Học và làm theo Bác Hồ

95% hộ dân hiến đất làm đường đi Khu di tích lịch sử quốc gia

Hưng Nguyên 01/03/2023 09:55

Hàng ngàn mét đất đã được người dân tình nguyện hiến cho Nhà nước để làm đường giao thông. Quá trình hiến đất, người dân còn tình nguyện tháo dỡ nhà cửa, giải phóng mặt để triển khai dự án.

ADQuảng cáo
20230222_163433(1).jpg
Đoạn đường đang được thi công, mở rộng theo đúng tiến độ

Sau nhiều năm lập nghiệp, ông Nguyễn Hữu Đồng, ở tổ 5, phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa), có 2 rẫy trồng cà phê, điều, hồ tiêu. Đây cũng là nơi dựng nhà sinh sống và tạo nguồn thu nhập chính của gia đình ông.

Ông Đồng có đất ở cả 2 bên đường, nên khi Nhà nước triển khai dự án mở rộng đường, ông đã chịu ảnh hưởng hơn 2.345m2, với hàng trăm cây trồng, bờ rào trên đất.

Ông Đồng cho biết, vì sự phát triển của địa phương, nên ông sẵn sàng hiến đất. Đường mở rộng tới đâu, ông hiến đất tới đó.

Hiện nay, đơn vị thi công đã chặt các loại cây trồng trên đất của ông để thực hiện dự án. Với số lượng cây khá lớn, nên ông có nguyện vọng được hỗ trợ chặt bỏ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. 

dsc08749(1).jpg
Ông Đồng cho biết, làm đường tới đâu ông hiến đất tới đó

Còn ông  Mai Văn Phúc, có 20m đất mặt đường ở tổ 5, phường Nghĩa Tân. Dự án mở rộng đường sẽ đi vào vườn của gia đình ông hơn 4 m.

Sau khi nghe thông tin về dự án và được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, ông Phúc đã chủ động chặt bỏ hồ tiêu, bơ đang cho thu hoạch.

Ông thuê máy múc tạo mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công. Tổng diện tích đất ông Phúc chịu ảnh hưởng hơn 800m2 chưa tính cây trồng, bờ rào.

Ông Phúc chia sẻ: "Tôi sẵn sàng hiến đất để có đường to, đẹp, thuận lợi cho người dân trong phát triển mọi mặt đời sống".

dsc08769(1).jpg
Ông Phúc tự tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây trồng, bàn giao mặt bằng "sạch" cho đơn vị thi công

Còn gia đình ông Đỗ Văn Nghiên, ở cùng tổ 5, phường Nghĩa Tân, đang phải ở trọ sau khi đã dỡ nhà, san ủi mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công tuyến đường.

Ông Nghiên cho biết, căn nhà 5 gian của ông nằm gần hết trên diện tích đất cần mở rộng tuyến đường. Do đó, ông đã tự nguyện thuê người tháo dỡ nhà, cắt cây trồng, lấp giếng… để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

"Tôi thấy việc nên làm thì tôi làm, chứ bây giờ đòi quyền lợi thì bao giờ mới làm được đường để đi. Có đường thì mới phát triển kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống được", ông Nghiên cho biết. 

dsc08763(1).jpg
Nhiều hoa màu, cây trồng đang thu hoạch người dân cũng sẵn sàng chặt bỏ để mở rộng đường

Dự án đường từ ngã tư đường tránh Gia Nghĩa đi Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 có chiều dài hơn 2,8km, rộng 18,5m, mặt đường 10,5m, mỗi bên mở rộng 4m. Tổng vốn đầu tư dự án 57 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Gia Nghĩa làm chủ đầu tư.

Theo thống kê của chủ đầu tư, có  225 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, với khoảng 17.000m2 đất, nhiều diện tích cây trồng, nhiều công trình của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án

Ông Phạm Xuân Bính, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cho biết, đến nay, 95% số hộ đã đồng ý hiến đất, tài sản, hoa màu trên đất để đơn vị thi công thực hiện dự án.

Còn 5% số hộ có nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ một số hạ tầng, cây trồng trên đất… Phường đang đề xuất chủ đầu tư hỗ trợ một số hộ bị thu hồi đất để ổn định cuộc sống.

“Đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai được gần 20% khối lượng. Mọi việc đang diễn ra rất thuận lợi nhờ sự ủng hộ của người dân”,  đại diện chủ đầu tư cho hay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
95% hộ dân hiến đất làm đường đi Khu di tích lịch sử quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO