4 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Ông già và biển cả - Hê-ming-uê
Ông già và biển cả - Hê-ming-uê bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12.
- 1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Ông già và biển cả
- Tác giả Hê-ming-uê (1899 - 1961)
- Tác phẩm Ông già và biển cả
- 2. Lập dàn ý phân tích truyện ngắn Ông già và biển cả của Hê-ming-uê
- Mở bài
- Thân bài
- Kết bài
- Danh sách một số đề thi phân tích tác phẩm Ông già và biển cả
- Đề 1: Phân tích hình tượng ông lão trong tác phẩm Ông già và biển cả
- Đề 2: Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả
- Đề 3: Chứng minh Ông già và biển cả là một bản anh hùng ca ngợi tư thế ngạo nghễ, hào hùng của con người
- Đề 4: Cảm nhận của em về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-ming-uê
1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Ông già và biển cả
Tác giả Hê-ming-uê (1899 - 1961)
1. Tiểu sử
- Hê-ming-uê (1899 – 1961), ông sinh ra trong một gia đình trí thức tại một vùng ngoại ô của Chicago.
- Sau khi tốt nghiệp trung học ông làm phóng viên.
- Năm 19 tuổi ông gia nhập quân y Hội chữ thập đỏ trong Thế chiến I, trên chiến trường Italia ông bị thương và được chuyển về Hoa Kỳ.
- Sau chiến tranh ông quay trở lại công việc tại tòa báo nhưng không hòa nhập được với xã hội đương thời nên ông tìm bình yên trong men rượu.
- Sau đó ông sang Pháp, vừa làm báo vừa sáng tác văn chương.
2. Sự nghiệp văn học
a. Quan điểm sáng tác
- Dù viết về đề tài nào ông cũng nhằm mục đích: “Viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”.
- Ông là người đề ra nguyên lý tảng băng trôi.
b. Tác phẩm chính
Ông để lại di sản văn học đồ sồ, gồm các tác phẩm tiêu biểu như: Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Vườn địa đàng, Ông già và biển cả,...
3. Vị trí và tầm ảnh hưởng
Hê-ming-uê là nhà văn Mỹ nổi tiếng thế kỉ XX, người góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều nhà văn trên thế giới. Năm 1954, ông được trao giải thưởng Nobel về văn học.
Tác phẩm Ông già và biển cả
1. Tóm tắt
Xan-ti-a-gô - ông lão đánh cá người Cu-Ba, sống cô độc và nghèo khổ trong túp lều cạnh bờ biển ngoại ô La-ha-ba-na. Vận đen đang bám riết lấy ông khi suốt tám mươi tư ngày không bắt được con cá nào ra hồn. Những người xung quanh chẳng còn tin vào cơ may của Xan-ti-a-gô, còn cậu bé Ma-nô-lin cũng bị cấm không được giao du với lão nữa. Ông quyết định ra khơi xa một mình, ông đến vùng nguy hiểm nhưng nhiều cá lớn. Một con cá kiếm khổng lồ mắc câu và ông lão bắt đầu cuộc săn đuổi con cá trong ba ngày liền. Đó là con cá kiếm lớn nhất và đẹp nhất ông từng thấy trong đời. Suốt mấy ngày, Xan-ti-a-gô tìm mọi cách để bám trụ và giữ con cá cho kì được. Cuối cùng, lão cũng cắm được mũi lao vào tim con cá và chinh phục được nó. Xan-ti-a-gô phấn chấn nghĩ đến những gì mà chiến lợi phẩm này mang lại khi trở về. Tuy vậy, mùi máu của con cá kiếm đã thu hút cả đàn cá mập đến rỉa mồi. Khi ông đuổi được chúng, con cá kiếm chỉ còn là bộ xương trắng khổng lồ phía sau đuôi thuyền. Về đến túp lều, Xan-ti-a-gô hoàn toàn kiệt sức và ngủ thiếp đi.
2. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời
- Ra đời năm 1952, sau 10 năm ông sống ở Cu-ba. Đây là cuốn tiểu thuyết ngắn nhưng có ý nghĩa quan trọng nhất trong sự nghiệp của Hê-minh-uê, có ý nghĩa như di chúc nghệ thuật của ông.
- Đoạn trích nằm ở cuối tác phẩm, kể về việc ông lão Xan-ti-a-gô đuổi theo và bắt được con cá kiếm.
b. Bố cục
- Phần 1 (Từ đầu đến “nước bắn tung, trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền”): Cuộc chiến đấu của Xan-ti-a-gô
- Phần 2 (Còn lại): Hành trình Xan-ti-a-gô đưa con cá về bờ
3. Tìm hiểu chi tiết
a. Tác phẩm tiêu biểu cho nguyên lý “tảng băng trôi”
- Dựa vào hiện tượng tự nhiên: nếu tảng băng có mười phần thì trên mặt nước chỉ có ba phần nổi, và có bảy phần chìm dưới mặt nước.
- Nhà văn phải hiểu biết cặn kẽ về điều muốn viết, sau đó lược bỏ những chi tiết không cần thiết, giữ lại những phần cốt lõi, sắp xếp lại để người đọc vẫn có thể hiểu được những gì tác giả đã lược bỏ.
- Người đọc phải đồng sáng tạo mới có thể hiểu được “bảy phần chìm”, những hình tượng, những hình ảnh,… giàu tính tượng trưng đa nghĩa.
b. Hình tượng con cá kiếm
* Đó là một con cá lớn, đầy sức mạnh và sự kiêu hùng
- Con cá lớn
+ “một cái bóng đen vượt dài”
+ ”cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn”
+ “thân hình đồ sộ”
+ “Cánh vi, bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng”
+ “dài cả thước”
- Con cá đầy sức mạnh
+ Lượn “những vòng tròn rất lớn”
+ Khiến ông lão “hoa cả mắt suốt cả tiếng đồng hồ...”
- Con cá kiêu hùng trong cái chết
“phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực của nó”
* Con cá kiếm vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh biểu tượng
- Con cá mang vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
- Con cá là biểu tượng của những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
- Con cá là biểu tượng của khát vọng nghệ thuật chân chính, cao đẹp.
→ Tập trung miêu tả con cá kiếm làm cho chiến thắng của ông lão trở lên vẻ vang, vĩ đại hơn.
c. Hình tượng ông lão Xan- ti-a-gô
- Được khắc họa qua những lời độc thoại và độc thoại nội tâm.
- Mang vẻ đẹp song song tương đồng trong tình huống căng thẳng, đối lập với con cá kiếm (người đi săn và con mồi, già nua yếu ớt và mạnh khỏe, cô độc và bầy đàn,...)
- Sự chiến thắng của ông lão đối với con cá
+ Thể hiện niềm tin vào bản thân và khả năng có thể chiến thắng, chinh phục thiên nhiên của con người.
+ Thể hiện ý chí và nghị lực phi thường của ông lão: “mệt thấu xương” nhưng vẫn cố gắng chiến đấu.
+ Thể hiện khát khao chiến thắng, chinh phục thiên nhiên, vũ trụ của con người.
+ Ông lão đã chiến thắng con cá bằng năng lực và kinh nghiệm của bản thân.
→ Qua hình tượng ông lão Xan-ti-a-gô, tác giả muốn thể hiện niềm tin yêu và ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, vũ trụ.
d. Giá trị nội dung
Hình ảnh ông lão đánh cá đơn độc, dũng cảm săn đuổi con cá lớn nhất đời là một biểu tượng về vẻ đẹp của ước mơ và hành trình gian khổ để biến ước mơ thành hiện thực. Sự chuyển hóa bức tranh với những nét trần trụi, chân thực, giản dị sang một lớp nghĩa hàm ẩn chính là sự thể hiện nguyên lý “tảng băng trôi”.
e. Giá trị nghệ thuật
- Cách viết dung dị, lời văn có nhiều “khoảng trống”
- Hình tượng được lựa chọn kĩ lưỡng, mang tính biểu tượng và đa nghĩa.
- Nghệ thuật độc thoại và độc thoại nội tâm.
2. Lập dàn ý phân tích truyện ngắn Ông già và biển cả của Hê-ming-uê
Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Hê-ming-uê:
+ Ông sinh năm 1899, mất năm 1961. Ông sinh ra ở ngoại ô Chicago, Mỹ trong một gia đình trí thức.
+Sau khi tốt nghiệp, Hê-ming-uê viết báo và làm phóng viên trong thế chiến thứ 2
+ Sau chiến tranh, ông không hòa nhập được với xã hội đương thời, cuộc sống tràn ngập trong men rượu. Sau đó ông sang Pháp vừa sáng tác văn chương vừa làm báo.
+ Ông để lại nhiều tác phẩm đồ sộ như tiểu thuyết mặt trời vẫn mọc, giã từ vũ khí, chuông nguyện hồn ai…
- Giới thiệu tác phẩm: Ông già và biển cả là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hê-ming-uê và cũng là tác phẩm thể hiện rõ rất nguyên lý “tảng băng trôi” trong sáng tác của ông.
Thân bài
a. Phân tích hình ảnh con cá kiếm
- Miêu tả con cá rất lớn và đẹp
+ Đuôi cá: lớn hơn cả chiếc hái lớn, có màu tím hồng dựng lên trên màu xanh của đại dương.
+ Một cái bóng đen lướt dưới con thuyền
+ Bộ vây: To sụ, hơn 10 tấn
- Miêu tả sức mạnh ghê gớm của con cá:
+ Vòng bơi của con cá kiếm khiến ông lão Xan-ti-a-go hoa mày chóng mặt
+ Cảm nhận cú nảy mạnh ở sợi dây do con cá gây ra.
- Miêu tả sự kiên cường của con cá:
+ Phóng lên trên mặt nước
+ Tầm vóc khổng lồ
Hình ảnh con cá kiếm càng mạnh mẽ, to lớn thì càng tô điểm cho chiến thắng của ông lão Xan-ti-a-go, làm cho chiến thắng đó trở lên vinh quang hơn. Hình ảnh con cá là hình ảnh ẩn dụ của sức mạnh và vẻ đẹp của thiên nhiên. Nó cùng là biểu tượng của khó khăn, thử thách mà con người phải vượt qua trong cuộc sống và là cái đẹp, ước mơ và sáng tạo của người nghệ sĩ.
b. Phân tích hình tượng ông lão Xan-ti-a-go
- Ông lão Xan-ti-a-go đã thất bại sau 84 ngày ra khơi. Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ, ông vẫn cố gắng tìm kiếm con mồi và đã bắt được con cá kiếm lớn
+ Xan-ti-a-go là một ông lão ngư dân đầy kiên trì
+ Là biểu tượng người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm cái đẹp, cái mới trong nghệ thuật.
- Cảnh ông lão Xan-ti-a-go chiến đấu với con cá:
+ Dựa vào kinh nghiệm, ông có thể biết được con cá đang bơi vòng tròn hay ngoi lên mặt nước thông qua độ nghiêng, độ chếch của sợi dây.
+ Ồng đoán được con cá đang làm gì khi dựa trên sự căng và chùng của sợi dây
+ Ông phóng lao trúng tim con cá một cách điêu luyện
Ông lão Xan-ti-a-go là một ngư dân lành nghề, có kinh nghiệm
- Sức mạnh và ý chí của ông lão Xan-ti-a-go:
+Ông tin tưởng vào bản thân: “tao sẽ tóm được mày”, “tao sẽ di chuyển được nó”
+ Mặc dù rất mệt mỏi sau 84 ngày lênh đênh trên biển nhưng ông vẫn dùng hết sức để chiến đấu.
Ông lão đã chiến thắng con cá kiếm. Điều này đã chứng tỏ khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người, sức mạnh không giới hạn, niềm tin vào bản thân và khả năng của con người. Rộng ra đó là thông điệp về những thành quả mà người nghệ sĩ đã đạt được sau quá trình lao động vì nghệ thuật.
Kết bài
- Khái quát về nghệ thuật: bút pháp miêu tả sống động đã xây dựng lên hình tượng con cá kiếm và ông lão Xan-ti-a-go với đường nét trần trụi mà chân thực nhưng cũng bao hàm những lớp ý nghĩa rộng lớn.
- Câu chuyện đã phản ánh quá trình khám phá thế giới, chinh phục thiên nhiên của con người. Con đường thành công luôn chồng chất những khó khăn mà người đi trên đó phải kiên trì mới gặt hái được quả ngọt.
Danh sách một số đề thi phân tích tác phẩm Ông già và biển cả
Đề 1: Phân tích hình tượng ông lão trong tác phẩm Ông già và biển cả
Ông già và biển cả là truyện ngắn xuất sắc được trao giải Nobel văn học (năm 1954) của nhà văn Mĩ Ơ-nít Hê-minh-uê. Thông qua hình tượng ông lão đánh cá cùng hành trình chinh phục con cá kiếm khổng lồ trên biển của ông lão Xan-ti-a-gô, Ơ-nít Hê-minh-uê đã gửi gắm được nhiều thông điệp, triết lí sâu sắc. Đây cũng chính là lí do Ông già và biển cả tạo được tiếng vang mạnh mẽ và độ phổ biến sâu rộng ngay từ khi mới được ra mắt.
Xan-ti-a-go là một người đánh bắt giàu kinh nghiệm, khi còn trẻ con có một "chiến tích" đánh bắt đáng tự hào. Thế nhưng càng lớn tuổi thì công việc càng trở nên khó khăn, ông không còn bắt được bất cứ con cá nào nữa, bởi vậy ông đã quyết định ra khơi lần cuối cùng để thử thách sự kiên trì, bản lĩnh và kinh nghiệm của bản thân. Chuyến ra khơi cuối cùng của ông lão Xan-ti-a-go lại khó khăn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của ông. Hơn 84 ngày đêm lênh đênh trên biển ông lão mới tìm thấy được "đối tượng" săn đuổi của mình, đó là một con cá kiếm to lớn và đẹp đẽ "cái đuôi lớn hơn cả chiếc hái lớn màu tím hồng dựng lên trên mặt đại dương xanh thẫm". Không những thế, con cá còn là một "đối thủ" đáng gờm nhất mà ông lão từng đối mặt, nó sở hữu một sức mạnh to lớn với "những vòng bơi của nó khiến ông lão hoa mắt chóng mặt", "ông cảm nhận được cú nẩy mạnh đột ngột ở sợi dây do con cá gây ra".
Ông lão Xan-ti-a-go không chỉ là một người kiên trì, bền bỉ mà còn là một người nghệ sĩ tài hoa, dày dặn kinh nghiệm trên biển. Hành trình chinh phục con cá kiếm của ông lão được nhà văn Hê-ming-uê miêu tả như một cuộc chiến thực sự. Con cá không chỉ có sức mạnh kinh người mà còn là một kẻ khôn ngoan, nó quay vòng làm tiêu hao sức lực của ông lão. Thế nhưng, suốt hai giờ đồng hồ, dù đôi tay đã mỏi nhừ, sức lực cũng dần rút khỏi thân thể già yếu của ông lão thì ông vẫn cố gắng giữ chắc sợi dây, trong lòng tự nhủ "Chúa sẽ giúp ta chịu đựng. Ta sẽ đọc một trăm lần kinh Lạy Cha và một trăm lần kinh Mừng Đức Mẹ. Nhưng lúc này thì ta chưa thể đọc."
Sự bền bỉ cùng kinh nghiệm của một lão ngư dân lành nghề đã giúp ông lão chiến thắng con cá kiếm. Sau nhiều vòng lượn, con cá kiếm đã thấm mệt, không quật dây nữa mà đã bắt đầu lượn vòng chậm lại. Ông lão phân tích tình hình và tìm cách kéo con cá về phía gần mạn thuyền, dù sức lực đã cạn kiệt "Miệng lão khô khốc, không thể nói nổi, hoặc nếu có cũng bằng giọng thì thào, yếu ớt" nhưng ông lão vẫn tự động viên mình " Hãy bình, tĩnh và giữ sức, lão già ạ. Kéo đi, tay ơi... Hãy đứng vững, đôi chân kia. Hãy tỉnh táo vì tao, đầu à". Khi thời điểm quyết định đã đến, ông lão dứt khoát phóng mũi lao vào con cá khiến nó đau đớn lao vút lên khỏi mặt nước rồi rơi xầm xuống.
Qua cuộc rượt đuổi và hành trình chinh phục con cá kiếm khổng lồ, ta cảm nhận được nhiều vẻ đẹp đáng quý của ông lão đánh cá, đó không chỉ là ý chí kiên cường, không chịu bỏ cuộc dù suốt 84 ngày ông lão không đánh bắt được con cá nào, đó còn là sự tài hoa, khéo léo cùng kinh nghiệm đánh bắt dày dạn. Chỉ cần nhìn vào độ nghiêng, độ chếch của sợi dây, ông lão biết được con cá đang bơi vòng hay sẽ ngoi lên mặt nước trong lúc bơi, dù thân thể dã dời nhưng ông vẫn lựa chọn được thời điểm then chốt để phóng lao "hạ gục" con cá. Một điều đáng quý khác ở ông lão Xan-ti-a-gô đó chính là sự tin tưởng vào bản thân, vào những giây phút khó khăn nhất, ông vẫn tự nhủ rằng bản thân sẽ làm được "ta sẽ có nó", "ta đã tóm được mày ở vòng lượn" hay "ta đã di chuyển được nó"....
Con cá kiếm không chỉ là thành quả đáng tự hào của ông lão Xan-ti-a-go sau nhiều ngày rượt đuổi trên biển mà còn là biểu tượng cho những ước mơ, khát vọng chinh phục tự nhiên đầy lớn lao của con người. Ông lão cũng là biểu tượng đẹp đẽ cho sức mạnh phi thường, không giới hạn của con người trong hành trình theo đuổi những lí tưởng đẹp đẽ.
Bằng bút pháp miêu tả điêu luyện, tài hoa, nhà văn Hê-ming-uê đã dựng lên hình ảnh thật đẹp về con người, về thiên nhiên. Qua nhân vật ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô, nhà văn Hê-ming-uê đã tái hiện hành trình chinh phục tự nhiên của con người, qua đó cũng khẳng định: Con đường đến với thành công không hề dễ dàng, để đạt được những thành tựu đáng tự hào cần phải có sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm.
Đề 2: Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả
Hê-ming-uê là một cây bút văn xuôi và tiểu thuyết nổi bật của nước Mỹ với một gia tài các sáng tác đồ sộ, có nhiều đóng góp cho nền văn chương của nhân loại. Điều đặc biệt của tác giả và các sáng tác của ông so với nhiều nhà văn khác trên thế giới ấy là việc vận dụng nguyên lý tảng băng trôi một cách tinh tế vào trong tác phẩm của mình để bộc lộ những tư tưởng, chiêm nghiệm về cuộc đời của nhà văn bằng các cốt truyện đơn giản, súc tích và nhân vật chính mang chủ nghĩa khắc kỷ đặc trưng. Một trong những sáng tác để đời tiêu biểu cho phong cách sáng tác này của Hê-ming-uê là tiểu thuyết ngắn Ông già và biển cả kể về cuộc săn đuổi con cá đẹp nhất đời của ông lão. Đoạn trích Đương đầu với đàn cá dữ cũng là một trong những đoạn trích ấn tượng nhất của tác phẩm với nhiều tầng ý nghĩa, kể về cuộc chiến đấu chống lại sự cướp bóc của đàn cá mập sau khi ông lão câu thành công con có kình với nhiều sự nỗ lực.
Những tưởng rằng sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, mệt mỏi rệu rã, mất nhiều công sức, thậm chí suýt đánh đổi cả tính mạng, cuối cùng ông lão cũng thành công câu được con cá đẹp nhất đời mình, một đối thủ nặng ký xứng tầm và khiến ông lão vô cùng hài lòng. Tuy nhiên mọi chuyện không hề dừng lại ở đó lão Xan-ti-a-gô không thể ngờ rằng sau một trận chiến gần như đã rút hết sức lực của mình, ông lại còn phải tiếp tục đương đầu với những kẻ thù khủng khiếp khác để bảo vệ chiến lợi phẩm của mình. Một đàn cá mập nghe thấy hơi máu của con cá kình vừa chết, chúng nhanh chóng lần mò đến gần thuyền của ông lão, đó không phải là sự tình cờ mà là một sự tính toán chặt chẽ của đàn cá ăn thịt, chúng muốn cướp đi cái chiến lợi phẩm đáng tự hào của ông lão đánh cá. Đoạn trích nằm ở chương cuối cùng của tác phẩm, sau một khoảng thời gian dài chống đỡ, chiến đấu với lũ cá mập háu thịt, ông lão đã tiêu tốn hết tất cả những vũ khí bao gồm cả cái bơi chèo trong những trận ẩu đả giằng co, đập vào đầu của những con cá mập to lớn. Bản thân ông lão cũng rơi vào trạng thái kiệt quệ và thê thảm, chiến lợi phẩm của ông cũng bị lũ cá mập rỉa gần hết. Ông lão chỉ có cố nhịn đau để xoay xở lái con thuyền của mình vào bờ, với một khung cảnh tối tăm, và thỉnh thoảng trông thấy ánh điện của thành phố hắt xuống mặt biển. Trong lúc cố tấp vào bờ thì ông lão cũng nằm trong hoàn cảnh khốn đốn, sắp phải chống chọi với đàn cá mà tay không một tấc sắt, đặc biệt cái lạnh lẽo ban đêm "càng làm vết thương của ông và những vết xây xát khắp cơ thể lão đau buốt", toàn thân lão tê cứng nhức nhối. Ông lão quá mệt mỏi với những trận chiến, giờ này bắt đầu trở nên mất tinh thần, rệu rã và kiệt quệ, lo âu với những gì có thể xảy tới. Đồng thời liên tục hy vọng rằng "sẽ không phải chạm trán với bọn chúng một lần nữa", bởi lẽ với trạng thái của ông lão, thì bây giờ cuộc chiến đã hoàn toàn trở nên không cân sức. Một con người đầy thương tích, kiệt quệ, không vũ khí và một đàn cá háu đói, thèm khát, ăn thịt phần lớn tất các loài cá khác ở đại đương, hung dữ và không kiêng dè, đó là một trận chiến không thể tưởng tượng được. Thế nhưng dù biết rằng chiến đấu là vô ích và vô vọng, nhưng khi ông lão vẫn kiên trì chiến đấu đến cuối cùng bằng tất cả những gì mình có. Trong hoàn cảnh đàn cá mập đông đúc, liên tục đớp thịt con cá kình, ông lão không thể phân định và phán đoán một cách chính xác, ông chỉ nhìn thấy "những vệt nước do những chiếc vi cá mập xẻ dọc ngay trên mặt biển và những đường lân tinh lấp lánh kéo theo đằng sau đuôi", cảm nhận được sự rung lắc của con thuyền khi đàn cá luồn xuống dưới đáy thuyền đội cả thuyền lên. Trước thực trạng tấn công dữ dội của đàn cá và tình thế bất lợi hoàn toàn của bản thân, ông lão "kháng cự một cách tuyệt vọng", mang trong mình nỗi ám ảnh, lo lắng và mệt mỏi. Thế nhưng bằng sức mạnh tinh thần của mình ông lão không chịu từ bỏ và tha thứ cho đàn cá cướp bóc, ông vẫn kiên trì, cố sức "lão vụt nháo nhào", lão "tháo ngay chiếc tay lái và nắm chắc cả hai tay mà vụt túi bụi ra bốn phía", lão lại "hoa cái tay lái lên quật đúng vào hàm răng con cá mập", "lão quật liên hồi hai bận, ba bận, mười bận". Tuy nhiên khi nhìn vào những đòn tấn công, chống trả liên tiếp, dồn dập và có phần loạn xạ của ông lão, ta nhận ra rằng nhân vật chính đang ở trong thế bị động, kiệt quệ, chiến đấu một cách không trình tự, kế hoạch, đến đâu hay đến đó. Chính vì vậy những đòn liên tiếp của ông lão đã không đạt được những hiệu quả nhất định, đàn cá dữ vẫn liên tục cướp bóc và không hề lùi bước trên con người yếu đuối đang cố bảo vệ tài sản của mình "Chúng đâm bổ vào xác con cá. Mỗi lần ngoạm xong một miếng, chúng lại lùi ra rỗi quay trở lại, những miếng thịt chúng vừa dứt được lấp lánh dưới nước". Trận chiến kết thúc chỉ khi bọn cá đã xâu xé hết con cá kình của ông lão, còn cái tai tái của ông lão gãy đôi, khi con cá cuối cùng rời đi vì ăn phải một đòn hiểm của ông lão, thì cùng lúc ông lão thấy miệng mình có vị tanh nồng ngòn ngọt. Đó là cái vị của máu, vì quá mệt mỏi mà ông lão đã nôn ra cả máu. Và cuộc chiến bất đắc dĩ, đầy cam go đã kết thúc trong sự tuyệt vọng, mệt mỏi và bất lực của con người. Ông lão đã có một chiến tích oai hùng khi chiến thắng con cá kình, thế nhưng lại phải nhận lấy thất bại từ một đối thủ khác cũng chỉ vì cái chiến lợi phẩm của mình.
Một chuyến ra khơi mệt mỏi rệu ra và nhiều xúc cảm của ông lão đã để lại trong lòng độc giả nhiều suy nghĩ. Điều đó bộc lộ thật rõ nét trong những lời độc thoại nội tâm mang chút cay đắng, khi ông lão không thể bảo vệ được tài sản của mình và nhổ ngụm nước bọt chứa máu của mình xuống biển "Cho chúng mày nuốt đi lũ cá mập kia. Nuốt đi đó tưởng tượng là vừa giết được một con người". Không nói bộc lộ trạng thái giận dữ, đồng thời cũng là sự khinh bỉ, thách thức của ông lão đối với kẻ thù, những kẽ không làm mà đòi hưởng, những kẻ đã cướp bóc công sức lao động của người khác một cách hung ác và trơ trẽn. Sắc thái hài hước và lời đối thoại sau cuộc chiến thất bại thảm hại của ông lão không chỉ cho ta thấy nỗi mệt mỏi và thất vọng của ông lão, mà ở đó ta còn thấy được sự hồi phục tinh thần của ông lão sau trận chiến. Thoát khỏi cảm giác lo âu, bất định, ám ảnh bởi đàn cá dữ ông lão đã nhìn nhận sự thất bại của mình một cách bình thường và cũng không còn mấy tức giận, nuối tiếc con cá đẹp nhất đời mình đã đi vào bụng cá mập nữa. Mà thay vào đó là tìm lấy chiếc tay chèo để dong thuyền về với đất liền, kết thúc chuyến đi đầy sóng gió trong cảm giác thanh thản ở tâm hồn. Đó là một bài học hay là phần "tảng băng chìm" mà tác giả muốn truyền tải, rằng thắng thua trong cuộc đời chỉ là chuyện thường tình, vào đúng lúc, đúng thời điểm người ta phải biết chấp nhận và buông bỏ để đổi lại cảm giác thanh thản tâm hồn, trở thành cơ sở cho những lần thành công sau trong cuộc đời.
Trong một lời độc thoại khác của ông lão "Ngẫm cho cùng thì gió cũng là bạn tốt của ta. Hoặc nói cho đúng hơn, đôi khi cũng là bạn tốt. Và biển cả nữa biển cả với những bạn hữu và kẻ thù của ta. Lão lai nghĩ: Và cả chiếc giường ta nằm nữa. Chiếc giường là bạn của ta đấy! Chỉ cái giường thôi! Ôi được nằm trong giường dễ chịu biết bao!". Đó là sự chiêm nghiệm có phần hơi chua cay của ông lão trong suốt hành trình gian khó truy đuổi ước mơ của mình, thế nhưng ta cũng nhìn ra được sự tỉnh ngộ của ông lão trong cả hai trận chiến cam go. Trong khi đàn cá dữ vẫn liên tục ùa đến chôm chỉa con cá kình chỉ còn bộ xương, thì ông lão chẳng còn buồn xua đuổi, chiến đấu làm gì nữa, lúc này ông nghĩ về những mong ước thật giản dị và có chút hài hước. Sau một trận chiến lớn như thế, người dày đặc vết thương, nhưng ông lão không bận tâm mấy, mà chỉ được muốn nghỉ ngơi sau một hành trình lắm niềm vui, thành tựu, nhưng đầy thất bại thảm hại. Ông lão giữa biển khơi, lênh đênh một mình trong nhiều ngày đêm đối diện với sự cô đơn và những biến cố to lớn, thế nhưng với tinh thần mạnh mẽ, sự suy nghĩ thấu đáo đã dễ dàng vượt lên nỗi cô đơn, thất bại để trở về với bản thân mình, trở về cuộc sống bình thường. Câu độc thoại "Cái gì làm mày thất bại", rồi lão hét to lên rằng "Chẳng gì cả. Ta đã đi quá xa". Là một lời tự động viên, một suy nghĩ đầy tích cực và ẩn dụ một tần nghĩ sâu sắc, ấy là cái giá phải trả cho việc kỳ vọng quá nhiều vào những ước mơ vĩ đại, cao đẹp, con người nên xác định được giới hạn của bản thân, việc chinh phục những đỉnh cao là điều đáng được trân trọng, thế nhưng đôi lúc những ước mơ xa vời quá có thể khiến ta phải nếm mùi thất bại một cách triệt để, thậm chí nếu không tự thoát ra được, con người sẽ mãi chìm đắm trong tuyệt vọng.
Trận chiến với đàn cá dữ không chỉ đơn thuần là một cuộc giành giật, chiến đấu bảo vệ tài sản của ông lão với thiên nhiên mà nó còn hàm chứa nhiều tần nghĩa ẩn dụ, cho người đọc những bài học sâu sắc về việc con người theo đuổi những ước mơ, kỳ vọng vượt ra ngoài giới hạn của bản thân và cách để vượt qua thất bại. Ông lão đánh cá là một hình tượng anh hùng của con người trong công cuộc lao động, chinh phục thiên nhiên biển cả, tuy không giành chiến thắng sau cùng, thế nhưng tầm vóc cũng như những phẩm chất của ông lão đã đem đến cho độc giả những chiêm nghiệm đáng giá.
Đề 3: Chứng minh Ông già và biển cả là một bản anh hùng ca ngợi tư thế ngạo nghễ, hào hùng của con người
Miller Hê-ming-uê là một nhà văn nổi tiếng người Mĩ. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật của mình ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá và để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Đặc biệt tiểu thuyết "Ông già và biển cả" là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới, tác phẩm đã đoạt giải Plitzer vào năm 1953. Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật theo nguyên lý tảng băng trôi mà tác phẩm còn mang một nội dung tư tưởng lớn, bởi vậy mà từng có nhận định rằng: "Ông già và biển cả là một bản ảnh hùng ca ca ngợi tư thế ngạo nghễ và hào hùng của con người".
Tác phẩm kể về Xan-ti-a-go một người lao động làm nghề chài lưới. Lão chẳng được may mắn như những người dân chài khác khi suốt 84 ngày đêm lênh đênh trên biển ông chả trúng một mẻ cá nào. Dường như vận xui xẻo cứ quấn lấy ông khiến cho mọi người trên biển cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, mẹ cậu bé Manolin cũng cấm không cho cậu đi với lão. Những tưởng lão nản lòng mà buông bỏ, chấp nhận số phận hẩm hiu của mình, nhưng không, trong thất bại lão vẫn vững lòng tin và hy vọng vận xui sẽ không bám theo lão nữa. Lần ra biển lão đi một mình ra vùng Giếng Lớn và đánh được một con cá kiếm lớn nặng chừng 6,7 tấn. Với lão đó là một thành quả xứng đáng cho bao ngày mỏi mòn mong đợi khi ra khơi của lão, lão phải mang được nó về bờ để mọi người phải trầm trồ, không ai coi thường hay nói gì lão nữa. Đó là niềm tin vào chính mình, vào khả năng và mong muốn tự khẳng định mình của người lao động, một lao động nghiêm túc luôn mong muốn mang lại thành quả xứng đáng nhất.
Lòng quyết tâm bắt được con cá kiếm thô thúc lão hành động, một lòng vững chí với quyết định của mình không gì lay chuyển nổi. Nhưng với một lão già đã ngoài 70 trên một con thuyền giữa mặt biển bao la rộng lớn với những sóng to, gió lớn liệu lão có vượt qua được thử thách ấy để dành lấy phần thưởng xứng đáng cho mình?. Và đó là một hành trình chinh phục đầy rẫy những khó khăn, vô vàn những trắc trở. Nhưng càng khó khăn, trăn trở, hình ảnh lão Xan-ti-a-go hiện lên thật lẫm liệt, hào hùng. Lão như một người hùng trong chiến trận, mãnh liệt, can trường. Suốt từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối, lão chiến đấu với con cá kiếm, những vết xước trên đôi chân, lòng bàn tay ứa máu, chân tay tê dại đi, bụng đói cồn cào, người mệt lả mà lão vẫn không ngừng hành động, vẫn quyết tâm cao chinh phục nó, lão tự nhủ: "Mình sẽ cho nó biết sức con người có thể làm được những gì và chịu đựng bao lâu".
Những tưởng khi cá kiếm được chinh phục rồi lão có thể yên tâm trở về bến. Nhưng không, lũ cá mập khổng lồ đã kết bè kéo cánh đến hòng cướp đi thành quả của lão, với chúng con cá kiếm kia là miếng mồi ngon mà chúng có thể lợi dụng để giành giật mà không tốn chút sức lực săn mồi. Một lần nữa, lão Xan-ti-a-go tội nghiệp lại đương đầu với thử thách mới, kẻ thù mới. Những ngày mệt nhọc đã khiến lão đuối sức nhưng không vì thế mà tinh thần kiệt quệ. Lũ cá mập càng ngang nhiên hoành hành lao vào để cướp lấy con mồi lão càng chiến đấu không nhân nhượng. Giữa màn đêm tối tăm, lão như một kẻ mù trong chiến trận nhưng kẻ mù ấy vẫn một lòng quyết tâm giữ chiến lợi phẩm của mình. Vũ khí chiến đấu chỉ là cái chài, lão quật tới tấp vào chúng, những kẻ thù kia ngang nhiên, ngạo mạn, đưa những chiếc răng sắc bén, sầm sập cầu xé miếng mồi, chúng hung dữ vung mình gây sóng lớn làm chiếc thuyền chông chênh. Lão cố căng mắt nhìn, dựng tại mà nghe tất thảy những gì đang diễn ra lúc này, một khung cảnh thật rùng rợn.
Lão một mình cô độc chiến đấu với bè lũ khốn kiếp, hung hãn, khát mồi kia thật đáng sợ biết bao. Cuộc chiến ngày một căng thẳng, dữ dội hơn. Lũ cá mập vẫn không hề nao núng hay sợ hãi lão, chúng chồm lên mà nhanh chóng ngoạm lấy cái chài của Xan-ti-a-go. Vũ khí bị mất, lão chấp nhận thua cuộc, đứng nhìn lũ cá mập tàn nhẫn kia cướp lấy con mồi sao? Không? Làm sao lão có thể để bảo công sức, mồ hôi, máu và nước mắt của mình dễ dàng bị cướp đi như thế. Lão nhanh chóng bẻ tay lái thuyền một cách đầy mạnh mẽ tiếp tục làm vũ khí chiến đấu, lão dùng hết những sức lực của mình có được mà vùng tày lái đánh tứ từng bốn phía khiến lũ cá mập bị dập túi bụi. Cuộc chiến vẫn không khoan nhượng, lão vẫn tiếp tục ngoan cường trên chiếc thuyền của mình, vùng vũ khí xuống lũ ngạo mạn kia. Những đòn tới tấp giáng xuống trừng trị chúng, lão quật cường, hăng hăng trong trận chiến, đánh gãy cả mái chèo, những trận đòn chí mạng vẫn tiếp tục. Kết thúc trận đấu, lão nhổ đi dòng máu trong miệng mà nói: "Nuốt đi để tưởng tượng là vừa giết chết được một con người". Một câu nói đầy giễu cợt chứa đựng sự khinh bỉ cho kẻ thù. Giờ đây trong lão là sự đắng cay và cả niềm tự hào của bản thân. Bộ xương cá và chiếc thuyền câu giữ lại như một sự minh chứng cho tinh thần thép của lão Xan-ti-a-go - anh hùng trong lao động, sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao dẫu thất bại sống là một thất bại đáng tự hào, một thất bại khiến người người phải nể phục, tán thưởng.
Lão Xan-ti-a-go trở thành một hình ảnh đẹp đẽ đại diện cho những con người lao động dày quả cảm. Ở lão, có một tinh thần nhiệt huyết, một sự kiên trì và một trái tim sắt đá, một còn người giàu kinh nghiệm và biết vượt lên trên mọi nghịch cảnh. Những thử thách lão đã vượt qua, những thành quả mà lão nhận được sau cuộc chiến đều thật đẹp, thật đáng để tự hào.
"Ông già và biển cả" thật xứng đáng là một bản anh hùng ca ngợi vẻ đẹp ngạo nghễ, phi thường của con người. Những con người yêu thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên và chinh phục thiên nhiên, với họ, biển cả đâu chỉ có kẻ thù, có đàn cá dữ, có giông tố thôi đâu mà biển cả còn là máu thịt, là tình bạn, là cánh chim hiền dịu, là nơi nuôi nấng bao con người lớn lên, trưởng thành.
Tiểu thuyết được viết nên bằng tất cả tâm huyết của một nhà văn đầy tài năng. Tác phẩm đã giúp em thêm hiểu và trân trọng hơn công sức lao động của con người, thêm tin rằng mọi khát vọng đẹp đẽ đều được đến đáp xứng đáng nếu ta cố gắng hết mình vì chúng. Hình ảnh ông già Xan-ti-a-go trong cuộc chiến với đàn cá dữ mãi mãi hình ảnh đẹp để lại trong em nhiều ấn tượng, đặc biệt là bài học về sự nỗ lực, sức mạnh, khí phách và niềm tin trong cuộc sống.
Đề 4: Cảm nhận của em về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-ming-uê
Ernest Miller Hê-ming-uê (21 tháng 7 năm 1899 - 2 tháng 7 năm 1961) là một tiểu thuyết gia, nhà văn chuyên viết truyện ngắn đồng thời cũng là một nhà báo nổi tiếng bậc nhất của Mỹ. Nhiều tác phẩm theo nguyên lý tảng băng trôi, ít chữ, súc tích, với những nhân vật trung tâm mang đặc trưng chủ nghĩa khắc kỷ của ông đã trở thành kinh điển trong nền văn học Mỹ, và có nhiều đóng góp quan trọng trong nền văn học thế giới. Trong đó tác phẩm Ông già và biển cả là một trong những tác phẩm thành công và nổi tiếng hơn cả với hai "nhân vật" song song là ông già và con cá kiếm.
Đoạn trích trong sách giáo khoa chỉ là một phần của tác phẩm Ông già và biển cả, mô tả cuộc chiến ngang tài ngang sức giữa hai nhân vật, đồng thời từ những mô tả của tác giả, khiến người đọc rút ra được nhiều những nội dung có ý nghĩa thông qua hình tượng của hai nhân vật. Đầu tiên với hình tượng con cá kiếm, con cá mà ông lão lần mò, theo đuổi nhằm đạt tới ước mơ đánh bắt được con cá lớn nhất, đẹp nhất đời suốt 2, 3 ngày đơn độc trên biển. Với những mô tả của Hê-ming-uê, thì đó là một con cá có cái "bóng đen vượt dài dưới mạn thuyền" cùng với cái "đuôi lớn hơn cả một chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm", "thân hình đồ sộ" và "bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng ". Và dĩ nhiên rằng đối với thân hình to lớn khác thường ấy thì con cá kiếm này cũng mang trong mình những sức mạnh ghê gớm được phô khoe trong suốt trận chiến cam go với ông lão đánh cá, như một đối thủ ngang tầm ngang sức. Trong khi đó ông lão đánh cá vốn là một ngư phủ thạo nghề, nhiều kinh nghiệm chinh chiến, thế nhưng đối mặt với con cá kiếm to và đẹp này cũng khiến ông chật vật, rệu rã, đầu óc quay cuồng. Dù đã cắn phải lưỡi câu của ông lão thế nhưng nó vẫn liên tục lượn vòng dưới nước, kiềm lại sức kéo câu của ông lão, đôi lúc nó còn cố thoát khỏi lưỡi câu bằng những "cú nẩy mạnh đột ngột", còn ông lão cảm thấy sức mạnh ghê gớm của con các "thật là sắc và thật là nặng" ở sợi dây mà ông lão đang cố nắm chặt bằng cả hai tay. Đặc biệt không chỉ to đẹp, mạnh mẽ mà ở con cá kiếm hiếm có này người ta còn nhận thấy một phẩm chất rất đáng quý và đáng trọng ấy là sự kiêu hùng bất khuất quyết không khuất phục trước số phận bị mắc câu. Ban đầu khi còn khỏe nó cứ lượn vòng mãi ở xa, không cho ông lão lôi nó vào mạn thuyền, nó dùng hết sức mạnh của mình để tránh xa và đương đầu với một ngư phủ lành nghề, thỉnh thoảng nó cố dùng sức quẫy mạnh hòng thoát khỏi cái móc câu quái ác, hoặc cốt để dây câu đứt, hay hơn là kéo cả kẻ thù xuống nước. Đến khi nó đã hết sức, không thể chiến thắng được ông lão ngư phủ, và chấp nhận cái chết, khi chiếc lao của ông lão phóng xuống nó đã dùng hết bình sinh để "phóng lên khỏi mặt nước phô tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực". Y như một chiến binh kiêu hùng, dù chết nhưng cũng phải hiên ngang, oai hùng, khiến đối thủ của mình thấy hết được tầm vóc, và sự kiêu hãnh, tạo ra một cái chết thật ấn tượng phù hợp với tư thái của con cá kiếm to đẹp nhất biển cả. Và sở dĩ rằng Hê-ming-uê hết lời ca ngợi con cá kiếm, đồng thời gây dựng cho nó một hình tượng đẹp đẽ, kiêu hùng như vậy mục đích là để bộc lộ cái nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tác của mình. Đằng sau vẻ đẹp, sự bất khuất của con cá kiếm người ta lại mới nhận ra được dụng ý của tác giả rằng ông muốn con cá phải là một đối thủ ngang sức ngang tài của ông lão đánh cá- một ngư phủ lành nghề kiên cường. Có như thế thì khi cuộc chiến kết thúc cái tài năng và chiến thắng của ông lão mới lại càng được tôn lên bởi một vẻ đẹp tuyệt đối và phi thường hơn tất cả. Bởi lẽ nếu câu kéo được những con cá bình thường thì bất cứ ngư dân tầm thường nào cũng sẵn sàng làm được, còn việc đánh bắt được một con cá kiếm khổng lồ, đẹp cả về ngoại hình lẫn nhân phẩm lại là một thành tựu, một kỳ tích quý báu và không dễ gì có được trong đời. Từ đó tầm vóc của con người trước biển cả, trước thiên nhiên càng trở nên nổi bật, chứng minh khả năng chinh phục thiên nhiên, vũ trụ không giới hạn của con người. Nhưng không dừng lại ở đó, hình tượng con cá kiếm ở đây còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, là phần chìm của "tảng băng trôi", đầu tiên trước hết sự đẹp đẽ, phi thường của nó chính là đại diện cho vẻ đẹp cũng như sức mạnh của thiên nhiên rộng lớn. Từ góc nhìn cuộc sống của con người thì hình tượng con cá kiếm là những thử thách, những chông gai mà chúng ta phải đối mặt, phải vượt qua trong cuộc sống bằng mọi nỗ lực để chạm tới đỉnh thành công. Đồng thời, với góc nhìn nghệ thuật thì sự vĩ đại của con cá lại chính là ẩn dụ cho những ước mơ sáng tạo, ước mơ theo đuổi nghệ thuật hoàn mỹ, tuyệt diệu của giới nghệ sĩ. Ông lão ở đây không chỉ đóng vai trò là một ngư phủ lành nghề, một con người đương đầu với khó khăn mà còn là một người nghệ sĩ đang trăn trở, chạy theo khao khát làm nên nghệ thuật, thành tựu, khẳng định tên tuổi cho cuộc đời câu kéo, lênh đênh trên biển của mình.
Với hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô, đặc điểm đầu tiên ta nhận thấy đó là ông được đặt vào một cuộc chiến không cân sức, khi bản thân ông tuổi đã cao, sức đã yếu, lại thêm đã lênh đênh trên biển mấy ngày, đồ ăn thức uống thiếu thốn, hư hỏng,... đặc biệt là cô độc, trơ trọi, một mình trên con thuyền nhỏ không ai giúp đỡ, hết nói chuyện với chim, hoa, lá, lại rơi vào trầm mặc, đợi chờ một con cá lớn nhất đời xuất hiện. Đối thủ của ông lại là một con cá kiếm béo mẫm lên tới hàng tấn, đầy sức mạnh, đặc biệt nó là còn là loài ở dưới biển khơi vốn đã quen vẫy vùng, thêm nữa nó lại còn rất kiêu hùng, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Thế nhưng chính từ cái hoàn cảnh không cân sức này mà chiến thắng của ông lão lại càng thêm rực rỡ, huy hoàng hơn cả. Nhờ những phẩm chất tốt đẹp, quý giá mà ông lão đã trở thành người chiến thắng sau cùng, vượt lên trên tất cả những khó khăn mà tình thế mang lại. Đầu tiên ấy là sự thành thạo, mưu trí và kinh nghiệm trong nghề đánh cá, khi Chỉ cần nhìn độ nghiêng, độ chếch của sợi dây câu, ông đã có thể biết con cá đang bơi vòng tròn hay liên tục ngoi lên trong lúc bơi, cũng cảm nhận được sự quẫy quật mạnh mẽ của con cá dưới nước khi thấy sợi dây đánh động. Nhạy bén trong việc nhận biết xem con cá đang làm gì dưới biển khơi dựa vào sự căng chùng của sợi dây để suy xét việc sẽ kéo con cá vào gần mạn thuyền một cách cẩn thận làm sao cho con cá kiệt sức mà không khiến nó nổi giận, phát cuồng lên kéo cả ông xuống biển. Sự lành nghề của ông lão đánh cá còn bộc lộ trong giây phút ra đòn quyết định khi ông nắm chắc cây lao và phóng thẳng vào tim con cá kiếm khiến nó lập tức mất mạng sau khi quẫy mình bay lên không trung.
Một phẩm chất thứ hai đóng vai trò quyết định trong việc chiến thắng con cá kiếm ấy chính là niềm tin và sự kiên trì của ông lão suốt cuộc đánh bắt cam go không cân sức. Điều đó bộc lộ trong việc suốt quá trình hành động, đương đầu với con các ông lão đã liên tục tự nhắc nhở, động viên bản thân bằng những câu nói như "chỉ hai ba vòng nữa thôi ta sẽ có nó", rồi thì "tao sẽ tóm được mày ở đường lượn, ta sẽ di chuyển được nó", hoặc "lần này ta sẽ lật được nó",... Dù rằng đã rất nhiều lần sự mạnh mẽ và kiên cường của con cá khiến ông lão nhiều lần bị hụt hẫng, nhưng không vì thế mà ông buông xuôi. Ý chí, nghị lực phi thường đã khiến ông cầm trụ đến cuối cùng, dù đã cạn kiệt sức lực, bản thân bị đe dọa bởi những cơn hoa mắt chóng mặt, sự mệt mỏi rệu rã tưởng sắp ngất, đôi mắt nhòe mờ, đôi chân tê mỏi sắp chuột rút,... Nhưng xét về sự kiên cường có lẽ không ai có thể qua được cái con người dù thể lực sắp về không, trái lại ý chí, niềm tin và sức mạnh tinh thần lúc nào cũng đầy ắp không gì lay chuyển được. Thông qua chiến thắng phi thường của ông lão, tác giả Hê-ming-uê đã gửi gắm đến độc giả nhiều thông điệp có ý nghĩa. Đầu tiên ấy là bài học về những chiến thắng oanh liệt, con người nếu muốn đạt được những thành tựu to lớn họ buộc phải trang bị cho mình trí tuệ, kinh nghiệm, niềm tin và ý chí, kiên cường bền bỉ không chấp nhận từ bỏ khi chưa đến phút cuối cùng. Thông điệp thứ hai ấy là sự tin tưởng vào thắng lợi của con người trong quá trình chinh phục thiên nhiên, tin tưởng vào sức mạnh, tầm vóc của con người trong công cuộc lao động, cũng như trong việc chinh phục những thử thách tưởng như nằm ngoài tầm với. Đồng thời khẳng định ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của con người.
Không chỉ trong cuộc chiến không cân sức mà vẻ đẹp của ông lão còn được tái hiện thông qua những suy nghĩ, ánh nhìn của ông lão về con cá kiếm. Trái với lẽ thường khi con người đứng trước đối thủ một mất một còn họ hay có những quan điểm tiêu cực, sự thù ghét, bực dọc, đôi khi là sự xem thường. Thì với ông lão, ông lại dành cho con cá những cái nhìn rất tích cực và cách đối xử công bằng, khi kéo dây câu ông cố gắng không làm nó đau quá. Rồi những lúc nó khiến ông mệt mỏi muốn đổ sụp xuống ông cũng không hề nổi giận trách cứ mà trái lại ông lại dành cho nó những lời đối thoại nghe như vỗ về "mày đang giết tao cá à nhưng mày có quyền làm như thế", rồi có lúc ca ngợi nó bằng những tính từ mỹ miều như "hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng", và gọi nó là "người anh em" một cách đầy tôn trọng. Từ nguyên lý tảng băng trôi ta lại nhìn nhận được những thông điệp sâu sắc đằng sau cung cách đối xử của ông lão với con cá. Con cá là biểu tượng cho thiên nhiên và đối với con người thiên nhiên có quan hệ mật thiết, dù rằng từ xưa đến nay con người luôn tìm cách chế ngự, làm chủ thiên nhiên, trong mối quan hệ đối địch thế nhưng ta cũng cần có cách nhìn tôn trọng, đối xử công bằng, biết ca ngợi và thương xót thiên nhiên vĩ đại, kẻ đã cho ta nguồn sống từ bao đời. Con người không nên tàn phá, xem thiên nhiên như kẻ thù mà chinh phục, điều ấy chỉ đem đến cho chúng ta những hậu quả xấu xa và tồi tệ. Đồng thời nếu muốn giành được chiến thắng trong vinh quang rực rỡ con người cần phải biết tôn trọng kẻ thù, đối xử với họ một cách công bằng và kính cẩn, không nên khinh địch, cần nắm rõ và dò xét đối phương cẩn thận, ca ngợi những cái tốt đẹp và tìm những điểm yếu kém. Tránh có những cái nhìn phiến diện và biết cảm thông chia sẻ với người khác dù đó có là kẻ thù của chúng ta đi chăng nữa, để giữ cho cuộc đời được thăng bằng.
Câu chuyện ông lão đánh cá kiên trì săn đuổi con cá lớn nhất đời là biểu tượng cho vẻ đẹp của ước mơ thành tựu và hành trình đầy gian khổ, khó khăn của con người để biến ước mơ thành hiện thực. Về nghệ thuật, bên cạnh việc dãn truyện của tác giả thì những đoạn độc thoại của nhân vật đã khiến cho hình tượng ông lão hiện lên một cách rõ ràng từ tâm trạng, sức khỏe, ý chí và cả những suy nghĩ, cách nhìn của ông lão về con các kiếm. Đồng thời cũng thấy được rất nổi bật phong cách tảng băng trôi của tác giả thông qua việc đưa ra những hình ảnh đơn giản, kết cấu giản dị, nhưng lại ẩn giấu những thông điệp sâu sắc.