---- Chính trị

10 phát ngôn ấn tượng trong 2,5 ngày Quốc hội chất vấn việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành

Quỳnh Nguyễn 09/11/2023 09:45

Trong 2,5 ngày Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng ở các nhóm lĩnh vực đã được các đại biểu đặt ra để các Bộ trưởng và Trưởng ngành trả lời trước Quốc hội. Cùng điểm lại 10 phát ngôn ấn tượng nhất trong phiên chất vấn.

qh1.png

Trả lời chất vấn sáng 7/11, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, liên quan việc Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển tiền về ngân hàng SCB, có một số cán bộ Thanh tra Chính phủ bị khởi tố, tạm giam, chủ yếu là hành vi nhận hối lộ.

qh2.png

Tranh luận với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng về 8 dự án BOT thua lỗ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam) nói giải pháp xử lý các dự án này là sẽ giảm lợi nhuận chủ đầu tư, đàm phán giảm lợi nhuận vốn của ngân hàng.

Theo ông, đây là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào sẽ ảnh hưởng niềm tin của họ. "Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này", đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

qh3.png

Trả lời chất vấn về việc nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng của một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đến năm 2020, Bộ vẫn cấp ngân sách bình thường cho các địa phương vùng I, II, III. Nhưng sau khi có chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng cho hai khu vực này bị chậm.

"Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi cũng có thiếu sót với người dân các địa phương. Chúng tôi sẽ phối hợp để sớm trình Thủ tướng cấp bù kinh phí cho các địa phương", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

qh4.png

Trả lời chất vấn sáng 7/11, đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định "Chúng tôi chưa bắt các đối tượng nào vừa qua mà không nhận tiền cả. Vì thế ở đâu đó có ý kiến cho rằng giờ xử lý quá, cán bộ sợ, không dám làm là không phải. Họ không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà là nhận hối lộ, ăn hối lộ. Việc đó xử lý, nhân dân rất đồng tình".

qh5.png

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ông đã 3 lần trình vấn đề nghị quyết đặc thù sử dụng khoản chi thường xuyên cho hoạt động nâng cấp, sửa chữa, tháo gỡ vướng mắc tại luật Đầu tư công nhưng đều bị "bác".

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại "Vấn đề này chúng ta đã tranh luận với nhau rất nhiều rồi. Tại diễn đàn Quốc hội, tôi nhớ Bộ trưởng Tài chính nói từ nay chúng tôi không nêu lại vấn đề này nữa. Hôm nay Bộ trưởng lại nêu lại vấn đề này. Đã 3 lần rồi, chúng tôi đã trả lại văn bản này cho Chính phủ yêu cầu rà soát xem có liên quan gì tới luật Ngân sách Nhà nước hay không. Trong lần rà soát này Bộ Tài chính cũng không nói có vấn đề phải rà soát".

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói "Báo cáo Chủ tịch Quốc hội khi tôi nói từ nay tôi không nói vấn đề này nữa là vì tôi trình 3 lần, tôi mệt quá rồi nên tôi không nói nữa chứ không phải là đồng ý ạ".

qh6.png

Trong lần chất vấn này, vấn đề tiền lương giáo viên khi thực hiện cải cách tiền lương là vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nhìn tổng thể, thu nhập của nhà giáo hiện nay đã có cải thiện nhưng vẫn thấp.

Tới đây khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bà Trà cho biết Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào nghị quyết của Trung ương, ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

qh7.png

"Chia lửa" cho các bộ trưởng thuộc lĩnh vực quản lý tại phiên chiều 7/11, nhận trách nhiệm quản lý lĩnh vực khi việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, hai từ được nhắc đến nhiều nhất là "chậm" và "chưa".

Theo ông, một việc vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo rất hiệu quả là tổ chức 26 đoàn của 26 thành viên Chính phủ đi các địa phương xem vướng gì. Kết quả tổng hợp được 513 điểm vướng của các địa phương, đang cố gắng xử lý. Thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra vòng 2, song vấn đề là tới nay vẫn "chưa thấy ai bị kiểm điểm kỷ luật vì chậm chuyện này".

qh9.png

Chiều 7/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) băn khoăn về giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức bị cộng đồng mạng bạo hành.

"Vụ việc của hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng dập cho tơi bời thì ai bảo vệ họ và cách bảo vệ như thế nào hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị và làm đơn? Với kiểu góp ý xây dựng theo kiểu đập cho chết chứ không phải đập cho chừa thì rất nguy hiểm", đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi.

qh8.png

Sáng 8/11, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao xã hội hoá mà giá sách giáo khoa ngày càng cao?

"Mỗi năm đến hè thì học sinh lòng man mác buồn còn mỗi năm đến trường thì phụ huynh lòng man mác buồn. Phụ huynh buồn vì mua sách giáo khoa không có, giá tăng", đại biểu Phạm Văn Hoà nói và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản khác.

qh10.png

Trả lời chất vấn về việc Nghị quyết 27 giao nhưng sau gần 15 năm chưa thể chế hoá, Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi nhận khuyết điểm về vấn đề này. Giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành phải nhận khuyết điểm, phải kiểm điểm, phải xử lý trách nhiệm và phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành; đồng thời Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phụ trách phải vào cuộc cùng các bộ, ngành để thực hiện.

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        10 phát ngôn ấn tượng trong 2,5 ngày Quốc hội chất vấn việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO