Đời sống

3 tuyến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông làm gì để hút khách?

Đặng Dương 23/08/2024 14:29

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có 3 tuyến du lịch với 41 điểm đến. Tuy nhiên do phân bố rộng, chưa được đầu tư đồng bộ nên 3 tuyến du lịch này vẫn chưa thu hút du khách khi tới Đắk Nông.

Thực tế buồn!

Hơn 2 năm nay, Nhà truyền thống bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa, biểu tượng của văn hóa M’nông, bị bỏ hoang do hư hỏng, xuống cấp.

Nhà truyền thống Đắk R’moan được xây dựng, bàn giao vào năm 2018, với tổng mức đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau, công trình đã nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, hiện “cửa đóng then cài”.

bài 2_3
Nhà truyền thống Đắk R’moan đã hư hỏng, xuống cấp và đóng cửa im lìm

Tình trạng nhà truyền thống bị hư hỏng khiến đồng bào M’nông thiếu nơi để sinh hoạt cộng đồng. Người dân và du khách không thể tham quan, trải nghiệm 1 trong 41 điểm di sản, điểm đến, điểm trải nghiệm thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC) Đắk Nông.

Theo người dân địa phương, hơn một năm nay, công trình không có người ghé thăm. Nguyên nhân là công trình đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Đặc biệt, đường vào khu nhà truyền thống cách xa TP. Gia Nghĩa và nhỏ hẹp.

“Công trình được làm chủ yếu bằng vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên thời điểm thi công, phần lớn vật liệu còn non, không đúng chủng loại nên chỉ sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng”, người dân bon Đắk R’moan cho hay.

bài 2_4
Toàn bộ nhạc cụ và đồ trưng bày tại Nhà truyền thống Đắk R’moan đã được đưa về Nhà trưng bày vật dụng truyền thống tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia

Trước tình trạng xuống cấp của Nhà truyền thống bon Đắk R’moan, toàn bộ nhạc cụ và đồ trưng bày tại đây đã được đưa về Nhà trưng bày vật dụng truyền thống tại bon N’Jriêng, xã Đắk Nia. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách khi có thể tham quan, trải nghiệm nền văn hóa của nhiều dân tộc tại một địa điểm gần ngay trung tâm TP. Gia Nghĩa.

Buôn Buôr được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần khảo sát, đánh giá và đi đến kết luận là buôn làng cổ nhất của người Ê đê ở Tây Nguyên. Tại đây người dân còn lưu giữ một số nhà sàn truyền thống, cồng chiêng, khung dệt thổ cẩm cùng nghi lễ như lễ cúng nhà mới, lễ cúng bến nước, lễ rước Kpan, lễ bỏ mả…

Buôn Buôr được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là buôn cổ của người Ê đê cần được giữ gìn và phát huy. Chính vì thế, năm 2007, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện Dự án bảo tồn buôn Buôr cổ của người dân tộc Ê đê. Mục tiêu của dự án là bảo vệ công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Ê đê, đặc biệt là phần nhà dài và bến nước, để giữ lại buôn cổ mang đậm bản sắc văn hóa.

Sau nhiều năm thực hiện dự án, hiện nay buôn Buôr đang có dấu hiệu xuống cấp, nhiều nét văn hóa có nguy cơ mai một. Đáng chú ý trong số này là bến nước- nơi linh thiêng tổ chức các nghi lễ truyền thống của đồng bào Ê đê- đã bị sông Sêrêpốk nhấn chìm. Giếng làng mát lành đầu buôn cũng hoàn toàn bị chôn vùi dưới lớp bèo trôi...

Bảo tồn mở để phát triển bền vững

CVĐCTC Đắk Nông được đánh giá là vùng di sản địa chất vô cùng quý hiếm gắn liền với những truyền thuyết của đồng bào các dân tộc bản địa. Ngoài bất cập đã nêu trên, cũng cần nhìn nhận khách quan về những hành động kịp thời, nhanh chóng của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc việc bảo tồn nguyên vẹn những di sản địa chất rộng lớn này.

Trong số này, có thể kể đến nỗ lực bảo tồn ngọn núi lửa Nâm Kar (hay còn gọi là núi lửa đèo 52), xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Trước đây, khu vực này được khai thác để lấy nguyên liệu làm vật liệu xây dựng nên đã phá vỡ đi hiện trạng của núi lửa.

Bai 2_2
Hiện nay việc khai thác khoáng sản tại núi lửa Nâm Kar đã tạm dừng để bảo tồn nguyên vẹn những di sản địa chất này (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, núi lửa Nâm Kar nằm liền kề với hang động núi lửa Chư R’luh và có những nét tương đồng về địa chất, địa mạo. Do đó, nếu không dừng lại hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này e rằng việc "xóa sổ" một núi lửa là điều đương nhiên.

Nhận thức được điều này, trong quá trình xây dựng Đề án công viên địa chất và đề nghị UNESCO công nhận là CVĐCTC, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tác động đến hiện trạng của núi lửa. Đến thời điểm hiện tại, việc khai thác khoáng sản tại đây đã tạm dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị vùng công viên địa chất.

Bà Trần Nhị Bạch Vân, Phụ trách chuyên môn Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông cho biết, công viên địa chất là 1 trong 3 danh hiệu của UNESCO, trong đó CVĐCTC là một thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản.

Khác với các danh hiệu khác, CVĐCTC hướng tới phát triển bền vững, bảo tồn mở. Chính vì thế, tỉnh Đắk Nông rất chú trọng tới công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về các giá trị di sản của công viên địa chất, từ đó khơi gợi được niềm tự hào, thúc đẩy động cơ lưu giữ, thực hành và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương nhằm tạo ra những giá trị kinh tế từ hoạt động du lịch.

Tăng cường kết nối giữa các điểm đến

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (trú tỉnh Vĩnh Long) có hơn 1 tuần trải nghiệm các tuyến du lịch nằm trong CVĐCTC Đắk Nông. Là người thích khám phá, chị Linh cho rằng, những di sản địa chất và văn hóa của mảnh đất Nam Tây Nguyên chứa đựng rất nhiều điều thú vị.

“Trong 1 tuần lễ, tôi có cơ hội đi đến một số địa điểm nổi tiếng của tỉnh Đắk Nông như thác Đray Sáp; thác Lưu Ly; cánh đồng núi lửa; vườn cà phê…. Do phân bố rải rác, chưa được đầu tư đồng bộ nên 3 tuyến du lịch này vẫn chưa “níu chân” du khách quay trở lại Đắk Nông. Cảm nhận chung của tôi là các điểm đến vẫn rất hoang sơ, chưa có sự đầu tư và liên kết rời rạc”, chị Linh nói.

Cảm nhận của chị Linh cũng là cảm nhận của nhiều du khách khi khám phá CVĐCTC Đắk Nông. Hiện nay các tuyến du lịch trải rộng trên 6 huyện, thành phố, nhiều điểm trải nghiệm nằm xa khu dân cư, chưa có cơ sở hạ tầng thiết yếu, đã phần nào ảnh hưởng tới “cảm xúc” của du khách.

Bai 2_1
Các tuyến du lịch và điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Ảnh: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông)

Nói về điều này, bà Trần Nhị Bạch Vân cho biết, UNESCO không quy định một công viên địa chất toàn cầu phải có bao nhiêu điểm đến, nhưng các điểm đến phải có giá trị di sản địa chất mang tầm quốc tế.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông xây dựng, hình thành 41 điểm đến thuộc CVĐCTC là để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Mỗi tuyến sẽ có các điểm đến, gồm cả điểm di sản và điểm trải nghiệm, chứa đựng những đặc trưng trong văn hóa cộng đồng dân cư.

Bai 2_5
Du lịch cộng đồng sẽ góp phần thu hút du khách khi trải nghiệm, khám phá CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Trong ảnh: Người dân bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong đan lát một số dụng cụ sinh hoạt hàng ngày (Ảnh: Hồ Mai)

“Các điểm di sản, điểm trải nghiệm có thể thêm vào, bớt ra tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chúng tôi khuyến khích địa phương phát triển các mô hình cộng đồng để thu hút du khách. Đặc biệt trong quá trình xây dựng, phát triển cần có sự liên kết, gắn kết giữa các điểm đến, để du khách đi điểm này sẽ muốn đến một điểm khác”, bà Vân cho hay.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        3 tuyến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông làm gì để hút khách?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO