15 bộ phim xuất sắc về chiến tranh Việt Nam kỷ niệm ngày 30/4
Nhân ngày 30/4, cùng xem lại những bộ phim đặc sắc về chiến tranh Việt Nam của nền điện ảnh nước nhà, đưa chúng ta đến với những hồi ức và câu chuyện đầy cảm xúc về thời kỳ đầy biến động của đất nước. Dưới đây là danh sách 13 tác phẩm đáng xem
1. Chung một dòng sông (1959)
Chung một dòng sông là bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam những ngày sau Hiệp định Genève 1954, nội dung phim mượn câu chuyện tình yêu của Hoài và Vận để phản ánh tình trạng phân chia hai miền thời bấy giờ.
Bộ phim là sản phẩm đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam và cũng là bộ phim đầu tiên của miền Bắc sau năm 1954. Bộ phim khắc họa chân thật hình ảnh của người dân trong giai đoạn khó khăn ấy cùng vấn đề nóng bỏng khi Bắc – Nam hai miền bị chia cắt.
2. Nổi Gió (1966)
Bộ phim Nổi gió là tác phẩm được dựng lên từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm. Đây là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam khắc họa về Chiến tranh Việt Nam tại miền Nam.
Trong bối cảnh Mỹ xâm lược, gia đình Phương có chị là Vân, theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn Phương là trung úy quân đội Ngụy quyền Sài Gòn. Sau nhiều năm xa cách, hai chị em gặp lại nhau. Niềm vui chưa kịp tỏa sáng, mâu thuẫn bắt đầu giữa họ. Khi biết Phương là trung úy Ngụy quyền Sài Gòn, Vân đã đuổi Phương đi. Từ đây, chuỗi bi kịch bắt đầu.
Vân và con trai bị bắt vào trại tập trung. Trong trại, Vân tham gia đấu tranh, bị giam giữ. Con trai bị giết, khiến Vân trở nên điên đảo. Do được cho là điên, Vân dễ dàng hoạt động trong tù. Sau khi ra tù, Vân đã thuyết phục em trai và nhiều lính VNCH về với Mặt trận (về với chính nghĩa), thậm chí phá ấp chiến lược, giết cố vấn Mỹ. Kết thúc phim là trung úy Phương cúi xuống giữa dòng sông, được nhân dân hô vang và nhìn thấy nụ cười yêu thương của người chị.
Đậy lên nhiều khán giả qua thời gian, Nổi gió được đánh giá cao không chỉ về nghệ thuật mà còn là nguồn cảm hứng và tinh thần cho cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam năm 1975. Phim đoạt giải Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên.
3. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
Được thực hiện trong thời điểm quân đội Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm mang tầm vóc của một thiên sử thi hào hùng về cuộc kháng chiến vệ quốc của nhân dân. Bộ phim dựa trên sự kiện có thật ở làng cát Gio Linh, tái hiện cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát mà dẫn đầu là chị Dịu (Trà Giang) và quân đội của Việt Nam Cộng hòa do Trần Sùng (Lâm Tới) chỉ huy.
Gần một thập kỷ kể từ Chị Tư Hậu (1963), Trà Giang đã tiến một bước dài trong sự nghiệp diễn xuất và trở thành tượng đài của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đồng thời là diễn viên đầu tiên của Việt Nam giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Moscow năm 1973 cho vai diễn chị Dịu.
4. Em bé Hà Nội (1974)
Bộ phim theo chân Ngọc Hà, một cô bé mười hai tuổi đang di tản về vùng quê lánh nạn. Khi nghe tin mẹ và em gái bị bom Mỹ chôn vùi dưới phố Khâm Thiên, em quyết định ngược đường trở lại Hà thành tìm bố – một chiến sĩ tên lửa.
Đạo diễn Hải Ninh gặp diễn viên Lan Hương lần đầu tiên khi Lan Hương mới 3, 4 tuổi. Đến năm 1972 khi ông thực hiện bộ phim này, sau nhiều nỗ lực tìm diễn viên cho vai nữ chính, ông nhớ đến Lan Hương và mời cô tham gia. Lúc đó, Lan Hương mới 10 tuổi, và đây cũng là vai diễn đầu tiên của cô.
Phim đã nhận giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần III, giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1975 và giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại Liên hoan phim Quốc tế Syria.
5. Mẹ vắng nhà (1979)
Mẹ vắng nhà xuất sắc đoạt giải Bông sen vàng năm 1980 và hai giải thưởng quốc tế tại LHP Moscow (Nga) và Karlovy Vary (Tiệp Khắc).
Lấy bối cảnh ở vùng sông nước Nam Bộ, Mẹ vắng nhà là những thước phim lắng đọng về cuộc sống gia đình chị Út Tịch (Ngọc Thu) và năm đứa con nhỏ. Là một chiến sĩ Cách mạng, chị Út thường xuyên đi vắng, lên đường tải lương cho bộ đội, để lại mấy chị em ở nhà. Trong đó, cô chị lớn nhất chưa tới mười tuổi.
Bộ phim tái hiện thành công bầu không khí thân thương của một mái ấm dù thiếu vắng cha mẹ. Hình ảnh những đứa trẻ sống dựa dẫm nhau, tìm thấy niềm vui từ những củ khoai, củ lạc, câu chuyện mẹ đi đánh giặc của chị cả Bé… đã mang tới nhiều khoảnh khắc xúc động cho khán giả.
6. Cánh Đồng Hoang (1980)
Bối cảnh được đặt ở vùng Đồng Tháp Mười trong thời kỳ chiến tranh, bộ phim xoay quanh cuộc sống của vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được Cách mạng giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội.
Tác giả chú trọng vào cuộc sống hàng ngày của họ như trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá, xen kẽ với cảnh trực thăng Huey của quân Mỹ quần thảo vùng đồng nước này để theo dõi đội du kích.
Khi Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng, vợ Ba Đô đuổi theo và bắn cháy chiếc trực thăng để trả thù cho chồng.
Với sự dẫn dắt tài năng của đạo diễn Hồng Sến và kịch bản xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, diễn xuất sâu sắc của nữ diễn viên Thúy An, Cánh đồng hoang là một kiệt tác nghệ thuật đích thực.
7. Ván bài lật ngửa (1982 - 1987)
Ván bài lật ngửa là bộ phim nhựa trắng đen 8 tập về đề tài gián điệp do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982–1987.
Bộ phim kể về quãng đời hoạt động của nhân vật lịch sử có thật ngoài đời - anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo. Bộ phim do nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết kịch bản, có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên như Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân - tức anh hùng Phạm Ngọc Thảo), ca sĩ Thanh Lan và Thúy An (vai nữ điệp viên tình báo Thùy Dung - vợ của Nguyễn Thành Luân)...
Bộ phim có tám tập như sau:
1. Đứa con nuôi vị giám mục (1982)
2. Quân cờ di động (1983)
3. Phát súng trên cao nguyên (1983)
4. Cơn hồng thủy và bản tango số 3 (1984)
5. Trời xanh qua kẽ lá (1985)
6. Lời cảnh cáo cuối cùng (1986)
7. Cao áp và nước lũ (1987)
8. Vòng hoa trước mộ (1987)
8. Bao giờ cho đến tháng mười (1984)
Việt Nam có rất nhiều bộ phim về chiến tranh xuất sắc, nhưng bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn được coi là một kiệt tác của điện ảnh Việt Nam khắc họa về sự tàn phá của chiến tranh.
Diễn viên Lê Vân đã vào vai một người phụ nữ miền Bắc Việt Nam đau đớn, giằng xé không thể chấp nhận cái chết của chồng - người lính Việt Nam chiến đấu. Bộ phim hiện thực và đầy trữ tình đó đã thể hiện những mát mát, đau đớn và những khao khát của người dân Việt Nam.
9. Biệt Động Sài Gòn (1986)
Biệt động Sài Gòn lấy cảm hứng từ câu chuyện của những chiến sĩ biệt động trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Loạt phim dài bốn tập lần lượt mang nhan đề: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em.
Bộ phim không chỉ đặt người xem vào bối cảnh bom đạn và khói lửa mà còn kể những câu chuyện tình yêu đậm chất cảm xúc, đầy ý nghĩa.
Phát sóng từ năm 1986, tác phẩm không chỉ thu hút khán giả bằng doanh thu phòng vé kỷ lục mà còn đưa tên tuổi nghệ sĩ như Quang Thái, Thúy An, Thương Tín, Hà Xuyên, Hai Nhất, Thanh Loan… gần gũi hơn với khán giả.
Hơn 3 thập kỷ trôi qua, Biệt động Sài Gòn vẫn giữ vững sức hút, trở thành kiệt tác điện ảnh về ngày 30/4 của Việt Nam.
10. Cỏ lau (1992)
Cỏ lau được lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đặt bối cảnh trên mảnh đất Quảng Trị khô cằn từng là nơi mà nhiều người lính ngã xuống thời chiến trận. Sau này, chính tại vùng đất này mọc lên rất nhiều cây cỏ lau – loài cỏ dại tươi tốt và mãnh liệt sức sống.
Trong phim, Lực là một người lính sinh ra trên mảnh đất nắng gió của thành cổ. Trong cuộc chiến tranh ác liệt, anh phải tập kết ra Bắc, để lại Thai – người vợ trẻ cùng người cha già của mình ở lại.
Vì nhiều lý do, Thai nghĩ chồng đã tử trận và quyết định đi bước nữa sau nhiều năm suy sụp. Bi kịch ập đến khi họ gặp lại nhau lúc chiến tranh kết thúc. Lực trở về quê hương, anh tìm lại ngôi nhà của mình, thấy di ảnh anh trên bàn thờ và phần nào hiểu được câu chuyện của vợ lẫn cha anh.
11. Giải phóng Sài Gòn (2005)
Giải phóng Sài Gòn là một bộ phim điện ảnh Việt Nam, công chiếu năm 2005. Phim được Hãng phim Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Phim sản xuất dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn. Phim được đầu tư 12,5 tỷ VND và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm. Phim được công chiếu lần đầu nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện 30 tháng 4 (30/4/1975 - 30/4/2005) và được công chiếu hằng năm vào dịp này.
Phim tái hiện một số sự kiện lịch sử chính trong quá trình quân Giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn. Bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng, đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông để tiến vào Sài Gòn, rồi những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, đến việc Hoa Kỳ buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để lập nội các mới do Dương Văn Minh đứng đầu, đến sự kiện quân đội Hoa Kỳ sơ tán khỏi Sài Gòn bằng trực thăng.
Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: tiến vào Sài Gòn bằng 5 mũi, chiếm 5 vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng biệt động trong thành phố, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn.
12. Những người viết huyền thoại (2005)
“Những người viết huyền thoại” lấy đề tài chiến tranh cách mạng, và được Cục Điện ảnh đặt hàng, cho nên bộ phim thu hút sự chú ý của đông đảo báo giới trước thềm LHP.
Lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước thời kỳ những năm 1960, khi yêu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền nam ngày càng tăng cao và cấp bách, phim xây dựng nhân vật tướng Dinh dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện và đoàn 559 trong công cuộc xây dựng đường ống xăng dầu chạy từ biên giới phía bắc đến miền Đông Nam Bộ.
Trong suốt bảy năm trời (1968-1975), dưới sự chỉ huy của Tướng Đinh Đức Thiện, bộ đội xăng dầu đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và hiểm nguy để lập nên kỳ tích xây dựng tuyến đường ống dài hơn 5 nghìn km, cùng hệ thống 100 kho chứa chạy suốt từ bắc vào nam.
Với bàn tay của đạo diễn trẻ nhưng có kinh nghiệm làm phim chiến tranh Bùi Tuấn Dũng, nhà biên kịch “cứng” tay Nguyễn Anh Dũng, và giám đốc hình ảnh là tay máy kỳ cựu Lý Thái Dũng, bộ phim là một sản phẩm rất tốt, nhất là về mặt kỹ thuật và hình ảnh.
13. Đường Thư (2005)
Đường Thư là bộ phim đi sâu vào những khía cảnh nhỏ nhặt trong nhiệm vụ và cuộc sống của người, đặc biệt là quân bưu. Qua cái nhìn của anh chàng binh nhất Hoàng An, người xem có thể cảm nhận được tình cảnh đất nước trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt.
Bộ phim khai thác những vấn đề mới mẻ về đề tài người lính và chiến tranh, bên cạnh đó có những cảnh phim cảm động khiến người xem không khỏi rưng rưng với các lá thư gửi từ hậu phương đến tiền tuyến.
14. Đừng đốt (2009)
Đừng đốt mang tới những ám ảnh day dứt về thân phận nhỏ nhoi của con người trước chiến tranh, phức cảm về sự mất mát và bi kịch.
Bộ phim dựa trên cuốn nhật ký cùng tên của Đặng Thùy Trâm, được nữ bác sĩ viết từ năm 1968 cho tới trước hai ngày khi chị hy sinh vào năm 1970. Quyển nhật ký được trao lại cho gia đình chị bởi một cựu binh Mỹ sau tận 35 năm kể từ khi chị qua đời. Đó là một câu chuyện cổ tích thời chiến loạn, đã gây nên những cảm xúc mãnh liệt cho khán giả.
15. Mùi cỏ cháy (2012)
Mùi cỏ cháy lấy bối cảnh chính là sự kiện Mùa hè đỏ lửa năm 1972 với trận chiến thảm khốc tại Thành cổ Quảng Trị. Bốn nhân vật chính trong phim là bốn cậu sinh viên là Hoàng, Thành, Thăng, Long.
Rời ghế nhà trường, bốn thanh niên lên đường nhập ngũ năm 1971, cùng tham gia chiến đấu tại Thành cổ. Cũng mùa hè năm đó, Thành, Thăng, Long đã nằm lại dưới lòng đất thành cổ, còn Hoàng bị thương và sống sót trở về.
Bộ phim kể lại dưới dòng hồi tưởng của Hoàng, khi ông đã luống tuổi và trở lại thăm trường học cũ lẫn chiến trường xưa, mang theo ký ức hoang hoải về tuổi trẻ, khát vọng dang dở của những người bạn “sống mãi tuổi 20”.
Bộ phim cũng chiến thắng giải Cánh diều vàng năm 2011 cho các hạng mục quan trọng bao gồm Phim điện ảnh xuất sắc và Biên kịch xuất sắc.