4 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

04/07/2023 15:05

Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội quy định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong 4 trường hợp sau đây:

1- Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

2- Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

3- Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

4- Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì xem xét miễn nhiệm

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm

Nghị quyết cũng quy định cụ thể quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn:

+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

+ Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết Trưởng Đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

+ Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Quốc hội.

+ Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

+ Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

+ Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

+ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

a) Họ tên, chức vụ của người được bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Số phiếu “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu;

d) Số phiếu “không tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu.

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/4-truong-hop-bo-phieu-tin-nhiem-voi-nguoi-giu-chuc-vu-do-quoc-hoi-bau-hoac-phe-chuan-119230704115206209.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/4-truong-hop-bo-phieu-tin-nhiem-voi-nguoi-giu-chuc-vu-do-quoc-hoi-bau-hoac-phe-chuan-119230704115206209.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        4 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO