Kinh tế

“3 đồng, 2 vừa” để xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Nông

Nguyễn Lương 30/06/2023 07:27

Cà phê là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của Đắk Nông. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Nông hiện còn nhiều “điểm nghẽn”, cần sự cộng đồng trách nhiệm để hiệu quả hơn.

"Mướt mồ hôi" mới có thương hiệu 

Câu chuyện xây dựng thương hiệu cà phê, nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng làm được. Tại Đắk Nông, có một doanh nghiệp còn khá trẻ đã nỗ lực, từng bước thành công trong xây dựng thương hiệu cà phê của mình.

Năm 2012, anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông tốt nghiệp đại học rồi quay về Đắk Nông để khởi nghiệp.

Thời điểm này, các “ông lớn” trong ngành cà phê nổi tiếng nước ngoài đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Đây cũng là lúc khách hàng bắt đầu nói không với “cà phê bẩn”.

z4469801680301_075dc65a802854504d04d41700be0e06(1).jpg
Enjoy Coffee là thương hiệu gắn liền với Công ty TNNN MTV Cà phê bazan Đắk Nông từ những ngày đầu khởi nghiệp

Ý tưởng kinh doanh mới nảy ra, anh Hoàng xuống TP. Hồ Chí Minh học nghề. Đến cuối 2013, anh bắt tay xây dựng mô hình cà phê pha máy đầu tiên tại Đắk Nông mang tên Enjoy Coffee.

Thời gian đầu khai trương, khách hàng hầu như không ai gọi ly cà phê máy, đơn giản vì nhạt. Hễ có khách hàng quan tâm tới cà phê nguyên chất, pha máy, anh liền gác việc, tỉ tê cùng họ.

“Phải gần một năm kể từ khi quán khai trương, khách hàng mới quen được hương vị cà phê pha máy, cà phê nguyên chất”, anh Hoàng kể lại.

z4469801664435_e3b6cc9393d33428e3ede835d40a55de(1).jpg
Hiện nay, sản phẩm cà phê của Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế

Từ quán cà phê ban đầu, anh Hoàng thành lập Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông. Anh đã chiêu mộ thêm cộng sự cùng đam mê, phát triển thành chuỗi hệ thống.

Đến nay, Công ty đã có 15 điểm cửa hàng. Trong đó, 8 điểm ở Đắk Nông, 4 điểm ở Hà Nội, 2 điểm TP. Hồ Chí Minh và 1 điểm ở TP. Osaka (Nhật Bản).

Để khách hàng được thưởng thức cà phê nguyên chất, anh Hoàng tự tìm hiểu sâu về quy trình chăm sóc, thu hái, rang xay cà phê. Anh đi nhiều nơi, nếm đủ vị, trải nghiệm văn hóa thưởng thức cà phê ở các vùng miền khác nhau.

Anh còn xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, khép kín để bảo đảm nguồn cà phê an toàn. Anh thuyết phục nhiều nông hộ chuyển sang mô hình trồng cà phê theo hướng không lạm dụng phân hóa học, không hái quả xanh.

Đến nay, Công ty đã tổ chức liên kết với hơn 40 hộ nông dân, với diện tích gần 500 ha. Tất cả đều được đầu tư, chăm bón hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, thủ thuật hái chín, phơi sấy sạch sẽ.

z4469801670150_252d39245d8120240c9a96f16f56c697(1).jpg
Để có nguyên liệu sạch, Công ty NHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông liên kết với nhiều nông hộ trồng, thu hoạch cà phê hữu cơ

Sau gần 10 năm khởi nghiệp, hiện tại, anh Hoàng đã biến một điểm bán cà phê trở thành công ty có doanh thu tiền tỷ. Nhiều khách hàng, đối tác trong, ngoài nước đều biết đến cà phê Bazan Đắk Nông. Bình quân mỗi năm, Công ty đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng.

“Để xây dựng thương hiệu, điều căn bản nhất là đam mê, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Hiện tại, ngoài các cửa hàng đã có, Công ty đang tìm hiểu, khảo sát, đầu tư chuỗi cửa hàng ở nước ngoài như: Úc, Nhật Bản”, anh Hoàng chia sẻ.

Còn nhiều trăn trở

Khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng thuộc nhóm dẫn đầu về xuất khẩu cà phê của cả nước. Tuy nhiên, tên tuổi cà phê Đắk Nông trên bản đồ thế giới hầu như chưa có. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này.

Trong đó, mấu chốt nhất là phương thức canh tác lạc hậu, manh mún, không kiểm soát được chất lượng. Điều này dẫn đến việc các địa phương, trong đó, có Đắk Nông chưa làm chủ được thị trường, không quyết định được giá bán.

img_2544(1).jpg
Điểm yếu của cà phê Đắk Nông là quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ

Theo ông Lưu Như Bình, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (Đắk Song), cà phê sạch hiện nay chỉ cần cải thiện ở khâu thu hoạch sơ chế.

Nếu làm được, giá trị cà phê sẽ đẩy lên từ 20-50% so với giá thị trường. Nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc thu mua cà phê dạng này cũng rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là các hộ nông dân sản xuất tại địa phương quá manh mún, nhỏ lẻ.

“Với một hộ nông dân, chỉ có khoảng 1 - 2 ha, với sản lượng 3 - 6 tấn/năm. Trong khi, doanh nghiệp muốn mua để rang hoặc xuất khẩu thì nhu cầu lên tới cả trăm tấn. Đây chính là “nút thắt” để có những hợp đồng hợp tác dài hạn giữa doanh nghiệp với nông dân”, ông Bình cho biết.

Quá trình xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho chính sản phẩm cà phê cũng còn nhiều trăn trở. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã lựa chọn xây dựng thương hiệu để bắt đầu.

Tuy nhiên, rất ít trong số này thành công. Bởi vì, quy mô nhỏ lẻ, hạn chế về nguồn lực con người, tài chính đã làm cho câu chuyện tạo thương hiệu thực sự không hề đơn giản.

Anh Lê Văn Hoàng cho biết, thị trường, người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn trong việc sử dụng cà phê sạch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay quá vội vàng, đi chệch hướng mục tiêu ban đầu đặt ra.

“Việc định vị, xây dựng nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng bậc nhất ban đầu bị một số doanh nghiệp bỏ qua”, anh Hoàng cho biết.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Thực tế, xây dựng thương hiệu cà phê nói chung, cà phê Đắk Nông nói riêng là cả một quá trình. Đây không phải việc làm có kết quả trong ngày một, ngày hai.

Để nâng cao giá trị cho cà phê, trước hết phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch, chất lượng. Người nông dân phải thay đổi tư duy, hiểu rõ về trồng cà phê đúng tiêu chuẩn.

Theo Sở NN- PTNT, muốn nâng cao giá trị cho cà phê, tỉnh cần có một tiêu chuẩn chất lượng chung cho cà phê. Tiêu chuẩn từ chất lượng, giống, cây trồng, cách sơ chế, chế biến và cả tiêu thụ. Tỉnh cần có chính sách tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ cho các hợp tác xã, nông dân.

img_9033.cr2(1).jpg
Để nâng cao giá trị thương hiệu, cà phê phải bảo đảm tiêu chuẩn từ chất lượng, giống, cây trồng, cách sơ chế, chế biến và cả tiêu thụ

Trong sản xuất, các địa phương cần liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng là bao tiêu đầu ra. Nếu bảo đảm quy trình này sẽ tạo ra sản phẩm cà phê cho người nông dân, tạo ra thương hiệu cà phê có chỗ đứng.

Bàn về giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, trong đó, có cà phê, tại hội nghị Lập quy hoạch Đắk Nông, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải cho rằng, Đắk Nông cần làm tốt phương thức “3 đồng, 2 vừa”.

3 đồng nghĩa là đồng nhất về giống, đồng nhất về công nghệ, đồng nhất về chất lượng sản phẩm. 2 vừa là vừa làm tập trung quy mô lớn của các doanh nghiệp, vừa sản xuất phân tán ở các trang trại, hộ gia đình.

Liên quan đến vấn đề này, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: “Với cà phê, cần tạo được nhiều chuỗi liên kết. Mỗi bên có một vai trò nhất định để cùng nhau tạo ra giá trị chung".

Cũng theo ông Yên, doanh nghiệp cần chấp nhận đầu tư dài hơi, đồng hành với nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt tiêu chuẩn cao.

Người nông dân tuân thủ các quy trình canh tác, sản xuất theo xu hướng hữu cơ, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt. Các tiêu chí trong sản xuất như: VietGap, GlobalGAP… cần được đưa vào áp dụng rộng rãi.

“Chúng ta cần cộng đồng trách nhiệm, chứ không phải riêng một đơn vị, địa phương nào. Từ thay đổi cách làm, cách tiếp cận đến xây dựng thương hiệu phải thực hiện theo hướng cung cấp các giá trị, các trải nghiệm. Chúng ta phải cung cấp cái mà thị trường đang cần chứ không phải là toàn bộ những gì chúng ta có”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên khẳng định.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        “3 đồng, 2 vừa” để xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO