Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban ngành tham dự.
Đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành tham dự hội nghị |
Sau 1 năm triển khai, từ 8 dịch vụ công được cung cấp, đến ngày 30/12/2020, cả nước đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, đạt tỷ lệ 39% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).
Đến nay, Cổng DVCQG có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử.
Cổng DVCQG tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Cổng DVCQG ngày càng trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Hội nghị cũng đã ra mắt dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700 về “Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu" được tích hợp trên Cổng DVCQG. Dịch vụ này ra đời giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để thực hiện khai, nộp lệ phí trước bạ.
Người dân chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. So với trước đây, người dân có thể tiết kiệm ít nhất được 1/2 ngày và 2 lượt đi lại để làm thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ; tiết kiệm được ít nhất 1 ngày và 2 lượt đi lại để làm thủ tục cấp đăng ký, biển số xe…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2021, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số; trong đó, DVCQG là 1 kênh giao tiếp điện tử quan trọng, kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Các bộ ngành, địa phương cần mạnh dạn thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính. Làm sao để tất cả hồ sơ đều được xử lý trên máy tính, trong môi trường mạng, tránh thất lạc, sai sót hồ sơ về sau.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nền tảng, công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, muốn các dịch vụ công được nhiều người dân dùng, ngoài các tính năng của dịch vụ, còn phải thực hiện các biện pháp để người dân quen hơn với môi trường điện tử, từng bước thay đổi dần thói quen. Trong đó, phải đưa công nghệ thông tin vào trong mọi ngõ ngách của cuộc sống.