20 năm "gieo con chữ" nơi vùng sâu Đắk Ngo
Đắk Ngo là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Tuy Đức. Qua 20 năm phát triển, Đắk Ngo đang dần đổi thay về mọi mặt, nhất là về giáo dục.
Đắk Ngo là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Tuy Đức. Qua 20 năm phát triển, Đắk Ngo đang dần đổi thay về mọi mặt, nhất là về giáo dục.
Bà Cao Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ban, một trong những giáo viên đầu tiên có mặt ở vùng đất Đắk Ngo vẫn chưa quên những kỷ niệm ngày đầu bước chân đến vùng đất tận cùng của Đắk Nông. "Kể sao cho hết khó khăn của ngày ấy. Tôi lên đây công tác cũng theo tiếng gọi của tình yêu nên khổ mấy cũng cố gắng vượt qua. Còn các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa ngày ấy nhiều người thấy khó mà nghỉ việc giữa chừng. Nhiều bạn hôm nay đến nhận công tác, hôm sau không thấy lên lớp nữa", bà Hạnh cho hay.
Theo bà Hạnh, toàn xã khi đó có 9 lớp với khoảng 200 trẻ mầm non và học sinh tiểu học, do Trung đoàn 720 tổ chức dạy. Hai phòng học được dựng lên bằng ván tạm bợ với diện tích khoảng 30m2, ngăn bằng một chiếc vách tạm bợ để phân biệt lớp mầm non và lớp tiểu học.
Không có nhà hiệu bộ, giờ ra chơi giáo viên phải ra gốc cây ngồi nghỉ. Sáng sớm, giáo viên phải đi chở nước về cho học sinh sử dụng. Muốn trẻ đến trường, giáo viên phải dậy sớm để đến tận nhà đón. Hầu hết học sinh là con em dân tộc thiểu số, bất đồng ngôn ngữ nên quá trình dạy học gặp nhiều khó khăn" .
Không những thế, ngày ấy giáo viên không chỉ đi dạy mà tối đến còn phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động các nội dung về dân số kế hoạch hóa gia đình, tảo hôn, chấp hành các quy định của pháp luật…
Từ chỗ chỉ có 2 phòng học tạm bợ, đến năm 2004-2005, khi số lượng học sinh tăng, Trung đoàn 720 đã xây dựng thêm 6 phòng học kiên cố. Năm 2010, Trường mầm non Hoa Ban được tách ra thành lập với 2 phòng học. Từ đó đến nay, trường tiếp tục được đầu tư về mọi mặt nên đã có cơ sở khang trang ở điểm chính gồm 3 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, phòng công vụ cho giáo viên.
Ngoài ra, trường phát triển thêm 5 điểm lẻ ở các thôn, bon, tạo điều kiện cho con em được đi học đầy đủ. Hiện nay toàn trường đã có trên 500 trẻ. Từ chỗ chỉ có 2 giáo viên, đến nay trường đã có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 33 giáo viên đứng lớp.
Đắk Ngo giờ đã được đầu tư với đầy đủ các cấp học từ mầm non đến THPT. Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức cho biết, cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp, những năm qua huyện Tuy Đức đã ưu tiên đầu tư cho xã vùng sâu Đắk Ngo về mọi mặt, nhất là giáo dục.
Đến nay, toàn xã đã có 7 trường học các cấp. Cụ thể, bậc mầm non có 3 trường gồm 2 trường công lập và 1 trường tư thục với tổng 850 trẻ theo học 35 nhóm/lớp. Bậc tiểu học có 2 trường với quy mô 1.234 học sinh theo học ở 39 lớp; trong đó, có 1 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bậc THCS xã đã có 2 trường, trong đó 1 trường có ghép chung bậc tiểu học.
Đặc biệt xã đã được đầu tư xây mới trường THPT. Ngày trường đi vào hoạt động là ngày vui nhất của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, Nhân dân trên địa bàn vì con em từ nay không phải đi học xa nữa. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT cũng tăng lên. “Cùng với quan tâm về đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng lên nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước đây nhắc đến Đắk Ngo người ta nhớ đến một xã vùng sâu, vùng xa khó khăn, chất lượng giáo dục có sự chênh lệch lớn so với các địa bàn khác trong huyện nói riêng và tỉnh nói chung. Tuy nhiên, với sự đổi mới tích cực, các nhà trường đã từng bước nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ trẻ tốt nghiệp bậc học… Hàng năm, xã đều có học sinh đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp", ông Trọng nhìn nhận.
Cô giáo Hoàng Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ban cho biết, ở đây mang ơn Đảng, Nhà nước, bộ đội nhiều lắm. Nhờ Nhà nước đầu tư, Trung đoàn 720 quan tâm nên giáo dục của xã vùng sâu Đắk Ngo từng bước thay đổi. Từ chỗ giáo viên phải đến tận nhà vận động, chở học sinh đi học, làm mọi cách để duy trì sĩ số lớp học thì nay đã thay bằng hình ảnh phụ huynh dắt tay con đến trường mỗi ngày.
Cùng với đó, các chính sách đặc thù của Trung ương, tỉnh đối với vùng dân tộc thiểu số đã hỗ trợ tích cực cho giáo dục phát triển, hạn chế được tình trạng bỏ học giữa chừng do điều kiện khó khăn. Chất lượng giáo dục ngày càng có những chuyển biến rõ nét. Trường hiện có trên 60% trẻ là con em dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tỷ lệ lên lớp hàng năm đạt trên 95%. Trường cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đúng tiến độ đề ra.
Ông Trương Quang Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã - một trong những người gắn bó với xã từ những ngày đầu mới thành lập cho hay: “Đắk Ngo ngày nay mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng so với hơn 10, 20 năm về trước thì gần như đã thay áo mới.
Nay xã đã có đủ các cấp học nên học sinh trong độ tuổi phần lớn đến trường. Nhận thức của các tầng lớp Nhân dân theo đó cũng được nâng lên. Người dân dần hiểu được tầm quan trọng của việc học nên ai cũng lo cho con cái được đi học đầy đủ. Người lớn cũng đi học xóa mù chữ, học các lớp chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
"Giáo dục phát triển đã có những tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển về mọi mặt kinh tế, xã hội của Đắk Ngo. Toàn xã trước đây có trên 60% hộ nghèo thì nay con số này đã giảm chỉ còn khoảng 30%", ông Tráng thông tin.
Từ 174 cơ sở giáo dục năm 2004, đến nay Đắk Nông có 371 cơ sở, tăng 197 cơ sở giáo dục so với năm học 2003- 2004. Tổng số trường chuẩn quốc gia là 189 (đạt 59,6%). Quy mô học sinh phát triển nhanh và ổn định. Từ 105.020 học sinh (2004) lên 185.581 học sinh (tăng 80.561 học sinh so với năm học 2003-2004), trong đó có 60.723 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 32,7% tổng số học sinh toàn tỉnh.
Tỷ lệ học sinh bỏ học còn 0,32%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt mức trung bình chung cả nước. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên hàng năm. Số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đạt kết quả ấn tượng.
Đội ngũ nhà giáo phát triển mạnh cả về số lượng, trình độ chuyên môn và phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
(Báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông)
Nội dung: Nguyễn Hiền - Trình bày: NH