130 doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Văn Trí (TTXVN/Vietnam+)| 28/06/2023 14:06

Ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung, nhãn Châu Thành.

130 doanh nghiep An Do tim hieu co hoi dau tu tai tinh Dong Thap hinh anh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa giới thiệu với ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh về đất sạch phục vụ các nhà đầu tư Ấn Độ. (Nguồn: Báo Lao động)

Ngày 28/6, tại Đồng Tháp, Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá đây là sự kiện quan trọng khi Đồng Tháp được đón trên 130 doanh nghiệp Ấn Độ về tham dự các hoạt động giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Đây cũng chính là thế mạnh của Đồng Tháp, mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa giới thiệu ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành.

"Chúng tôi còn có làng hoa Sa Đéc - một trong những vùng trồng hoa lớn nhất nước, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến. Đây thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam," Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tỉnh Đồng Tháp đã nhận được khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD của Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất dầu cám gạo và chế biến thực phẩm; đặc biệt, Việt Nam do có vị trí địa lý chiến lược, hệ thống chính trị xã hội ổn định, lực lượng lao động lành nghề và tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do nên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Về đầu tư của Ấn Độ còn khá ít so với các nước khác và đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ đã đi vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, điện và khai khoáng.

Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn các công ty và doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào mỗi nước trong các lĩnh vực khác nhau như chế biến nông sản và thực phẩm, dệt may, hóa chất, nhựa, kỹ thuật, dược phẩm,…

"Văn phòng của tôi cam kết hỗ trợ mọi doanh nhân của cả hai bên khám phá các cơ hội kinh doanh và hợp tác. Đây là một dịp lịch sử để tổ chức cuộc họp kinh doanh tại tỉnh Đồng Tháp, nơi nổi tiếng với xoài, hạt sen và hoa thơm ngon," ông Madan Mohan Sethi nhấn mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Đồng Tháp và Ấn Độ năm 2022 đạt hơn 18 triệu USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 10,65 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 7,48 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đồng Tháp sang Ấn Độ là thủy sản, giày da, collagen. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là dược phẩm, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dệt may và máy móc, thiết bị.

Về lĩnh vực đầu tư, tính đến nay, Đồng Tháp đã thu hút được 2 dự án đầu tư từ Ấn Độ, gồm dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu gạo Sethia Hemraj và dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Olam Global Agri Việt Nam.

Kết quả hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu gạo Sethia Hemraj đạt doanh thu 534 tỷ đồng và đang chuẩn bị các thủ tục để xin chủ trương thực hiện giai đoạn 2 của dự án, cũng như phát triển thêm sản phẩm dầu ăn đóng chai.

Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Olam Global Agri Việt Nam tại Khu Công nghiệp Sa Đéc có diện tích 32.000m2, chính thức sản xuất vào tháng 3/2023, với sản phẩm thức ăn hỗn hợp dạng viên dành cho cá tra. Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Olam Global Agri Việt Nam là ông Mohit Agarwal - doanh nhân Ấn Độ, nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp trao 3 biên bản ghi nhớ trong hợp tác đầu tư.

Cùng dịp này, tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp và khu triển lãm giới thiệu các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp đang mời gọi đầu tư.

Hội nghị diễn ra 4 hoạt động chính gồm Ngày Quốc tế Yoga năm 2023; Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư Ấn Độ-Đồng Tháp; các phiên gặp gỡ, thảo luận kết nối doanh nghiệp Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp với chủ đề “Thương mại và Đầu tư," “Du lịch và Công nghệ thông tin;" tham quan thực tế (famtrip)./.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/130-doanh-nghiep-an-do-tim-hieu-co-hoi-dau-tu-tai-tinh-dong-thap/871815.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/130-doanh-nghiep-an-do-tim-hieu-co-hoi-dau-tu-tai-tinh-dong-thap/871815.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        130 doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO