2 gia đình ở Đắk Nông khổ sở vì hễ mưa là ngập nhà
Hễ mưa là nước từ trên cao chảy xuống tràn vào nhà, khiến 2 gia đình ở Đắk Nông rất khổ sở, nhất là trong giai đoạn mùa mưa này.
Đảo lộn cuộc sống vì ngập nước
Sau trận mưa lớn, chị Bùi Thị Mai, tổ dân phố Tân Lập, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) lội bì bõm trong nhà để dọn đồ đạc lên nơi cao. Căn nhà của chị Mai ngập đến đầu gối từ trong ra ngoài.
Khu vườn trồng nhiều loại cây cũng ngập trong nước. Một số loài vật nuôi như gà, vịt chết đuối vì không có chỗ thoát thân. Nhiều vật dụng trong nhà như máy giặt, tủ lạnh, xe máy... cũng thường xuyên ngập trong nước.
Tương tự, căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Mơ cách đó không xa cũng thường xuyên rơi vào tình cảnh như vậy. Cuộc sống của gia đình chị rơi vào khó khăn, đảo lộn, nhất là vào mùa mưa.
Theo phản ánh của 2 gia đình này, năm 2023, khu vực dân cư yên bình nơi họ sinh sống bỗng trở thành tâm điểm của một câu chuyện đáng buồn là thường xuyên ngập nước.
Tại đây, ông Đoàn Văn Đông, một cư dân của khu vực, đã quyết định xây dựng một khu nhà xưởng mới phía sau lưng nhà chị Mai, chị Mơ.
Khu nhà xưởng này nằm ở trên cao và thiếu một hệ thống thoát nước hợp lý, dẫn đến nước mưa được gom vào khu nhà của chị Mai và Mơ thấp hơn ở phía dưới, gây ngập úng thường xuyên.
Trước tình cảnh này, chị Mai và chị Mơ đã nhiều lần phản ánh lên UBND phường Quảng Thành. Tuy nhiên, các phản ánh của họ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Những đơn thư khiếu nại cũng được họ gửi tới cơ quan chức năng khác ở TP. Gia Nghĩa, nhưng cũng đều không nhận được sự hồi đáp cụ thể và kịp thời. Trong khi tình trạng ngập úng tại 2 gia đình này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, làm trầm trọng thêm nỗi khổ của họ.
Chị Mai và chị Mơ cũng nhiều lần đề nghị ông Đoàn Văn Đông tìm phương án xử lý nước. Thế nhưng, theo chị Mai, ông Đông đã không nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông về sự việc, ông Đoàn Văn Đông cho rằng, việc nước từ nhà xưởng của ông chảy sang các ngôi nhà lân cận là điều không thể tránh khỏi.
Ông Đông lý giải rằng, khu vực dân cư này thuộc kiểu địa hình bậc thang, nước từ những nơi cao hơn sẽ chảy xuống nơi thấp hơn. Ngay cả nhà ở và khu nhà xưởng của ông cũng bị ngập mỗi khi có mưa lớn.
Quan điểm này của ông Đông là trái ngược với suy nghĩ của chị Mai và chị Mơ. Do đó, lâu nay đôi bên xảy ra mâu thuẫn, khiếu nại lên chính quyền.
Qua tìm hiểu của phóng viên, cả ông Đông và chị Mai, chị Mơ đều có cái lý của mình, nhưng không thể phủ nhận việc thiếu hệ thống thoát nước hợp lý tại các gia đình này cũng như cả khu dân cư này.
Khu dân cư này trước đây từng là một quả đồi có độ dốc lớn. Các chủ đất đã tiến hành san lấp, tạo mặt bằng để làm đất ở, đất kinh doanh.
Quá trình này, các chủ đất và chính quyền địa phương đã không quan tâm, kiểm soát vấn đề thu gom, xử lý nước. Do đó, khi người dân xây dựng nhà cửa, nước không có chỗ thoát, nên gây ngập cục bộ tại khu vực dưới cùng.
Chính quyền cần vào cuộc
Lãnh đạo UBND phường Quảng Thành cho biết, đã nhiều lần làm việc với ông Đông và chị Mai, chị Mơ để tìm phương án xử lý, khắc phục vấn đề trên. Tuy nhiên, đôi bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Thực tế, khu nhà xưởng của ông Đông ở tầng giữa, cũng hứng nước từ trên cao chảy xuống và không biết gom đi đâu. UBND phường Quảng Thành đã vận động ông Đông hỗ trợ gia đình chị Mai, chị Mơ xây dựng hệ thống cống ngầm để thoát nước.
Ông Đông khẳng định chấp nhận, ủng hộ phương án này. Thế nhưng, phía gia đình chị Mai, chị Mơ lại không đồng ý. Do đó, trong phạm vi, quyền hạn của mình, UBND phường Quảng Thành vẫn chưa thể giải quyết vụ việc một cách thấu đáo.
Dưới góc độ kỹ thuật, giải pháp cho vấn đề trên không chỉ đơn thuần là các gia đình cần xây dựng một hệ thống thoát nước mà còn cần có sự can thiệp từ các cấp chính quyền.
Cụ thể, UBND TP. Gia Nghĩa cần vào cuộc để xem xét và đưa ra phương án thu gom, xử lý nước mưa một cách hợp lý, toàn diện cho khu dân cư đông đúc này.
Việc cần thiết hiện nay là một giải pháp căn cơ và toàn diện, bao gồm việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, hệ thống thoát nước cho toàn bộ khu vực.
Chỉ khi các cơ quan chức năng và chủ đầu tư cùng nhau làm việc, tìm ra giải pháp hợp lý, tình trạng ngập úng mới có thể được khắc phục triệt để.
Câu chuyện này không chỉ là bài học về trách nhiệm cá nhân trong các dự án xây dựng mà còn là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng trong bảo vệ môi trường.