Truyện ngắn: Nỗi nhớ Đồng đội
Văn nghệ - Ngày đăng : 08:01, 29/04/2021
Mùa xuân năm 1975 ông Thuận trở về từ chiến trường, lành lặn và tươi rói. Ông ôm chầm lấy mẹ, trên vai áo bộ đội bạc màu tưởng như vẫn còn mùi súng đạn. Mẹ ông khóc suốt mấy đêm, cứ ôm chặt ba lô của con trai mà khóc. Ba lô không có gì ngoài bộ quần áo người đồng đội của ông đã ngã xuống ở chiến trường. Chiếc áo đã rách một miếng ở ngực, mẹ cắt vải từ áo của ông mang vá vào áo bạn cho lành. Ông thấy mẹ khóc thì bảo:
- Thôi mẹ đừng khóc nữa. Mẹ đã khóc biết bao ngày dài, biết bao đêm thẳm rồi. Giờ đến lúc mẹ phải cười lên, con về rồi, vậy là đạn bom không giết nổi con. Con còn may mắn hơn biết bao nhiêu đồng đội khác.
- Trước kia con đi biền biệt không có tin tức gì, mẹ khóc vì lo. Còn giờ, mẹ khóc vì mừng. Con cứ để cho mẹ khóc.
Ông lẩm bẩm cười:
- Mẹ khóc hoài à, sao vẫn còn nước mắt?
Minh họa: Ngọc Tâm |
Khi đó, ông hơn hai mươi tuổi, trai tráng và vạm vỡ. Trên cơ thể ông có vài vết sẹo, ở lưng, ở chân và ngay trên đuôi mắt. Ông tránh nói về chiến tranh, về những mất mát đớn đau của một thời bom đạn. Ông trở về đào ao thả cá, trồng trọt, chăn nuôi. Lặng lẽ sống lo cho mẹ và hai đứa em gái. Ba năm sau ngày trở về ông lấy vợ, sinh con. Cuộc sống tưởng cứ bình yên trôi đi thì bỗng nhiên ông phát bệnh. Ban đầu chỉ là những cơn đau nửa đầu chớp nhoáng. Nhưng sau đó, những cơn đau kéo dài và ngày càng dữ dội hơn. Mẹ ông sợ có mảnh đạn nào đó găm trong đầu con trai mình nên giục ông đi khám. Nhưng chụp chiếu đủ kiểu vẫn không thấy gì bất thường. Chỉ mình ông biết những cơn đau ấy là vết sẹo của người từng đi qua trận chiến. Vết sẹo ấy không hiện hữu trên da thịt mà hiện hữu trong tâm hồn người lính. Đôi khi càng muốn quên thì lại càng ám ảnh. Cứ nhắm mắt vào là hình ảnh những người đồng đội lại hiện ra. Ký ức như thước phim quay chậm dù lộn xộn nhưng rõ nét đến từng chi tiết…
Khánh bẻ đôi phong lương khô chia cho ông. Ông than:
- Đã khát nước ăn thứ này vào càng khát.
- Cứ ăn đi chút nữa sẽ có món giải khát.
Ông cười ha hả:
- Giữa rừng núi heo hút chỉ có muỗi vắt và bom đạn chứ có cái khỉ gì mà giải khát.
Khánh đang cười thì méo xệch vì nghẹn lương khô. Khánh lẻn đi đâu đó một lúc thì mang về mấy củ chuối quẳng cho ông nói “đặc sản đấy, ăn đi”. Ký ức nhập nhoạng một khoảng tối đen thui. Tiếng nổ vang trời, giấc mơ cũng vỡ thành ngàn mảnh. Khánh nằm trên tay ông không một lời trăn trối. Miếng bom găm vào lồng ngực trẻ. Ông thay cho bạn chiếc áo lành lặn của mình. Ông không khóc. Người ngã xuống trên môi còn nở nụ cười. Tỉnh giấc ông ngộp thở như thể sức nén của quả bom quá khứ vừa dội xuống vẫn chưa chịu lắng. Đầu ông giật từng cơn đau đớn. Không một loại thuốc giảm đau nào có thể giúp được ông. Người mẹ già nhìn con trai mình vật vã nằm co quắp trên giường. Bà mang chiếc ba lô, bên trong có bộ quần áo của đồng đội con mình. Đặt lên bàn thờ rồi thắp mấy nén nhang thơm. Bà lẩm bẩm khấn, thỉnh thoảng lại lấy tay chùi mắt. Thật ra nước mắt người mẹ già đã cạn lâu rồi. Nụ cười tươi rói ngày con trai bà trở về từ chiến trường đã không còn nữa. Dù lúc nào con trai bà cũng bảo “chiến tranh qua lâu rồi mẹ ạ. Chúng ta phải quên đạn bom đi để sống.”
Ông Thuận giờ đã ngoài sáu mươi tuổi. Những cơn đau đầu cũng đã hành hạ ông mấy chục năm trời. Chúng thường xuất hiện vào lúc nửa đêm. Khi mọi thứ xung quanh yên tĩnh thì tâm trí ông bỗng trở nên dữ dội. Ông mơ thấy mình đang nằm trong lán trại giữa rừng. Trời mưa rả rích. Ông và đồng đội đều không ngủ được. Khương bị thương ở mạng sườn vẫn chưa khỏi. Đêm đến vết thương tấy nhức nhất là mỗi lúc trở mình. Khương yêu cầu cả bọn không được kể truyện hài. Mỗi lần không nhịn được phải bật cười là đánh động cơn đau. Đời lính thường lấy nụ cười để tạm quên đi sự khắc nghiệt, nỗi đớn đau mất mát và cả lòng thù hận. Mà không được kể chuyện hài thì biết phải nói gì? Chẳng nhẽ nói với nhau về những người đồng đội vừa ngã xuống trong trận chiến vài ngày trước. Nên tất cả đều im lặng cho đến khi tiếng Du vang lên:
- Ngoài Bắc chắc là đang nắng. Người yêu em bảo “nắng xuân ngọt lịm” mấy anh ạ.
- Chú mày lãng mạn gớm. Anh chưa kịp có mảnh tình nào vắt vai đã xung phong đi nhập ngũ. Vậy mà dạo này hay mơ thấy bóng dáng một cô gái rất xinh.
- Anh có nhìn thấy rõ mặt không?
- Mờ mờ nhân ảnh thôi, lần nào cũng vậy.
- Thế mà kêu rất xinh. Ông này chỉ được cái bốc phét.
- Người trong mộng thì bao giờ chẳng xinh.
- Hay là…
- Là sao?
- Là hồn ma của một cô thanh niên xung phong nào đó đã ngã xuống trên mảnh đất này?
- Vớ vẩn.
- Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này chẳng có gì là vớ vẩn, chẳng có gì là không thể xảy ra.
Tất cả lại im lặng. Mưa ngày càng nặng hạt. Vài người phải di chuyển chỗ ngủ vì mưa dột. Gió lạnh, vài tiếng ho khan vang lên, vài tiếng thở dài chìm nghỉm. Kha nằm vờ ngủ từ đầu câu chuyện giờ mới lên tiếng:
- Sau này giải phóng mọi người sẽ làm nghề gì?
- Thì về quê với thầy u rồi cưới nàng làm vợ. Đẻ một bầy con để nghe chúng léo nhéo suốt ngày. Rừng ruộng thiếu gì. Đất nước hòa bình cứ yên tâm lao động mà sống.
- Em thì sẽ xin đi dạy học. Ước mơ từ nhỏ của em là được làm thầy giáo dạy văn. Đứng trước lũ trò nhỏ đọc những câu thơ thấm đẫm tình quê hương đất nước: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”.
- Thế thì tớ sẽ gửi con tớ vào lớp cậu.
- Anh thì chỉ mong được về quê nắm chặt tay người mình yêu đi giữa cánh đồng tràn ngập nắng tháng Tư…
* * *
Ông Thuận ngó nắng tháng Tư đang liếm dần vào giữa cửa nhà bỗng buột miệng gọi tên các đồng đội của mình. “Khánh ơi! Kha ơi! Du ơi! Đức ơi… Nắng tháng Tư đẹp lắm. Nắng vàng như cẩm thạch và ngọt thơm như mật vậy. Các cậu có ngửi thấy mùi nắng hay không?” Nước mắt ông từ từ chảy ra. Đôi lông mày nhíu lại nhăn nheo già nua khắc khổ. Người mẹ già đang ngồi nhai trầu quay sang bảo con trai:
- Hay là con đi thăm anh em một chuyến.
Vợ ông đang ngồi thái chuối phơi ngoài sân nói vọng vào:
- Đi thì phải có người đi cùng. Chứ thỉnh thoảng cứ lên cơn đau đầu như thế thì đi một mình sao được ạ.
- Tâm bệnh chẳng thuốc thang nào chữa nổi con ơi. Biết đâu vào trong đấy lại tự nhiên hết bệnh.
Ông Thuận dã dứt khỏi dòng hồi tưởng quay sang bảo mẹ:
- Con có bệnh tật gì đâu, thỉnh thoảng nhớ anh em một chút thôi mà mẹ.
- Nhớ thì thăm. Sao mà khổ sở.
- Nhưng còn ai đâu mà thăm. Đồng đội con hy sinh cả rồi mẹ ạ.
- Ừ thì… còn thì thăm nhà thăm cửa. Mà hy sinh thì thăm mồ mả.
Ông Thuận ngồi ngó nắng suy nghĩ mông lung. Cho đến khi nắng tháng Tư tràn vào đến giữa nhà thì ông quay sang nói với vợ:
- Chắc là tôi phải đi một chuyến thôi. Anh em nằm lại ở Thành Cổ Quảng Trị. Mấy chục năm qua tôi chưa một lần vào thăm để thắp cho đồng đội nén nhang thơm.
- Ông đi một mình có ổn không? Tôi thì bận chăm mấy chục con lợn làm sao đi cùng ông được.
- Bà yên tâm. Ngày xưa bom đạn ác liệt thế, lúc bị thương vẫn còn trèo đèo lội suối được. Huống hồ bây giờ xe cộ thuận tiện. Trèo lên xe ngủ vài giấc là tới thôi mà.
Nói rồi ông lại tự trách mình, thuận tiện thế sao bấy lâu nay ông không một lần trở lại. Phải chăng ông sợ gặp lại mảnh đất từng một thời đẫm máu. Từng chôn vùi biết bao giấc mơ tuổi trẻ. Từng là nỗi ám ảnh của cả một thời kỳ khốc liệt. Nhưng càng muốn quên thì ký ức càng trỗi dậy. Hay là anh em đồng đội muốn gặp lại ông? Lời ông từng hứa năm xưa rằng nhất định sẽ có một ngày quay trở lại. Có lẽ nào những giấc mơ như một lời nhắc nhở. Chiến tranh đã kết thúc lâu rồi. Bom đạn đã ngủ yên trong quá khứ. Nhưng vẫn còn biết bao anh em đồng đội chưa được về trong vòng tay của mẹ. Đối với họ thì được cùng yêu thương nắm tay đi trên cánh đồng lúa quê hương trong màu nắng tháng Tư vẫn mãi mãi chỉ là mơ ước.
Chuyến xe Bắc - Nam khởi hành lúc năm giờ sáng. Ông mang theo chiếc ba lô cũ có bộ quần áo của người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Trong lòng ông bỗng vang lên những câu thơ đau đáu lòng người: “ Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.