Ông Pierre Gréga, Chủ tịch Hội hữu nghị Bỉ-Việt trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)
Quan hệ Việt Nam và Bỉ trải qua 50 năm phát triển đã chuyển từ hợp tác nhân đạo thuần túy mở rộng thành quan hệ đối tác kinh tế và ngày càng hiệu quả.
Đây là đánh giá của Chủ tịch Hội hữu nghị Bỉ-Việt (ABV), Pierre Gréga trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels nhân kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Gréga và các thành viên của ABV vừa có chuyến thăm Việt Nam. Ông cho biết chuyến thăm đã giúp tái lập và thắt chặt mối quan hệ giữa ABV và các đối tác tại Việt Nam.
Đồng thời, chuyến đi cũng cho phép ABV có thêm ý tưởng về mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Bỉ và Việt Nam trong suốt 50 năm qua, ông Pierre Gréga cho biết từ hợp tác nhân đạo thuần túy lúc ban đầu, trong thời kỳ Việt Nam bị cấm vận, mối quan hệ giữa hai nước sau đó mở rộng sang thành đối tác kinh tế.
Hiện nay, hợp tác giữa hai nước phát triển đa dạng, mang tính thương mại và kinh tế nhiều hơn, bên cạnh quan hệ chính trị, văn hóa, khoa học, đào tạo.
Hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam được thúc đẩy ở cả cấp độ chính phủ và địa phương. Các vùng Flanders, Wallonia, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp đang có nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam. Theo ông Gréga, lĩnh vực du lịch, y tế hiện có nhiều tiềm năng để hai bên tập trung khai thác hiệu quả.
Về khía cạnh chính trị, Chủ tịch ABV đề cập đến hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có vấn đề về chất độc da cam.
Ông Gréga cho biết trong chuyến công tác tại Việt Nam vừa qua, ABV đã làm việc với Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và khẳng định tiến hành nhiều dự án, đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxine tại Việt Nam.
Phóng viên TTXVN tại Bỉ trao tặng ấn phẩm của TTXVN cho ông Pierre Gréga, Chủ tịch Hội hữu nghị Bỉ-Việt. (Ảnh: Đức Hùng/TTXVN)
Hội cam kết ủng hộ bà Trần Tố Nga, người đang đấu tranh với các công ty hóa chất Mỹ để đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxine Việt Nam.
Ông Gréga cũng cho biết thêm hiện đang liên hệ với một công ty ở Bỉ để tiến hành dự án giúp tẩy độc đất nhiễm dioxine ở Đồng Nai.
Chủ tịch ABV cũng đánh giá giữa Bỉ và Việt Nam còn tiềm năng hợp tác rất lớn trong lĩnh vực kinh tế.
Ông cho biết trong cuộc hội thảo diễn ra tại Đại học Ngoại thương Hà Nội hôm 23/2, một công ty sản xuất bia của Bỉ ở Silly thuộc tỉnh Hainaut đã kết nối được với một doanh nghiệp Việt Nam để cùng hợp tác.
Thành phố Namur, nơi có nhiều lễ hội độc đáo, cũng tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với thành phố Huế kết nghĩa.
Với nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh, ông Gréga kể ra một số lĩnh vực Việt Nam cần chú ý là quản lý chất thải, vấn đề khí hậu, giao thông.
Ông Gréga nhấn mạn: “Chứng kiến sự phát triển ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận ra rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà chúng tôi đã trải qua trước đây và hiện vẫn đang cố gắng giải quyết.” Do đó, theo ông, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Bỉ.
Theo Chủ tịch ABV, trong nền kinh tế tuần hoàn, không nên chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh của toàn cầu hóa, đặc biệt là với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là một ví dụ.
Bên cạnh đó, theo ông, Việt Nam cần đổi mới việc quản lý hệ thống y tế, giáo dục vì mục tiêu tiếp cận toàn dân.
Trên diễn đàn đa phương, ông Pierre Grega mong muốn kết nối các hội hữu nghị với Việt Nam tại các nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Hungary... để tăng cường giao lưu trên cả khuôn khổ song phương và đa phương.
Theo kế hoạch, cuộc họp giữa các hội hữu nghị sẽ được tổ chức vào cuối năm nay tại Brussels. ABV cũng nỗ lực đề xuất các nghị sĩ quan tâm đến Việt Nam tại Nghị viện châu Âu (EP) làm cầu nối giữa hiệp hội ở các nước.
Ông Pierre Gréga khẳng định ABV cùng với Hội hữu nghị Việt-Bỉ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi và dành sự quan tâm cho nhau để làm tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam./.