"Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ" của Bác Hồ là bài thơ khá dài, 45 câu. Bài thơ này Bác dùng hình thức tự sự, đoạn đầu kể chuyện từ khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chúng diễu võ dương oai, khoe khoang, huênh hoang tự đắc và tự mãn về một căn cứ quân sự hùng mạnh nhất Đông Dương: 20 tháng 11 năm cũ/Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ/Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất/Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất/ Chúng khoe rằng: "Kế hoạch Na-va /Thật là mạnh dạn và tài hoa/Phen này Việt Minh phải biết tay/Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!"/Các báo phản động khắp thế giới/Inh ỏi tâng bốc Na - va tới.
Đoạn tiếp theo là đoạn dài nhất, với 17 câu thơ, chủ yếu Bác kể về tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, tích cực chuẩn bị cho chiến dịch và sự tấn công bất ngờ của quân và dân ta, với quyết tâm đánh thắng trận Điện Biên Phủ: Bộ đội, dân công quyết một lòng/Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông/Khắc phục khó khăn và hiểm trở/Đánh cho giặc tan mới hả dạ/Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày/Không quản gian khổ và đắng cay/Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ/Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ/Ngày 13 tháng 3 ta tấn công/Giặc còn ở trong giấc mơ nồng/Còn quân giặc thì ban đầu vẫn chủ quan, tự cao tự đại, khoác lác, hợm hĩnh: "Mình có thầy Mỹ lo cung cấp/Máy bay cao cao, xe tăng thấp/Lại có Na-va cùng Cô-nhi/Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy/ Chúng mình chuyến này nhất định thắng".
Tiếp theo, Bác Hồ mô tả tinh thần anh dũng kiên cường, quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta, khiến quân giặc kinh hoàng và phải chịu thất bại thảm hại - một kết cục tất yếu của bọn xâm lược: Hơn 50 ngày ta đánh đồn/Ta chiếm một đồn, lại một đồn/Quân giặc chống cự tuy rất hăng/Quân ta anh dũng ít ai bằng/Na-va, Cô-nhi đều méo mặt/Quân giặc tan hoang, ta vây chặt/Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/Quân ta vui hát khải hoàn ca/Mười ba quan năm đều hàng nốt/Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt/Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây/Đều là tù binh hoặc bỏ thây.
Đoạn kết: Quân ta đã toàn thắng ở Điện Biên Phủ! Bác "giải thích" chiến thắng đó bằng lời thơ rất giản dị, với lý lẽ hết sức chân thành và hồn nhiên: Thế là quân ta đã toàn thắng/Toàn thắng là vì rất cố gắng/Chiến sĩ viết thư lên Bác Hồ/"Xin Bác vui lòng mà nhận cho/Món quà chúc thọ sinh nhật Bác/Chúng cháu cố gắng đã sắm được". Đọc đoạn này, lại nhớ đến những câu thơ của Tố Hữu trong bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên": "...Tiếng reo núi vọng sông rền/Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ/Bác đang cúi xuống bản đồ/Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo/Từ khi vượt núi qua đèo/Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày/Tin về mừng thọ đêm nay/Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông".
Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ không phải là bài thơ của một thi sĩ chuyên nghiệp. Đây là thơ của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Người "là Cha, là Bác, là Anh" của mỗi người dân Việt Nam ta. Cái đặc sắc, truyền cảm của bài thơ là lối kể chuyện đánh giặc và niềm vui chiến thắng theo cách kể chuyện dân gian, như lối kể chuyện các Vua Hùng dựng nước, Thánh Gióng đánh giặc Ân, Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định nhà Nam Hán, v.v... trong các truyện dân gian và các tác phẩm thơ Nôm khuyết danh của văn học dân tộc ngày xưa.
Bác kể chuyện về quân ta thật giản dị, tự nhiên; kể về quân địch thì dùng ngôn ngữ châm biếm sâu cay, hài hước, rất dí dỏm. Bác nói về chiến thắng to lớn của quân dân ta thật hồn nhiên và vui tươi, nói về thất bại của quân địch thì dùng những hình ảnh rất thảm hại. Thế nên, bài thơ thể hiện bút pháp khéo léo để tuyên truyền cho chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu", nhằm động viên quân và dân ta vững tin ở sự lớn mạnh của mình mà tiến lên xây dựng đất nước.
Ngày 7/5/2021 hôm nay tròn 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong ngày vui lớn, đọc lại những vần thơ của Bác viết về Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về đất nước ta, Nhân dân ta, về Đảng ta và Bác Hồ, về những người đã góp phần quan trọng làm nên vinh quang chói lọi đó.