập Đỏ Ai Cập cho biết đã nỗ lực từng giờ để vận chuyển những hàng hóa cứu trợ khẩn cấp cho các đối tác ở Dải Gaza tiếp nhận lô hàng hóa cứu trợ y tế đầu tiên vào ngày 9/10 qua cửa khẩu Rafah.
Ai Cập cũng thảo luận vấn đề này với các nước trong khu vực và Mỹ.
Trước đó, ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thông báo quyết định phong tỏa “toàn bộ” Dải Gaza, trong đó có cả lệnh cấm cung cấp thực phẩm, nước, nhiên liệu và điện cho vùng lãnh thổ có 2,3 triệu người dân này.
Người dân Palestine di chuyển qua đống đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Ai Cập và lãnh đạo cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cũng cho rằng biện pháp phong tỏa nêu trên không phù hợp với luật pháp quốc tế và kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo.
Trong khi đó, Na Uy cũng kêu gọi quốc tế tiếp tục viện trợ cho người Palestine.
Ngày 11/10, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt nhấn mạnh “với tư cách là chủ tịch của nhóm tài trợ quốc tế (cho người Palestine) AHLC, Na Uy khuyến khích cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ tài chính cho người dân Palestine.”
Cùng ngày 11/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định hoạt động hỗ trợ nhân đạo của EU dành cho người dân Palestine sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng khối này phải xem xét lại hỗ trợ tài chính một cách thận trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, bà von der Leyen cho biết EU phải xem xét cẩn thận khoản hỗ trợ tài chính cho Palestine để đảm bảo nguồn tài trợ của EU đến đúng tay người dân chứ không cho các tổ chức như Hamas.
Trong diễn biến liên quan, ngày 11/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết đã đề nghị với người đồng cấp Israel Yoav Galant về việc Đức có thể hỗ trợ Israel trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Pistorius lưu ý trước đó Chính phủ Đức cũng đưa ra lời đề nghị này với Tùy viên quân sự Israel tại Đức.
Tuy nhiên cho đến nay, phía Israel cho biết không cần hỗ trợ về quân sự hay kỹ thuật mà là về chính trị.
Về các chuyến bay sơ tán công dân Đức khỏi Israel, Bộ trưởng Pistorius nêu rõ các chuyến bay dân dụng đã được huy động đầy đủ cho công tác này.
Công dân Đức có thể đăng ký để được đưa về nước. Chính phủ và Bộ Quốc phòng Đức luôn sẵn sàng làm những gì cần phải làm.
Hiện nhiều nước như Đan Mạch, Phần Lan cũng đang triển khai các kế hoạch sơ tán công dân khỏi Israel.
Theo kế hoạch, trong ngày 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant sẽ thông báo qua video cho các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về tình hình tại quốc gia này./.