Truyện ngắn: Khi còn có mẹ…
Văn nghệ - Ngày đăng : 08:39, 21/06/2018
Diệu trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, cảm thấy không còn sức lực. Chồng con đã ngủ ngon trong căn phòng thơm tho mát rượi. Diệu ngồi bệt xuống sàn nhà, ngồi tựa lưng vào tường, nước mắt cứ thế trào ra. Diệu nhớ mẹ quá, cơn nhớ lúc nào cũng đầy ắp trong lòng chỉ chực chờ được òa ra nức nở. Nhìn quanh từng ngóc ngách trong nhà chỗ nào cũng thấy bàn tay mẹ dọn dẹp, lau chùi. Bóng dáng mẹ tất tưởi lo toan. Đồ vật mẹ mua tặng vẫn còn mới cóng. Từ cái bát ăn cơm có in hình những bông hoa đồng nội mà Diệu thích. Đồ nấu bếp bằng gỗ Kim Giao mẹ đặt mua của đồng bào dân tộc tận Lạng Sơn. Đến chăn ga gối đệm mềm êm cho Diệu đỡ đau lưng mỏi cổ. Cả đời mẹ chưa từng có ngôi nhà của riêng mình chỉ suốt đời chăm chút cho con cháu. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay mẹ nương tựa cửa chùa theo đúng ước nguyện khi còn sống. Mẹ nhẹ bẫng, chỉ còn lại nắm tro tàn nằm trong hũ sứ. Mẹ vẫn còn trẻ lắm, mới ngoài năm mươi tuổi. Hôm tìm thấy mẹ trên sân thượng đầy hoa Diệu chỉ nghĩ mẹ nằm nghỉ một lúc rồi sẽ dậy. Nhưng mẹ đã đi đến một thế giới khác bằng nụ cười cơ cực trên môi. Chỉ màu áo hoa cà là tím nhức nhối trong tâm thức Diệu…
Diệu điện cho Thuần cốt để tìm một người lắng nghe mình nói chứ không phải để nhận được những lời an ủi. Có những nỗi mất mát càng vỗ về thì lại càng đau đớn. Có khuyên gì đi nữa thì cũng nghe Diệu nói “cậu vẫn còn có mẹ thì làm sao hiểu được tớ mất mát thế nào”. Thuần khựng lại, phải rồi, Diệu nói đúng. Mẹ Thuần vẫn đang khom lưng ngoài ruộng nhặt cố cho xong đám cỏ bợ để về kịp giờ đón cháu. Đàn bò sáu con đang buộc ngoài bãi đất sau nhà kêu rống lên vì đói. Cỏ mùa này hiếm lắm, trồng tử tế, bón phân đạm đầy đủ mà cũng không lên được. Để đủ thức ăn cho bò mẹ phải đi xa mười cây số, lên rừng xin chuối. Mẹ bặm môi, gò lưng vác những cây chuối to bằng nửa người mình trèo rừng lội suối sang đường lớn để thuê xe bán tải chở về. Mỗi chuyến mẹ đi vác mất một ngày, buổi trưa ăn tạm cái bánh mì hoặc vài quả chuối hái tại vườn. Mất ba trăm ngàn tiền công chuyên chở, cho bò ăn dè cũng cầm cự được nửa tháng là cùng. Bò rớt giá, lần nào tiếp lái buôn xong mẹ cũng khóc. Bán thì quá lỗ mà để thì lấy đâu thức ăn cho chúng. Trong khi món nợ ngân hàng vào giữa năm nay chỉ trông vào mấy con bò. Những khớp xương mẹ đau rời rạc, cổ họng khô nuốt không nổi miếng cơm. Mà đêm nằm lo cỏ cho bò, cám cho gà vịt, tiền lãi ngân hàng mỗi tháng và ti tỉ thứ lo vì lũ con khờ dại ngông cuồng. Nhiều lần mẹ ước gì ngủ một giấc dài và không bao giờ tỉnh lại. Thuần thấy chua xót lắm.
- Đêm qua tớ thấy mẹ về. Không phải trong giấc mơ đâu. Mà thấy mẹ nằm kề bên tớ. Lúc bé Na thức giấc giữa đêm mẹ còn dỗ cháu. Tớ còn nghe ngọt ngào bên tai lời ru à ơi cái bống. Sáng thức giấc còn thấy vài sợi tóc mẹ rơi trên chăn gối. Vậy mà…
- Mẹ vẫn sẽ luôn bên cậu đấy thôi, ngay cả khi bà không hiện hữu.
- Nhưng tớ ân hận lắm. Lúc mẹ còn sống tớ đã không hay đưa mẹ đi khám bệnh. Toàn để mẹ tự đi một mình nên bao nhiêu bệnh tật trong người mẹ toàn giấu nhẹm. Tớ còn chưa kịp đưa mẹ về thăm quê, đi du lịch. Ngày xưa mẹ tớ chỉ ước đẻ được cô con gái để nhờ nhổ tóc sâu thôi đấy. Thế mà mấy hôm trước khi mất, mẹ nhờ nhổ tóc mà tớ cứ bận bịu việc này việc kia. Nghĩ lại thấy không biết đã bao lâu rồi tớ không có thời gian dành cho mẹ.
Diệu nhốt mình trong nhà vệ sinh, xả vòi nước thật to ngồi khóc để chồng con không biết. Dù Thuần đã dặn trong 49 ngày sau khi mất, linh hồn mẹ vẫn quanh quẩn trong nhà nắm níu lấy cháu con nên đừng khóc nhiều kẻo mẹ vương vấn dương gian khó mà siêu thoát. Nhưng nỗi nhớ mẹ như là hơi thở, như dòng máu chảy trong huyết quản. Biết làm sao ngừng nhớ thương về mẹ khi suốt hơn ba mươi năm qua Diệu chưa từng xa mẹ lâu đến thế. Bố mẹ ly hôn khi Diệu còn rất nhỏ. Dù bà nội ôm ghì ba chị em Diệu trong tay bảo “ở với bà, rau cháo nuôi nhau”. Nhưng mẹ gạt nước mắt một tay bế thốc thằng út, một tay lôi chị em Diệu đi trong buổi chiều hoàng hôn màu huyết dụ. Bốn mẹ con nương tựa vào nhau trong xóm ngụ cư ở ven sông. Ở nhờ nhà bá Sáu, trước cửa có cây mít già sai quả, đằng sau có những chùm khế ngọt chín vàng ươm. Có người thương từng xin Diệu làm con nuôi nhưng mẹ bảo “tôi đẻ con ra đâu phải để mang cho người khác”. Diệu bện mẹ đến mức cứ lẽo đẽo theo sau, hết chợ sớm đến chợ chiều chân không ngừng bước. Mẹ lên tàu đi lấy hàng khô dưới miền xuôi về bán ở chợ ven sông Diệu cũng đòi theo. Hai mẹ con thường ngồi ngủ bên những người lao động nghèo giữa lỉnh kỉnh đồ đạc và mùi cá khô bốc lên tanh nồng mằn mặn. Diệu vẫn nhớ những đêm nằm bên mẹ, nhìn qua cửa sổ ngắm trăng sáng vằng vặc trên ngọn cau, nghe bà Sáu già ho khan trò chuyện cùng con chó nhỏ. Cảnh tượng bình yên ấy vẫn không thôi khiến mẹ đau đáu nghĩ về những ngày sau. Mẹ ước ao có đủ tiền mua đất dựng nhà. Mẹ không muốn các con sống cuộc đời trôi dạt…
Năm Diệu mười sáu tuổi thì cả nhà xuống thị xã, thuê một sạp hàng vừa ở vừa buôn bán. Ban ngày toàn bộ diện tích sạp hàng được bày giày dép và quần áo để bán. Ban đêm mấy mẹ con chất hàng vào một đống kê dát giường nằm ngủ. Chật chội là thế mà vẫn thấy mẹ vui vì kiếm đủ tiền nuôi mấy anh em ăn học. Mẹ bị bệnh đau đầu có lẽ cũng vì phải ngửi nhiều mùi nhựa dép, mùi vải vóc. Diệu thì không thấy vui vì nghĩ cuộc đời mấy mẹ con sao mà cơ cực quá. Ngủ ở sạp hàng giữa chợ mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè nóng chảy mỡ. Quạt chạy hết công suất cũng không đủ xua đi cái nóng hầm hập từ dưới nền xi măng bốc lên, từ mái tôn dội xuống. Tầm bốn giờ sáng chợ đã bắt đầu nhộn nhịp. Các chủ sạp hàng rau củ quả, thịt thà đã mang hàng đến đổ đống chờ người đến cân buôn. Mẹ dậy từ lúc ấy để mua được đồ ăn vừa tươi vừa rẻ. Có khi kiếm được mối mẹ còn tranh thủ mua đi bán lại kiếm lãi vài đồng. Suốt mấy chục năm trong kí ức của Diệu mẹ chưa từng có đêm nào ngủ tròn giấc mộng.
Sau này khi ba chị em Diệu đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và đều đã xây dựng gia đình. Mẹ lại bắt đầu vun vén cho mái ấm riêng của các con. Đứa nào mẹ cũng bảo “phải có cái nhà con à, giàu nghèo, to nhỏ gì cũng phải có nơi được gọi là nhà”. Vốn liếng có bao nhiêu mẹ chia cho mỗi đứa một ít lúc mua đất làm nhà. Rồi lại tự tay sắm sửa hết thứ này đến thứ khác cho con cháu đủ đầy. Trong khi mẹ chẳng chịu ở với ai, vẫn sạp hàng ở chợ kê một chỗ ngủ cho mình. Diệu giờ hay tự hỏi khi còn có mẹ mình đã hạnh phúc thế nào? Mình đã làm được gì cho mẹ? Chăn ấm đệm êm nhà Diệu mẹ chưa kịp một lần nằm ngủ. Giàn rau trên sân thượng mẹ trồng đã ra hoa kết trái. Nhìn những rổ cà chua đỏ tươi, mồng tơi, rau ngót xanh non Diệu ước gì được nấu cho mẹ một bát canh mát lành. Mẹ xin từng tải đất phù sa. Mẹ chọn từng túi hạt giống rau ngoài chợ. Mẹ mua từng thanh sắt làm giàn. Mẹ ước ao con cháu mình sẽ được ăn đồ sạch. Còn Diệu, bao lâu rồi Diệu không vào bếp nấu cho mẹ một bát canh ngon? Mẹ thích canh cua, trùng trục, hến, trai. Những món dân dã ấy mẹ thấy ngon là vì nhớ đồng ruộng quê nhà. Mẹ ăn bằng hương vị của kí ức, bằng niềm vui của những năm tháng cũ. Nhưng chợ thị xã ngày càng hiếm cua hến. Hoặc là Diệu bận quá lần nào cũng đi qua những chậu cua hến còn lấm lem bùn đất của bà cụ móm mém. Đi qua những bữa cơm mẹ ngồi nuốt khan vì không thấy món gì ngon miệng. Diệu chỉ ước gì ông trời cho mẹ sống thêm vài năm nữa. Để Diệu nhổ tóc sâu cho mẹ, nấu canh ngon mẹ ăn, dẫn mẹ đi thăm sông nước miền Tây, bắt chuyến tàu lúc ba giờ chiều ngược về quê cũ. Mẹ ơi…
Nửa đêm Diệu hay ngửi thấy mùi xôi lạc, xôi xắn. Bụng cồn cào một cơn đói cũ. Dù Diệu biết giờ này xung quanh chẳng còn ai thức và thứ mùi vị ấy thực ra là ngửi thấy bằng tim, bằng nỗi nhớ gọi về kỉ niệm. Khi mấy mẹ con cùng sống ở sạp hàng, những đêm lạnh Diệu thường kêu đói. Mẹ sẽ dậy nấu xôi bằng bếp than đặt bên ngoài ngõ chợ. Chị em Diệu ngồi ngó gió thổi lệt xệt đám túi ni lông dồn lại một góc chợ. Nói với mẹ về ao ước được sống trong một ngôi nhà thật đẹp. Để mùa mưa không phải sợ nước tràn vào nhà như cảnh đời ở chợ. Diệu nhớ đến đó thì Thuần gọi kể:
- Dạo này tớ ốm, hai đứa nhỏ cũng mũi nhãi quấy khóc suốt ngày. Công việc thì áp lực, tiền bạc thì túng thiếu thành ra tớ hay cáu gắt với mẹ. Tệ thật.
- Đừng vậy cậu ơi. Khi còn có mẹ…
Mấy từ “khi còn có mẹ” làm cả hai đau điếng. Một bên là sự mất mát đang hiện hữu. Còn một bên là sự mất mát mơ hồ đâu đó vừa xa lại vừa gần. Mẹ như lá vàng trên cành, như chuối chín cây, như hoa tàn lắt lay ngày gió. Nên khi còn có mẹ kề bên xin hãy yêu thương mẹ. Để một mai khi mẹ đã về trời sẽ chỉ còn những kí ức êm đềm tươi đẹp. Thuần nói đúng, Diệu sẽ không khóc nữa. Sẽ cố gắng sống vui, sống khỏe để mẹ được yên lòng tiêu diêu miền cực lạc. Giờ thì Diệu nhắm mắt để lần tìm theo hương tóc mẹ. Ngày mai, Diệu sẽ dắt theo con gái nhỏ lên chùa thăm mẹ. Chùa nằm trên núi…