Chính trị

50 năm vẹn nguyên ký ức hào hùng

Hoàng Hoài - Mỹ Hằng 30/04/2025 07:00

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức của ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim, khối óc của những người lính từng góp phần làm cho đất nước nở hoa hòa bình.

A Mười

Những tấm huân chương kháng chiến, huân chương chiến sĩ giải phóng được cài trên ngực áo là minh chứng hào hùng của ông Lê Hồng Bao, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm nay gần 80 tuổi nhưng ánh mắt của ông khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia kháng chiến vẫn rực sáng, đầy tự hào.

Ông Bao quê ở Thanh Hóa. Năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gác bút tình nguyện đi bộ đội và lên đường vào Nam chiến đấu. “Năm đó, tôi đang học lớp 8. Bố tôi làm Phó Chủ tịch UBND xã. Cả tỉnh Thanh Hóa có 9 người được đi công an, trong đó có tôi. Nhưng rồi, bố tôi đã giấu quyết định để cho tôi đi bộ đội dù biết ra đi sẽ không hẹn ngày về”, ông Bao cho biết.

3(6).png
Những huân chương đeo trên ngực áo là hành quả gói trọn cả thanh xuân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông Bao

Trên đường hành quân từ Bắc vào Nam, ông Bao cùng đồng đội trải qua nhiều vất vả, hi sinh, có lúc nắng cháy da, có lúc chân, tay rét buốt, sự sống mong manh. Vậy nhưng, các ông luôn bền gan, vững chí, không hề nao núng tinh thần, ngọn lửa của tình yêu nước luôn rừng rực. Ông Bao nhớ lại: “Hành quân mất 6 tháng trời, chúng tôi mới đến được nơi tập kết là Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Sau đó, đơn vị X9, V104, Đoàn 235 của chúng tôi được phân công tham gia tiến đánh vào Tây Ninh, Củ Chi… Chiến tranh ác liệt, gian khổ là thế, nhiều lúc cái chết cận kề nhưng với lòng yêu nước, chúng tôi quyết chiến với quân địch đến cùng”.

Ngày 1/4/1975, đơn vị ông Bao nhận lệnh tiến đánh vào căn cứ Củ Chi. Tối 26/4/1975, đơn vị ông nhận lệnh tham gia tiến đánh vào trung tâm Sài Gòn. Lúc này, lời hiệu triệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” đã thôi thúc, cổ vũ, động viên các ông rất nhiều. Từ đó, ông Bao và đồng đội như được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua ranh giới sinh tử với niềm tin son sắt toàn thắng sẽ thuộc về ta.

Ông Bao say sưa kể về
Ông Bao say sưa kể về cuộc chiến, sự hy sinh, gian khổ được đền đáp xứng đáng bằng niềm vui hòa bình, thống nhất

Sáng ngày 30/4/1975, quân ta mở cuộc tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định từ 5 hướng, nhanh chóng đập tan các tuyến phòng thủ cuối cùng của quân đội Sài Gòn. Trong đó, đơn vị ông Bao tiến vào từ hướng Tây Bắc, tiếp quản Trại Hoàng Hoa Thám.

Ông Bao nhớ lại, thời điểm này, các cánh quân của ta tiến vào đường phố Sài Gòn nườm nượp, bước đi như vũ bão, hiên ngang tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Mặt trận Sài Gòn ngày 30/4 không còn tiếng súng, tiếng bom đạn như những ngày trước. Đúng 11h30', ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

“Buổi trưa ta đã giành chiến thắng nhưng đến chiều chúng tôi mới biết tin. Lúc này, anh em chúng tôi sung sướng, vỡ òa. Chúng tôi bắt tay nhau, trao nhau cái ôm hạnh phúc. Bao nhiêu năm xa quê, không một lời hẹn ước, giờ đây, chúng tôi mới dám nghĩ đến quê hương, đến người thân”, ông Bao nhớ lại.

dsc01919.jpg
Nhắc đến ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông Bao lại rưng rưng nhớ thương đồng đội mãi nằm lại nơi chiến trường

Tròn 50 năm kể từ ngày Sài Gòn giải phóng, ông Bao một lần nữa được về thăm lại chiến trường xưa đúng vào dịp Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa giữa dòng người tấp nập, đường phố đông đúc xe cộ, rực rỡ cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, ông Bao như được sống lại về thời khắc lịch sử của đất nước.

“Về thăm lại chiến trường nơi ghi dấu ấn một thời thanh xuân hào hùng, tôi cảm thấy nghẹn lòng. Những giọt nước mắt trong ngày vui đại thắng, những cái nuối tiếc khi đồng đội của mình không được chứng kiến ngày vui độc lập lại trỗi dậy. Tôi thầm nói với đồng đội của mình: Chiến tranh là thế, có mất mát, có hy sinh. Đồng đội của tôi ơi, các bạn thấy không, TP. Hồ Chí Minh bây giờ khác xưa nhiều lắm, phát triển mạnh mẽ, vươn mình lên cao. Máu, xương của các bạn đã góp phần làm cho đất nước nở hoa, hòa bình”, ông Bao chia sẻ.

Anh TRung

50 năm nay, chưa lần nào ông Nguyễn Minh Tiến, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa quên được những năm tháng hào hùng của một thời tuổi trẻ góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi vào bộ đội, cuối năm 1970, ông Tiến được cử đi học ngành thông tin về chuyển mật mã, tham gia chiến đấu tại đơn vị Bộ 10, Trung đoàn 84 Pháo binh mặt đất, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Quá trình Nam tiến, đơn vị ông được lệnh tiến đánh vào thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đến tháng 12/1974, đơn vị ông nhận lệnh tiến đánh vào mặt trận Thừa Thiên Huế, rồi Đà Nẵng.

1(8).png

Sau khi Đà Nẵng được giải phóng, ông cùng đơn vị đi theo đường 1 vào Ninh Thuận, Bình Thuận đánh chiếm đèo Rù Rì. Ngày 26/4/1975, đơn vị ông Tiến tiến quân vào Đồng Nai, đánh vào Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái...

Ông Tiến kể, khi đơn vị pháo binh của ông đang triển khai đánh tại Đồng Nai thì cấp trên yêu cầu ông và tổ đài đi chi viện cho Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 325, đánh mũi Long Thành, Cát Lái, Nhơn Trạch...

“Tôi được phân công tham gia giải mã bức điện của cấp trên. Nội dung bức điện yêu cầu, vào lúc 17h ngày 26/4/1975, phải “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới chiến trường giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi dịch xong, đồng đội thông báo mở chiến dịch. Lúc ấy, Chính trị viên Tiểu đoàn có nói “các cậu nhớ bắt thật nhiều tù binh, thu thật nhiều vũ khí, thời cơ ngàn năm có một, ai không tham gia chiến dịch này là một thiệt thòi”, ông Tiến nhớ lại.

dsc01970.jpg
Hòa bình lập lại, ông Tiến mới bắt đầu dám nghĩ về quê thăm cha, thăm mẹ, thăm lại quê hương sau bao năm hành quân Nam tiến

Sau đó, ông Tiến nhận lệnh hành quân thọc sâu vào Nhơn Trạch, tiến đánh về Cát Lái. Lúc bấy giờ, cánh quân đơn vị ông Tiến đánh cánh Đông Nam tiến hành cơ động qua phà do bộ đội ta chiếm được. Quân ta yêu cầu bộ phận lái phà này phải phục vụ quân giải phóng qua sông Sài Gòn an toàn.

“Vào đến Sài Gòn, nghe dân quân du kích nói, Sài Gòn được giải phóng rồi, chúng tôi rạo rực, sung sướng nhưng chưa được chứng kiến bằng mắt nên nửa tin, nửa ngờ. Mãi gần 12h trưa ngày 30/4/1975, chúng tôi đến địa điểm Dinh Độc Lập. Lúc này, cổng vào đã bị xe tăng húc đổ, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Bên Dinh Độc Lập vẫn còn dòng chữ “bước qua bắn chết tại chỗ” của địch. Sau vài giây im lặng, nghẹn ngào, chúng tôi mới thực sự tin đây là sự thật. Trong đầu tôi lúc này lóe lên hình ảnh của cha, mẹ và quê hương. Tôi ước sao có tờ giấy, cây bút để viết ngay cho cha mẹ dòng chữ báo bình an, con chắn chắn trở về”, ông Tiến chia sẻ.

dsc02007.jpg
50 năm đã trôi qua, nhưng ông Tiến vẫn nhớ như in những kỷ niệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà ông cùng đồng đội từng trải qua

Từ ngày chiến thắng đến nay, giấc mơ được một lần về thăm lại chiến trường xưa của ông Tiến đã thành sự thật. Ông Tiến vinh dự là một trong những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn đang sinh sống trên địa bàn tỉnh về thăm các cứ điểm chiến dịch mùa Xuân năm 1975 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

“Vào thăm Dinh Độc Lập, tôi gặp lại nhiều cựu chiến binh từng tham gia giải phóng Sài Gòn. Có người thuộc Quân đoàn 3, người Quân đoàn 4, người quê Phú Thọ, Cao Bằng, người quê Hải Phòng, Bắc Ninh... Người lạ hóa thành quen, cứ khoác lên mình chiếc áo lính là chào nhau, hỏi han nhau, tay bắt mặt mừng hãnh diện, tự hào, chúc mừng nhau vì còn sống còn gặp lại và chứng kiến sự phát triển, vươn mình của mảnh đất Sài Gòn”, ông Tiến xúc động.

Anh Danh

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, CCB Đặng Đình Hướng, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa tham gia chiến đấu trong đội hình Sư 320, Quân đoàn 3 trực tiếp giải phóng Sài Gòn - Gia Định năm 1975.

Như hàng vạn thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ, năm 1971, ông Hướng tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu với lời hứa bao giờ miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình thì con sẽ về. Năm 1972, đơn vị của ông Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Trong cuộc chiến này, ông bị thương. Những tưởng không thể cùng đơn vị tiếp tục hành quân nhưng bằng ý chí của người cộng sản, bản lĩnh của tuổi trẻ, ông đã chiến thắng được thương tật tiếp tục chiến đấu. Sau đó, đơn vị ông Hướng hành quân sang Lào.

2(8).png

Tháng 11/1974, đơn vị ông Hướng nhận được lệnh quay về tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đợt này, đơn vị ông đóng quân tại địa bàn Củ Chi, Đồng Dù. 5h sáng 29/4/1975, khi nhận được pháo hiệu, tất cả các cánh quân hợp đồng đánh vào căn cứ Đồng Dù. Trung đoàn 3, Sư đoàn 320 đánh vào cửa chính Tây Bắc, cánh cửa thép của Sài Gòn. Trung đoàn 9 được tăng cường cho Sư đoàn 320 đánh ở hướng phụ là hướng Tây Nam của căn cứ Đồng Dù.

Ông Hướng bồi hồi nhớ lại, căn cứ Đồng Dù nằm dọc theo quốc lộ 1. Tại đây, địch xây dựng căn cứ phòng thủ kiên cố với hàng rào thép dày đặc, cứ 3 - 4 hàng rào lại có một bãi mìn. Chưa kể, địch còn làm mương nước để ngăn ta tiến vào, có chỗ nước cao 7 - 8m nhưng có chỗ cả 10m. “Trận đánh cứ điểm Đồng Dù rất ác liệt. Hơn 2 tiếng đồng hồ ta và địch giằng co, trong bắn ra, ngoài bắn vào. Quân ta bị thương và hy sinh rất nhiều, nhất là Trung đoàn 48 rồi đến Trung đoàn 9. Đồng đội hi sinh nằm xuống ngay trước mắt mình nhưng lúc ấy, lệnh của trên là phải tranh thủ từng giờ, từng phút để giải phóng miền Nam nên chúng tôi đành bước qua xác đồng đội để tiếp tục chiến đấu”, ông Hướng kể lại.

dsc02053.jpg
Ông Hướng cho biết, trong chiến đấu đồng đội hy sinh nằm xuống ngay trước mắt mình, nhưng các ông đành bước qua xác đồng đội để tiếp tục chiến đấu

Căn cứ Đồng Dù là cánh cửa thép của Sài Gòn nên quân địch quyết tử thủ đến cùng, chống trả quyết liệt. Đến khi quân ta được chi viện xe tăng, xe thiết giáp để chiến đấu thì quân địch ở đây mới bắt đầu nháo nhác. Khi xe tăng tiến vào căn cứ diệt các ổ đề kháng của địch, các đơn vị bộ binh nhanh chóng vượt qua cửa mở lao vào tiêu diệt địch. Đúng 10h30", lá cờ truyền thống mang 8 chữ vàng “Đoàn kết, nghiêm túc, dũng cảm, chiến thắng” mà Bác Hồ khen tặng Sư đoàn 320 được cắm trên nóc Sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy. Toàn bộ quân địch trong căn cứ và bọn ở vòng ngoài về ứng cứu cho Đồng Dù đã bị diệt, bị bắt và tan rã. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 25 và bộ tham mưu của hắn bỏ chạy nhưng sau đó đã bị các chiến sĩ du kích Củ Chi bắt làm tù binh.

Căn cứ Đồng Dù bị tiêu diệt, đường vào Sài Gòn đã thông. Theo hiệp đồng, lực lượng thọc sâu chiến dịch của Quân đoàn 3 thực hiện tấn công cùng các cánh quân và lực lượng tại chỗ giải phóng Sài Gòn. Còn đơn vị của ông Hướng có nhiệm vụ ở lại chốt chặn để các đơn vị khác thuận lợi tiến vào Sài Gòn. Ông Hướng cho biết: “11h 30" ngày 30/4/1975, nghe tin Sài Gòn được giải phóng, anh em mừng lắm, đồng thanh hô vang chiến thắng rồi. Trong niềm vui được sống, đất nước thống nhất, hòa bình, chúng tôi lại đau nỗi đau khi đồng đội hi sinh quá nhiều. Chúng tôi ai cũng khóc. Khóc mừng niềm vui của ngày hòa bình và khóc cho những đồng đội mãi nằm lại nơi chiến trường”.

dsc02102.jpg
Theo ông Hướng, thời gian có thể làm phai mờ tất cả, nhưng ký ức của ngày 30/4/1975 thì mãi không bao giờ ông quên

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hướng vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường miền Nam. Ông Hướng kể, thời các ông vào Đảng cam go lắm, phải trải qua chiến đấu, ít nhất đánh ba trận mới được kết nạp.

Đến nay, dù hơn 50 năm tuổi Đảng nhưng người chiến sĩ năm xưa vẫn không thể nào quên thời khắc vinh dự, tự hào được hô vang hai tiếng đảng viên, hai tiếng đồng chí.

Ông bùi ngùi xúc động đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ làm vội. "Vào Đảng chưa tới hai hai/Năm mươi tuổi Đảng, bảy hai tuổi đời/Quảng Trị ta đánh tơi bời/Bên dòng Thạch Hãn xác thù trôi thây/Gia nhập E9 tại đây/Trung đoàn được lệnh tấn công sang Lào/ Chiến trường mặt trận Nam Lào/Khác gì Quảng Trị hôm nào bạn ơi/Bác Xòng bom bỏ đỏ trời/Hầm hào rung lắc, đá rơi rào rào/Nguyễn Ngôn đứng trên mép hào/Lính dưới chiến hào biểu quyết ở đây/Quyết nghị viết giấy sổ tay/Không dấu, không má, có ngày tháng thôi/Nghĩ lại mà vã mồ hôi/Đánh nhau 4 trận, 2 lần bị thương”.

Để đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Hướng phải trải qua nhiều thử thách, thậm chí đánh đổi bằng máu và nước mắt. Cho nên hơn 50 năm qua, ông Hướng luôn tu dưỡng, rèn luyện, sống và làm việc xứng đáng với hai từ đảng viên, để những năm tháng thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc không hoài phí.

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        50 năm vẹn nguyên ký ức hào hùng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO