20 năm chuyển mình của văn học nghệ thuật Đắk Nông
Chặng đường 20 năm, văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông đã có những bước chuyển mình ấn tượng, với nhiều thành tựu quan trọng. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với nhà văn Đặng Bá Canh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh xung quanh vấn đề này.
Chặng đường 20 năm, văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông đã có những bước chuyển mình ấn tượng, với nhiều thành tựu quan trọng. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với nhà văn Đặng Bá Canh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh xung quanh vấn đề này.
PV: 20 năm, số lượng hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông tăng hơn 8,7 lần. Nhà văn có thể cho biết thêm về kết quả này?
Nhà văn Đặng Bá Canh: Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk Nông được thành lập vào ngày 20 tháng 9 năm 2004. Khi thành lập, Hội VHNT Đắk Nông chỉ có 18 hội viên. Bằng nỗ lực tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn xét kết nạp, đến nay đã có 157 hội viên.
Hiện tại Hội VHNT tỉnh Đắk Nông có 8 chi hội trực thuộc, gồm 4 chi hội chuyên ngành (Văn học - Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc - Biểu diễn) và 4 chi hội địa phương (Krông Nô, Đắk R’lấp, Đắk Mil và TP. Gia Nghĩa).
Các chi hội chuyên ngành không chỉ phát triển về số lượng hội viên mà còn có những bước đột phá về chất lượng hoạt động và thành tựu tác phẩm.
Đến nay, toàn hội có 40 hội viên được xét kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Hiện tại Đắk Nông đang có nguồn hội viên trẻ trung, đầy đam mê, khát khao sáng tạo và khẳng định tài năng, hứa hẹn sắp tới sẽ còn thêm nhiều hội viên Hội VHNT tỉnh được xem xét, kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương.
Các chi hội địa phương luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và định hướng hoạt động của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, thực hiện tốt vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ lao động, sáng tạo văn học nghệ thuật để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và địa phương.
PV: Để phát huy vai trò của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, công tác chăm lo giáo dục chính trị, nâng cao trình độ, kỹ năng sáng tác cho hội viên được Hội VHNT tỉnh thực hiện như thế nào, thưa nhà văn?
Nhà văn Đặng Bá Canh: Hội VHNT tỉnh luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ, kỹ năng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
Hội VHNT đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng về VHNT và định hướng sáng tác cho hội viên; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sáng tác cho hội viên ở tất cả các chuyên ngành.
Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đã đến với Đắk Nông và nhiệt tình truyền dạy kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Từ đây, văn nghệ sĩ Đắk Nông không chỉ được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng mà còn được nâng tầm sáng tạo VHNT.
Đặc biệt, Hội chú trọng việc phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng các mầm xanh. Cứ đều đặn hàng năm, Hội VHNT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác ở các chuyên ngành văn học và mỹ thuật cho thanh thiếu nhi.
Sau mỗi khóa bồi dưỡng, nhiều nhân tố mới có năng khiếu sáng tác văn, thơ, hội họa lại được phát hiện, quan tâm, chăm lo. Nhiều em sau này đã trở thành giáo viên, nhà báo vẫn đều đặn cộng tác với Tạp chí Nâm Nung.
PV: Văn học nghệ thuật Đắk Nông đã có nhiều bước chuyển mình trong 20 năm qua. Nhà văn có thể chia sẻ một số thành tựu đạt được?
Nhà văn Đặng Bá Canh: Đắk Nông đã từng được coi là “vùng trũng” trong hoạt động văn học nghệ thuật. Thế nhưng trong những năm gần đây, hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn đã có những bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Đắk Nông là “điểm sáng” trong đời sống văn học nghệ thuật của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Hội viên chuyên ngành mỹ thuật, đều đặn hàng năm tham gia đầy đủ các cuộc triển lãm khu vực VII (Đông Nam bộ) và đều có tác phẩm đoạt giải.
Tiêu biểu, tại triển lãm khu vực năm 2023, Đắk Nông có 26 tác phẩm của 18 tác giả được chọn trưng bày, trong đó có 1 tác phẩm được trao giải khuyến khích và nhiều tác phẩm được nhận hỗ trợ sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Với chuyên ngành nhiếp ảnh, hội viên luôn tâm huyết, trách nhiệm với niềm đam mê sáng tạo của mình. Ở mỗi kỳ liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đắk Nông luôn có tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm giành giải thưởng. Một số tác phẩm tạo được tiếng vang lớn khi đoạt giải thưởng cao tại liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật toàn quốc.
Tiêu biểu như bộ ảnh “Khám phá hang động núi lửa Krông Nô, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Phương đã được trao cúp VAPA - giải thưởng cao nhất của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Đồng thời, nhiều tác phẩm khai thác đời sống văn hóa, thiên nhiên, vùng đất, con người Đắk Nông đã giành huy chương vàng, huy chương bạc tại các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế.
Âm nhạc - Biểu diễn cũng là chuyên ngành có những chuyển mình mạnh mẽ và đạt nhiều thành tích. Trong các kỳ liên hoan âm nhạc, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, hội viên chi hội Âm nhạc - Biểu diễn đều được trao giải thưởng. Năm 2023, các nhạc sĩ Võ Cường, Cao Nam Cương và Mạnh Hổ đã được trao giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Văn học - Văn nghệ dân gian là chuyên ngành có số lượng hội viên đông đảo nhất. Trên cơ sở định hướng sáng tác cùng sự khuyến khích, động viên, hỗ trợ của cơ quan hội, sự dấn thân tìm tòi trong sáng tác, rất nhiều hội viên đã dần khẳng định được ngòi bút của mình thông qua tác phẩm.
Một số hội viên đã chuyển từ cách thức sáng tác nghiệp dư qua sáng tác chuyên nghiệp và có được những thành công rất đáng trân trọng. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc hàng chục đầu sách của hội viên được in ấn, xuất bản, công bố mà còn có nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn được chọn đăng tải trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ uy tín nhất nhì cả nước như Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn), tạp chí Văn nghệ Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)...
Nhiều hội viên đã mạnh dạn tham gia dự thi, xét các giải thưởng văn học trong nước và đã đoạt giải, có những tác phẩm thơ của hội viên được chuyển ngữ đăng trên các tờ báo văn nghệ nước ngoài.
Xác định văn học nghệ thuật phải đi sâu khai thác, quảng bá được các giá trị văn hóa, vùng đất và con người Đắk Nông đến với bạn bè trong cả nước và quốc tế, Hội VHNT đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác VHNT ở các chuyên ngành nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ.
Có thể kể đến Cuộc thi Ảnh nghệ thuật chủ đề “Đắk Nông trong tôi” lần thứ I, lần II; Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Đắk Nông” lần thứ I; Cuộc thi sáng tác “Thơ về vùng đất, con người Đắk Nông”.
Các cuộc thi này đã nhận được hàng ngàn tác phẩm của hàng trăm tác giả từ mọi miền đất nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài gửi tham dự.
Từ tiếng vang của các diễn đàn VHNT và các cuộc thi, rất nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước đã tìm đến Đắk Nông - xứ sở của những âm điệu, nơi có công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để tham quan, điền dã, tìm chất liệu và cảm hứng sáng tạo nên các tác phẩm VHNT. Tất cả nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh văn hóa, vùng đất, con người Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhìn lại gần 20 năm xây dựng và phát triển, có thể nói rằng, những thành tựu mà VHNT tỉnh Đắk Nông đạt được thật đáng trân quý và tự hào.
Đó là kết quả của một quá trình chung sức, đồng lòng, không ngừng nỗ lực, phấn đấu thi đua sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ban, sở, ngành liên quan. Đây là cơ sở cho niềm tin vào những bước phát triển vững chắc cùng thành tích ấn tượng của VHNT tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.
PV: VHNT là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, thời gian tới, Hội VHNT tỉnh có những định hướng nào để VHNT tiếp tục là một kênh quan trọng vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh cho các thế hệ, thưa nhà văn?
Nhà văn Đặng Bá Canh: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới” đã khẳng định “VHNT là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh cho các thế hệ”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định “tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật”.
Với tinh thần “đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát triển”, VHNT tỉnh Đắk Nông đặt ra những định hướng phát triển, đó là:
Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ, đưa văn học nghệ thuật của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới, gắn hoạt động VHNT với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tổ chức phát động đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh nỗ lực phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của Nhân dân.
Trên cơ sở giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.
Đẩy mạnh việc sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề về biên giới, biển đảo của Tổ quốc; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gương người tốt, việc tốt; công tác xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua yêu nước, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cả về số lượng và chất lượng, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với Nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển.
Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn học, nghệ thuật; khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ; đề cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự quê hương đất nước và dân tộc.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Đặng Bá Canh.
Nội dung: Thùy Dương thực hiện
Trình bày: NH