5 bài học kinh nghiệm xây dựng lực lượng quần chúng đặc biệt ở Đắk Nông
Qua 10 năm thực hiện Đề án 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đắk Nông đã xây dựng được 481 cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 5 bài học đã được rút ra từ công tác này.
Báo cáo do đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trình bày cho thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án số 05, cấp ủy các cấp đã thực hiện tốt việc rà soát, lựa chọn nhân sự để xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng theo quy định.
Đến nay, cấp ủy đảng cấp huyện đã xây dựng được 481 cốt cán/71 xã, phường, thị trấn/713 đơn vị cấp thôn.
Lực lượng cốt cán trong tỉnh Đắk Nông đã tích cực hoạt động, phát huy được vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS. Qua đó, vai trò và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được tăng cường. Nhiều mô hình hoạt động phù hợp, hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lực lượng cốt cán tích cực phối hợp tham mưu thực hiện tốt nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ năm 2013 đến nay, lực lượng cốt cán đã tham gia vận động hòa giải, giải quyết được 569 vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân. Đồng thời, đội ngũ cốt cán cũng đã vận động Nhân dân đóng góp hơn 11,4 tỷ đồng, hàng chục ngàn ngày công, làm mới và sửa chữa hơn 102km đường giao thông, hơn 7,97km kênh mương nội đồng, hiến trên 37,5ha đất làm công trình công cộng...
Báo cáo cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện Đề án số 05. Đó là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm đến việc triển khai thực hiện và phát huy được vị trí, vai trò của lực lượng cốt cán trong công tác tuyên truyền, vận động.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng cốt cán trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên được chú trọng.
Việc xây dựng lực lượng cốt cán phải bảo đảm quy trình chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu; phân công cán bộ có trình độ, năng lực, uy tín và lựa chọn đối tượng phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng và định hướng hoạt động theo phương châm gần dân, sát dân, nói dân hiểu và làm dân tin.
MTTQ và các đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức. Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót; khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng lực lượng cốt cán cần được thực hiện thường xuyên.