2 thủy điện ở Tuy Đức hơn 15 năm mới xong 25% khối lượng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun cho biết dự án kéo dài chủ yếu do những nguyên nhân khách quan, nhất là các vướng mắc phát sinh về đất đai, quy hoạch.
Cả 2 dự án thủy điện mới hoàn thành được gần 25% khối lượng thi công, trong khi thời hạn đưa vào vận hành đã chậm hơn 1 năm. Ảnh: HưngThịnh/TTXVN
Sau hơn 15 năm kể từ thời điểm được chấp thuận chủ trương đầu tư, việc triển khai 2 dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) mới đạt gần 25% khối lượng.
Đặc biệt, nhiều vấn đề liên quan đến chồng lấn đất quốc phòng, đất quy hoạch ba loại rừng tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...
Thi công cầm chừng, khối lượng đạt thấp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, 2 dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 có tổng công suất 11 MW. Tổng diện tích sử dụng đất gần 210ha với tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng.
Chủ đầu tư của 2 dự án này là Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun (trụ sở tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) và người đại diện pháp luật là ông Hồng Vĩnh Cường (trú tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).
So với các văn bản chấp thuận giãn tiến độ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, hiện 2 dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm so với cam kết gần nhất của chủ đầu tư là đưa vào vận hành tháng 3/2022.
Theo các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương và cho phép Công ty cổ phần Xây dựng COSEVCO 77 là chủ đầu tư thực hiện 2 dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3.
Văn bản chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông do ông Trần Phương, thời điểm đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ký, nêu rõ chủ đầu tư phải dành 10% cổ phiếu bán cho cán bộ, nhân dân tỉnh Đắk Nông, trong đó, ưu tiên cho nhân dân trong vùng dự án bị thu hồi đất để xây dựng công trình.
Đến năm 2008, 2 dự án được chuyển sang chủ đầu tư khác là Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun và toàn bộ cổ phần của 2 dự án thuộc về 3 cá nhân ngoài tỉnh, không có ai là “nhân dân trong vùng dự án” hay “cán bộ, nhân dân tỉnh Đắk Nông.”
Tháng 12/2009, 2 dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đến tháng 7/2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông thu hồi 208ha đất của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín và Công ty Cao su Phú Riềng để giao cho Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun xây dựng nhà máy, trong đó, diện tích phục vụ xây dựng công trình chính và phụ trợ (hơn 148 ha), xây dựng lòng hồ (gần 60 ha).
Ông Phạm Cao Trí, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun, cho biết trong giai đoạn 2010-2015, công ty tập trung thời gian cho việc hoàn tất các giấy tờ, thủ tục pháp lý; trong đó, có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh Đắk Nông, Bộ Công Thương và một số đơn vị chức năng ở Trung ương.
Ngoài ra, việc tận thu lâm sản trên diện tích đất được giao để xây dựng thủy điện Đắk Glun kéo dài rồi đền bù đất đai, hoa màu cho người dân, các chủ sử dụng đất trước đó cũng mất rất nhiều thời gian nên triển khai dự án bị chậm trễ, phải nhiều lần điều chỉnh, gia hạn tiến độ.
Cũng theo ông Phạm Cao Trí, đến tháng 7/2015, chủ đầu tư đã thực hiện san ủi đường thi công vào khu đầu mối thủy điện Đắk Glun 2. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, công ty tiếp tục gặp vướng mắc về thủ tục hồ sơ pháp lý và đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án.
Dù vậy, đến nay công ty đã chi hơn 95 tỷ đồng để thi công xây lắp và chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng. Hiện 2 dự án đang được thi công và bước đầu hình thành các hạng mục công trình như: đường giao thông, kênh dẫn dòng, đập chứa nước...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, tổng giá trị khối lượng hoàn thành của nhà máy thủy điện Đắk Glun 2 kể từ thời điểm Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay đạt hơn 23%, trong khi đó tổng giá trị khối lượng hoàn thành của nhà máy thủy điện Đắk Glun 3 cũng chỉ đạt khoảng 25%.
Ông Hồng Vĩnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun cho biết dự án kéo dài chủ yếu do những nguyên nhân khách quan, nhất là các vướng mắc phát sinh về đất đai, quy hoạch. Trong quá trình triển khai dự án, năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện có gần 60ha đất đã cấp cho Công ty bị chồng lấn với đất quốc phòng.
Đến năm 2019, ngành chức năng lại phát hiện hơn 25ha đất làm thủy điện nằm trong quy hoạch đất rừng sản xuất. Việc giải quyết các vướng mắc này đến nay vẫn chưa dứt điểm. Cùng với đó, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tiến độ thi công tiếp tục chậm trễ.
Còn ông Phạm Cao Trí, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun cho hay đất rừng nằm trong tổng khu đất Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty từ năm 2011 để làm thủy điện.
Sau khi phát hiện vướng quy hoạch, công ty đã nhiều lần kiến nghị chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 25ha đất rừng để phục vụ dự án, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận.
Nhiều vi phạm nghiêm trọng
Theo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 28/4 vừa qua, dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 được xác định có nhiều vi phạm, sai phạm trong quá trình thực hiện các trình tự thủ tục, triển khai đầu tư.
Đơn cử như đến ngày 31/12/2014 là hết thời gian thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh), nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chưa xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trong khi đó, đến tháng 7/2015, Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun mới khởi công xây dựng công trình.
Thêm nữa, trong 208ha đất được giao cho Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun thực hiện 2 dự án từ năm 2010 có gần 190ha là đất có rừng, trong đó hơn 25 ha là rừng tự nhiên.
Việc giao đất, thực hiện dự án chậm trễ thuộc trường hợp phải thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản liên quan, song Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chưa xem xét, xử lý việc thu hồi đất.
Kết luận thanh tra cũng khẳng định Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Glun đã thi công dự án trên diện tích hơn 15 ha nằm ngoài diện tích đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê.
Hành vi này vi phạm Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan. Công ty thi công công trình trên đất rừng (khi chưa thực hiên việc bóc tách, xử lý chồng lấn) là “hành vi bị nghiêm cấm” theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thẩm định, điều chỉnh quy hoạch 2 dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 mới đây cũng có nhiều vi phạm, trong đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định, trình Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Đắk Glun 2 vào tháng 3/2021, nhưng không lấy ý kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và các bộ, ngành liên quan là vi phạm Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.
Thanh tra Chính phủ cũng xác định Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã thẩm định, trình Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Đắk Glun 3 vào tháng 8/2022, nhưng không tiếp thu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, dự án điều chỉnh quy hoạch thủy điện Đắk Glun 3 không phù hợp với tiêu chí dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Hành vi này tiếp tục vi phạm quy định về phê duyệt quy hoạch thủy điện được quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.