03 chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 4/2025

26/03/2025 17:38

Sau đây là tổng hợp một số chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 4/2025.

03 chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 4/2025 (Hình từ Internet)

1. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo dục Đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT ngày 17/02/2025 quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục Đại học, có hiệu lực từ ngày 04/04/2025

Theo đó, Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo gồm 08 tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo 

Tiêu chuẩn 2: Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo

Tiêu chuẩn 3: Hoạt động dạy và học

Tiêu chuẩn 4: Đánh giá kết quả học tập

Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên

Tiêu chuẩn 6: Các dịch vụ hỗ trợ người học

Tiêu chuẩn 7: Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị

Tiêu chuẩn 8: Đầu ra và kết quả đầu ra

2. Trách nhiệm của người được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt từ ngày 20/04/2025

Ngày 03/03/2025 Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

Theo đó, Nghị định 60/2025/NQ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Nghị định 116/2020/NĐ-CP về trách nhiệm của người được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt như sau: 

- Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở đào tạo giáo viên; hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định.

- Sau khi có quyết định công nhận tốt nghiệp, định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm của năm tiếp theo cho đến năm đủ thời gian không phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, báo cáo tình hình việc làm của bản thân theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí) nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với sinh viên thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo xóa hoặc thu hồi khoản kinh phí hỗ trợ.

- Sinh viên sư phạm thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP có trách nhiệm nộp trả kinh phí đã được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP tới cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ) để nộp trả ngân sách nhà nước qua hệ thống Kho bạc nhà nước.

- Sinh viên sư phạm đăng ký hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt có trách nhiệm nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt tới cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

- Sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí có trách nhiệm gửi bản sao chứng từ nộp tiền bồi hoàn kinh phí đến cơ quan có thẩm quyền ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để theo dõi, báo cáo và xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ.

Nghị định 60/2025/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 20/04/2025.

3. Nguyên tắc xác định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị Đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT về quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị Đại học, có hiệu lực từ ngày 22/04/2025

Theo đó, nguyên tắc xác định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị Đại học như sau:

- Thời gian làm việc của giáo viên thực hiện theo năm học và được quy đổi thành tiết dạy, bao gồm số tiết dạy trong 01 năm học và số tiết dạy trung bình trong 01 tuần theo định mức tiết dạy quy định tại Điều 7 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT. Thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bảo đảm 40 giờ/tuần, trong đó bao gồm số tiết giảng dạy theo quy định tại Điều 8 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT.

- Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường. Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên dạy chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Căn cứ kế hoạch giáo dục, thực trạng đội ngũ và định mức tiết dạy trong 01 năm học, hiệu trưởng phân công giáo viên giảng dạy theo định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần. Trường hợp phải phân công giáo viên dạy vượt định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì tổng số tiết dạy vượt trong 01 tuần không quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần, tổng số tiết dạy vượt trong 01 năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.

- Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT.

Đối với các nhiệm vụ theo quy định tại Chương III Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT (trừ nhiệm vụ kiêm nhiệm tại khoản 3, khoản 5 Điều 9; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy hoặc quy đổi ra tiết dạy.

- Giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên ở cấp học nào thì thực hiện định mức tiết dạy quy định đối với giáo viên ở cấp học đó.

Trường hợp giáo viên vừa được phân công giảng dạy ở cấp học theo chức danh được bổ nhiệm vừa được phân công giảng dạy ở cấp học khác thì mỗi tiết dạy ở cấp học khác được tính bằng 01 tiết định mức.

- Đối với nhiệm vụ chưa được quy định chế độ giảm định mức tiết dạy theo Điều 9, Điều 10, Điều 11 hoặc chưa được quy đổi ra tiết dạy theo Điều 13 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, hiệu trưởng căn cứ vào mức độ phức tạp, khối lượng công việc của nhiệm vụ, dự kiến số tiết dạy quy đổi đối với nhiệm vụ đó và gửi xin ý kiến của Hội đồng trường. Sau khi có ý kiến thống nhất, hiệu trưởng quyết định số tiết dạy quy đổi đối với nhiệm vụ và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý. Trường hợp không có Hội đồng trường, hiệu trưởng gửi xin ý kiến của các phó hiệu trưởng, cấp ủy và tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

x

Nổi bật

    Mới nhất
    03 chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 4/2025
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO