Truyện ngắn: Kí ức hào hùng
Văn nghệ - Ngày đăng : 09:27, 10/05/2019
Ông Thăng đứng lặng lẽ ở một góc nhà, hai tay chống cây gậy gỗ làm trụ, đôi mắt chăm chú hướng lên tấm ảnh Bác Hồ treo trên tường. Hình ảnh Bác với đôi mắt sáng, nụ cười hiền hòa, mái tóc hoa râm quen thuộc đang nhìn ông. Mấy mươi năm ngày nào ông Thăng chẳng nhìn, chẳng ngắm ảnh Bác, thế mà, cứ mỗi lần nhìn ngắm là trong lòng ông lại thổn thức, lại tự hào...
- Ông làm gì mà đứng bần thần ra thế? Bà Hạ bước vào giữa sân, trên tay cầm gói lá chuối, bên trong là miếng thịt heo ba chỉ vừa mua ở cổng chợ làng. Kể từ ngày nghe người ta bảo không nên dùng túi ni lông để bảo vệ môi trường, thế là ngày nào đi chợ, bà cũng dùng lá chuối trong vườn để gói thức ăn.
- Bà đi chợ về đấy à? Sắp sửa đến ngày chiến thắng Điện Biên, ngày sinh Bác! Trông ảnh Bác, tôi lại bần thần nhớ.
- Ừ. Ngoài đầu làng, tôi thấy mọi người đang treo băng rôn, biểu ngữ, cờ hoa.
- Ông Thăng ơi, có nhà không?
- Ai đấy? Có tôi đây? Ông Thăng khập khiễng bước ra sân.
- Long đây! Long chột đây này! Ông Long cũng chống cây gậy trúc bước đến gần ông Thăng, cười khề khà, vừa nói vừa vỗ tay lên ngực mình.
- Long! Long chột! Vào đây! Vào đây nhanh lên! Mấy bữa nay lòng tôi cứ nao nao. Nhớ chiến trường! Nhớ đồng đội! Nhớ Bác Hồ nữa!
- Sao ông giống tôi thế! Sắp gần đất xa trời rồi! Thế nên còn đi lại được, còn nói cười được thì năng đến thăm nhau chứ đến lúc đau ốm nằm một chỗ thì chịu. Ông Long cầm lấy tay người đồng đội của mình, giọng run run.
- Ông nói phải! Chỉ có điều, cái chân của tôi dạo này trở chứng. Nhức nhối, ê ẩm và khó chịu lắm! Ông Thăng phân trần rồi đưa tay ra hiệu cho ông Long cùng vào ngồi ở bộ bàn ghế gỗ đã cũ đặt giữa nhà. Bà Hạ hiểu ý chồng, nhanh tay nấu nước, pha tách trà xanh ủ trong cái giỏ đặt trên bàn. Rồi bà bước ra vườn, hái rau. Trong lòng bà nhủ thầm sẽ chuẩn bị một bữa cơm trưa đạm bạc để mừng chồng và đồng đội cũ gặp lại nhau.
- Mới đấy mà hơn 60 năm rồi ông nhỉ? Thế mà kí ức về chiến trường Điện Biên ngày ấy cứ như mới vừa hôm qua ấy. Ông Thăng, tay rót chén trà mời bạn, mắt trân trân buông cái nhìn ra khoảng nắng vàng ngoài sân, giọng suy tư.
- Quên làm sao được hả ông? Gì có thể quên chứ kí ức Điện Biên mãi ở đây, ở đây, … ở đây này! Ông Long vừa nói, tay vừa chỉ lên đầu, lên ngực, lên một con mắt đã bị mù, lên những vết thương ngang dọc trên tay, trên lưng, giọng chắc nịch.
Ông Thăng vào trong phòng, quay trở ra, một tay chống gậy, tay kia kẹp cuốn album bên hông, nhìn ông Long, bảo:
- Đây này… Tất cả vẫn ở trong này!
- Đúng là… với bọn mình ngày ấy, “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Ông Long gật gù. Thế là những câu chuyện về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng oanh liệt, tự hào nơi chiến trường Điện Biên lại hiện về.
Ông Thăng và ông Long cùng nhập ngũ từ trước năm 1954. Khi ấy, tuổi đời của cả hai mới chỉ vừa tròn 18. Điều đặc biệt là cả hai đều ở cùng làng, lại đều là con một trong gia đình, đều trốn gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Kể lại với nhau chuyện cũ, cả hai cùng cười vui vẻ.
- Con là con trai độc nhất trong nhà. Lỡ con có mệnh hệ nào thì ba mẹ biết sống làm sao? Ông Thăng nhớ lại câu nói của người mẹ quá cố của mình lúc sinh thời. Hồi ấy, dù bố mẹ ông can ngăn, khuyên bảo, thuyết phục cỡ nào ông cũng không theo. Ông nhất quyết đi bộ đội. Ngày lên đường, mẹ ông khóc như mưa, căn dặn đủ điều. Ông thì lại hào hứng, cười tít, một hai bảo mẹ đừng lo, hứa với mẹ sẽ sớm trở về.
- Còn ông thân sinh ra tôi hồi ấy vẫn thường bảo, đi lính là chấp nhận một phần sống chín phần chết. Người xưa vẫn nói câu “nhất khứ bất phục hoàn”. Ông còn chỉ vào cái chân đã cụt đến bẹn của mình để làm lung lay ý chí sắt đá của tôi. Nhưng tôi vốn giống ông. Đã quyết là làm. Cuối cùng bố mẹ tôi cũng chấp nhận để tôi đi bộ đội. Ông Long kể.
- Có thế hai chúng ta mới gặp nhau chứ ông nhỉ? Ông Thăng lại lấy tấm ảnh chụp trong quân ngũ, hết ngắm rồi lại đưa cho ông Long xem.
- Nhớ nhất vẫn là lần được gặp Bác Hồ ông nhỉ? Ngày đó, hai bọn mình được kết nạp Đảng ngay tại trận địa, cùng ngày. Ông Long nhìn vào những tấm ảnh đen trắng đã lòe nhòe lớp bụi thời gian đặt trang trọng trong cuốn album quý mà ông nâng niu, gìn giữ chừng ấy năm trời đến nay, rưng rưng.
- Cả trung đội mình hồi ấy, ai nấy cười toe khi chụp ảnh với Bác. Tôi nhớ hồi ấy chúng ta còn tranh nhau đứng gần Bác cứ như trẻ con ấy. Ông Thăng mỉm cười gật đầu.
- Bác giản dị, gần gũi và quan tâm hết mực đến tất cả mọi người. Điều đặc biệt là tình thương của Bác không phân cao thấp, hơn thua hay ít nhiều dẫu là ai, đồng chí cán bộ hay là anh lính, là chị dân công hay là anh nuôi quân.
- Tôi nhớ, sau lần gặp Bác, cả trung đội của mình ai nấy càng quyết tâm chiến đấu. Chúng ta đã tiêu diệt được nhiều xe tăng, xe bọc thép, giết được nhiều bọn lính Pháp hơn.
- Thời gian thấm thoát... Rồi ông Thăng nhớ đến trận chiến đấu gian khổ mà hào hùng. Những năm gạo thiếu ăn, những lần cùng anh em vác gỗ làm hầm trú ẩn, những lần cùng nhau san sẻ từng miếng cơm nấu bằng những nhúm gạo vỡ vụn trong chiếc vỏ thịt hộp giữa rừng… Ác liệt nhất là chiến dịch cuối cùng…
- Tôi nhớ hồi ấy, mỗi người được phân công một nhiệm vụ. Ông Long nhìn ông Thăng, cắt ngang. Tôi với ông khi ấy cùng đội với Thanh ở Thanh Hóa, Luân ở Ninh Bình và Thiện ở Nghệ An. Cả bọn cùng ở đội phá bom mìn. Nhớ lần nào đi phá bom cũng tự xác định mình sẽ hi sinh nên đứa nào cũng từ biệt đồng đội, nói lời trăng trối trước với mọi người. Tuy biết mình có thể sẽ chết đấy nhưng không ai nghĩ đến cái chết mà sợ. Khi ấy, trong lòng đứa nào cũng sục sôi, cũng căm thù giặc đến mức coi mạng sống của mình nhẹ bẫng như lông hồng. Chỉ mong được chiến đấu, được ra trận là vui, là sung sướng lắm.
- Thằng Thanh, thằng Luân rồi Thiện đã hi sinh đúng vào ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
- Lẽ ra ngày ấy, tôi và ông cũng đi theo đồng đội rồi. Ông Thăng bùi ngùi nhớ. Kí ức chợt hiện về.
- Thanh, Luân, Thiện! Để tao đi trước mở đường cho!
- Không được! Bọn tao cao lớn hơn, có sức khỏe hơn nên sẽ xung phong mở đường. Còn thằng Thăng, thằng Long! Chúng mày sẽ chờ bọn tao rồi cứ thế xông lên.
- Nhưng…!
- Không nhưng gì cả. Nào anh em! Tiến lên…! Một tiếng nổ vang trời và sau đó là tiếng hò reo của quân ta từ phía sau xông lên như sóng trào bão cuốn. Thanh, Luân, Thiện đã hi sinh để mở đường cho quân ta dành thắng lợi hôm ấy.
- Ông thì bị bom lấy đi một mắt trái. Ông Thăng nhìn người đồng đội ngồi đối diện mình, giọng trầm lắng.
- Còn ông thì bị xén mất bàn chân phải. Thế nhưng trong thời gian nằm dưỡng thương, biết tin thằng tướng giặc Pháp bị bắt, biết tin quân ta thắng lợi toàn diện thì sung sướng, hạnh phúc lắm. Cảm giác như thân thể mình chẳng mất mát, đau đớn gì cả.
- Thế đấy…! Ông Thăng gấp lại cuốn album rồi nhìn lên ảnh Bác đang treo trên tường, đôi mắt ông ngân ngấn nước. Cuộc trò chuyện của hai người đồng đội miên man mãi đến tận trưa. Ngoài sân, nắng đã đứng trên mấy ngọn ngọc lan trước nhà. Những chùm hoa ngọc lan đón nắng càng tỏa hương thơm ngào ngạt. Bà Hạ từ dưới bếp bước lên, hai tay bưng mâm cơm đã chuẩn bị sẵn, miệng đon đả:
- Nào! Cơm trưa đã chuẩn bị xong rồi đây. Mời hai người lính cụ Hồ dùng bữa! Ông Long khen lấy khen để và cảm ơn cách tiếp đãi nồng hậu của bà Hạ, của người bạn chiến đấu cũ. Ông Thăng xếp và đem cất cuốn album ảnh vào chiếc hòm trong phòng rồi cả hai ngồi vào mâm cơm. Không ngờ mấy chục năm sau, ông và ông Long không chỉ giữ được tình đồng chí đồng đội thân thiết mà còn là người anh em san sẻ, giúp đỡ nhau đi qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường. Tình bạn ấy đáng trân quý lắm.
- Không biết chiến trường xưa giờ thế nào rồi ông nhỉ? Cũng lâu lắm rồi, chưa được về lại. Nhớ lắm. Nhưng ngặt nỗi tuổi đã cao, sức đã yếu, đã thế, chân cẳng lại thế này. Ông Thăng vừa dùng bữa vừa nói với bạn.
Ông Long nghe, cũng bồi hồi rồi kể lại câu chuyện của ông Ân ở xã bên, hôm vừa rồi mới gặp.
- Nghe ông Ân nói, Điện Biên bây giờ khác xưa nhiều lắm. Đẹp hơn. Đổi mới hơn. Phát triển hơn rất nhiều!
- Thế thì mừng rồi. Ông Thăng gật đầu. Ông nhớ lại lần lên thăm lại Điện Biên cách đây cũng đã 5 năm.
- Biết có còn đi thăm Điện Biên được lần nữa không…? Mấy năm nay các con, các cháu đều bận công việc, lại ở trên thành phố, ít có thời gian về nhiều, nên... Ông Long ngậm ngùi. Bà Hạ ngồi bên, tóm tém cười:
- À, tôi quên mất. Chả là sáng nay đi chợ, gặp anh Hiệp, Trưởng ban Văn hóa xã, anh nói trên huyện sẽ tổ chức chuyến xe cho các bác thương binh về thăm Điện Biên vào tuần sau. Ai đi thì gặp anh ấy để đăng kí.
- Thật thế hả bà? Nếu thế… Ông Thăng đang băn khoăn thì giọng của Chiến, cháu nội của ông, hiện là kĩ sư công nghệ thông tin ở thành phố gọi vang từ đầu ngõ.
- Ông ơi, bà ơi! Cháu Chiến về đây ạ!
- Ôi trời! Thằng Chiến, cháu đích tôn của ông bà đây mà. Bà Hạ bước ra đón Chiến, Chiến vòng tay ôm lấy bà thật chặt. Chiến hào hứng bảo:
- Ông ơi, cháu được nghỉ phép 10 ngày. Kỳ này cháu sẽ cùng ông, cùng ông Long lên thăm lại Điện Biên ạ?
- Cháu nói thật chứ!
- Dạ.
- Thế thì… Ông Long… mình phải chuẩn bị dần đi là vừa ông ạ.
- Đúng rồi! Đúng rồi! Ông Long nhìn ông Thăng mừng rỡ.
Thế là bữa cơm trưa của hai người bạn già, hai người đồng đội đã may mắn trở về từ chiến trường máu lửa, hai con người đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm càng thêm thân tình, ấm cúng. Trong giọng nói, nụ cười và trí nhớ của họ, một thời Điện Biên lại hiện về lừng lẫy, oai hùng vẹn nguyên.