Truyện ngắn: Chân cứng đá mềm

Văn nghệ - Ngày đăng : 09:11, 05/08/2021

Tác giả: Thùy Dương

Tháng tám, trời chuyển sang thu. Từng cơn gió mang theo chút se lạnh lả lướt trên những ngọn cây, lang thang len vào từng góc phố, ngõ ngách. Gió thu gợi lên những hoài niệm đong đầy và cả những cảm xúc chẳng thể gọi thành tên. Thạch Thảo có nhiều kỷ niệm với mùa thu. Cái tên của cô cũng là do mẹ đặt theo một loài hoa đặc trưng của mùa thu. Cũng vào những ngày sang thu, cô đã đưa ra quyết định quan trọng, theo tiếng gọi của tình yêu, từ biệt gia đình cùng chàng bác sĩ lên vùng núi Tây Nguyên lập nghiệp. Rồi một ngày thu đẹp trời, tiếng khóc oe oe chào đời của đứa trẻ khiến cô vỡ òa trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Mỗi độ sang thu, Thạch Thảo lại lâng lâng hạnh phúc trong những ngày lễ kỷ niệm cùng chồng, con. Ấy vậy mà thu năm nay, mọi thứ đã thay đổi, tất cả niềm vui đã không còn được trọn vẹn.

Minh họa: Ngọc Tâm

Kể từ ngày Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh rồi các ca tăng dần lên, cô không còn thời gian để nghỉ ngơi. Guồng quay công việc khiến cô không biết đến cả ngày, tháng. Mà đêm hay ngày, cô cũng chẳng buồn để ý nữa. Cô chỉ nhớ đã lâu lắm rồi chưa được về nhà, được ôm hôn đứa con trai bé bỏng 4 tuổi của mình vào lòng mà hít hà tình mẫu tử. Mỗi lần cô gọi điện lại thấy thằng bé nước mắt ngắn dài đòi mẹ. Cô chỉ biết nén nỗi nhớ thật chặt vào trong mà hoàn thành tiếp nhiệm vụ. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành, người làm trong ngành y như cô đành phải bỏ lại sau lưng gia đình xung phong lên tuyến đầu, luôn có mặt ở bất cứ nơi đâu, sẵn sàng xông pha vào tâm dịch. Cô hiểu, đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm khi đã chọn nghề “lương y như từ mẫu”.
Mấy ngày trước, dòng người ở các tỉnh phía Nam hối hả ngược về Tây Nguyên, cô được tăng cường về chốt thực hiện lấy mẫu test nhanh. Cô cùng các đồng nghiệp và các tình nguyện viên làm việc xuyên đêm giải quyết sớm thủ tục cho người dân về quê. Tiếng máy nổ của các loại phương tiện, tiếng trẻ con khóc khiến đầu óc cô như quay cuồng. Nhiều lúc mệt quá, muốn ngả lưng một chút cũng không đành, bởi quanh cô ai cũng đang phải căng mình trong đêm vì khối lượng công việc quá lớn. Cô nhìn những khuôn mặt buồn bã. Mặc dù đã được che đậy bằng lớp khẩu trang nhưng đôi mắt vẫn hằn lên những lo âu, sợ hãi, cảnh giác với những người xa lạ. Cũng phải thôi, cái con vi rút được ví như kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình kia thì ai cũng phải sợ rồi. Kể cả cô, khi làm nhiệm vụ, dù đã được trang bị đồ bảo hộ kỹ lưỡng nhưng vẫn canh cánh nỗi lo. Đồng nghiệp của cô đã từng vô tình “dính” phải nó. Nó chẳng chừa bất cứ một ai. Trong dòng người kia, có ai mang mầm bệnh, có ai khỏe mạnh, cô cũng không dám chắc. Cô từng nghe mọi người trách móc những người ở vùng dịch trở về. Nhưng có được chứng kiến tận mắt những hoàn cảnh đáng thương trong dòng người ấy mới hiểu hết vì sao họ lại trở về, muốn về nhà. Cô thấy thương nhất là người vợ dân tộc Mông ôm đứa con trai mới 10 ngày tuổi. Da thằng bé vẫn còn đỏ hỏn ngoan ngoãn nằm im trong chiếc khăn. Người mẹ sinh mổ cắn nỗi đau cùng chồng, ôm con suốt chặng đường dài đi trên chiếc xe máy cũ kĩ, chẳng còn yếm che. Cô cũng từng sinh mổ, từng trải qua những tháng ngày hồi phục sau sinh. Mới 10 ngày làm sao vết mổ đã lành. Chiếc áo phao dày cộm kia có đủ ấm trong chặng đường dài với những ngày gió, mưa lạnh như đêm nay.

- Sao em không ở lại, chăm sóc bản thân và con một thời gian nữa? Cô cất tiếng hỏi.

Người mẹ cúi xuống, đôi mắt mọng nước.

- Ở lại thì lấy cái gì mà ăn hả chị, rồi còn sữa cho con nữa. Tụi e rời quê vào làm cho nhà máy giày da. Khi dịch bệnh bùng phát, nhà máy đóng cửa, vợ chồng em cũng không còn việc để làm. Tính về quê từ tháng trước nhưng đã gần tới ngày sinh, nên đành ở lại. Khi em sinh thì hai vợ chồng gần như đã tiêu sạch số tiền dành dụm được. Dịch bệnh lại càng ngày càng tăng, vợ chồng em lại không có họ hàng thân thích thì đánh liều về nhà còn có gia đình chị ạ.

Nước mắt cô chực chờ tuôn rơi. Cô đã từng xem một số đoạn video ghi lại cảnh các em bé vào khu cách ly một mình. Có em bé cũng mới chỉ 10 ngày tuổi chỉ có bà ngoại ẵm lên xe vì trước đó, người mẹ cũng đã nhiễm vi rút và phải cách ly. Sao những đứa trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc trong phòng ấm lại phải chịu đựng những điều khốc liệt này. Con vi rút thật quái ác, nó làm đảo lộn mọi thứ. Dịch bệnh đã cướp đi sự yên bình vốn có trong cuộc sống này. Nó khiến cho cuộc sống của những người nghèo càng khổ cực hơn. Một cái ôm an ủi lúc này sao khó quá. Thương đấy, xót xa đấy nhưng vẫn phải giữ khoảng cách để cả hai được an toàn. Vì đang làm nhiệm vụ, cô chỉ biết gửi hình ảnh cho vài người bạn nhờ kêu gọi giúp đỡ hai vợ chồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô được bạn bè báo tin đã có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ ủng hộ. Họ đã thuê xe ô tô chở hai vợ chồng về nhà và còn trao một số tiền để trang trải cuộc sống. Cô nở nụ cười hạnh phúc. Vi rút kia có thể đe dọa con người nhưng không ngăn được tình người ấm áp.

- Dậy thôi Thạch Thảo ơi, nhanh lên có kết quả ca dương tính ở phường X chưa rõ nguồn lây. Lãnh đạo vừa gọi chúng ta tăng cường thực hiện test nhanh kìa. Ở dưới này, giờ đã có lệnh "ai ở đâu ở đấy" nên mọi người từ các tỉnh sẽ hạn chế về, chúng ta không cần ở đây nữa.

Cô vừa đổi ca trực thiếp đi một chút thì đã bị đồng nghiệp gọi dậy. Đã lâu rồi cô không được một giấc ngủ ngon. Cứ chợp mắt một chút lại có công việc cần gấp. Bây giờ chỉ cần có chút thời gian rảnh thì ở đâu cũng là giường, nằm xuống là có thể thiếp đi ngay. Gió thu lành lạnh càng làm cô nhớ tới chiếc giường ấm áp nơi ngôi nhà yêu thương. Vợ chồng cô cùng làm trong nghành y nhưng cũng đã lâu rồi không gặp nhau vì mỗi người một nhiệm vụ. Chồng cô chủ yếu ở trong khu điều trị chữa trị cho bệnh nhân Covid–19. Còn cô được tăng cường lấy mẫu xét nghiệm. Ở cùng một thành phố mà sao khó gặp quá. Sắp đến kỷ niệm ngày cưới và sinh nhật con trai rồi không biết có được gặp nhau không. Cô quệt vội giọt nước mắt rồi vội vàng mặc đồ bảo hộ tiến thẳng về phường X.

Đến nơi, người dân cũng đã xếp hàng chờ sẵn. Lại vẫn là những khuôn mặt hoang mang, lo lắng. Ai cũng im lặng như chờ đợi điều gì đó khủng khiếp đang đến. Những người đầu tiên lấy mẫu là các em bé mới 3, 4 tuổi. Để các em bớt sợ, cô ân cần thực hiện đúng kỹ thuật nhưng cố gắng nhẹ nhàng. Các em nhỏ nhưng rất dũng cảm, ngồi yên lặng phối hợp cho cô lấy mẫu. Đến lượt một người đàn ông tầm 50 tuổi bước vào. Ông ta nhăn nhó:

- Cô mà làm tôi đau thì coi chừng với tôi đấy?

  Cô nhẹ nhàng nói:

- Chú cũng thấy rồi, cháu lấy mẫu cho các bạn nhỏ trước chú. Các bạn có khóc hay hoảng sợ vì đau đâu ạ. Chú cứ ngồi xuống cháu lấy cho ạ, cháu được đào tạo chuyên ngành mà.

Người đàn ông ngồi xuống ghế không nói thêm gì. Cô đưa que vào lấy dịch mũi, từng động tác nhẹ nhàng hết sức có thể. Vừa lấy xong, bỗng người đàn ông gạt tay cô, quát tháo ầm ĩ, buông vài lời khó nghe rồi đứng bật dậy bỏ đi ngay. Cô hốt hoảng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bởi cả tháng nay đi lấy mẫu xét nghiệm không ai trách mắng cô. Sau sự cố xảy ra, cô tự nhủ bản thân phải bình tĩnh tiếp tục thực hiện công việc. Cô tin vào tay nghề của mình. Buổi lấy mẫu tiếp diễn mà không xảy ra bất cứ chuyện gì. Lấy mẫu xong thì trời đã tối, cũng là lúc trời bất chợt đổ cơn mưa, cô và các đồng nghiệp vội vàng chụm người lại tạo thành một vòng tròn bảo vệ các mẫu lấy cuối cùng rồi mang vào thùng đựng mẫu.

Bữa cơm muộn khi ánh trăng đã chênh chếch phía đằng đông. Thấy cô không nói gì, đồng nghiệp sợ cô buồn nên mọi người động viên, an ủi. Cô chỉ cười. Cô không nghĩ về chuyện trưa nay bởi dù sao đó cũng chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Mong ước của cô bây giờ là dịch bệnh qua đi để được trở về với gia đình, về với thói quen thân thuộc của cuộc sống bình thường.

- Các cháu cho chú hỏi, ở đây ai là Thạch Thảo?. Người đàn ông mắng cô buổi trưa cầm bịch bắp luộc rón rén bước vào.

Cô ngạc nhiên quay sang trả lời: - Dạ, cháu đây ạ.

- Cháu cho chú xin lỗi nhé. Buổi trưa do chú lo quá nên hơi thái quá. Lúc đó là do tâm trạng chú không tốt chứ không phải do cháu lấy đau đâu. Các cháu vất vả sớm hôm lo cho bà con nhưng chú chỉ vì chút lo lắng của bản thân mà làm quá. Thật ngại quá!

Cô mỉm cười: - Dạ cháu không để bụng đâu chú ạ. Trong lúc này mọi người cần bình tĩnh, cùng đồng lòng thực hiện các biện pháp cũng như khuyến cáo của y tế thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng nhanh thôi chú ạ.

- Để tạ lỗi việc lúc trưa, chú có luộc mấy quả bắp đem cho các cháu ăn khuya cho khỏi đói bụng. Bắp nhà chú tự trồng đấy, sạch lắm.

- Chúng cháu cảm ơn chú nhiều ạ.

- Chiều nay chú xem trên ti vi nghe có thủ tướng viết thư biểu dương lực lượng tuyến đầu các cháu. Thủ tướng nói đúng các cháu ạ, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường phải xác định đây sẽ là cuộc chiến còn trường kỳ, nhiều gian nan. Các cháu phải nhớ lời thủ tướng tiếp tục thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái để phục vụ đồng bào nhé. Còn về phần chú sẽ bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối vào các cháu. Chúng ta có niềm tin với quyết tâm cao, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng giặc Covid-19. Thôi chú về đây, các cháu giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ nhé.

Sau cơn mưa, ánh trăng dường như lung linh hơn. Ánh trăng đẹp nhất là lúc trăng tròn, nhìn nó sáng rực cả bầu trời đêm cùng với những vì sao lấp lánh. Dưới trăng, cảnh vật bỗng trở nên sống động vui tươi lạ thường. Thạch Thảo đoán chắc có lẽ hôm nay ngày rằm. Mỗi lần mệt mỏi cô thường ngắm trăng và đêm nay trăng giúp cô cảm thấy lòng mình thư thái và bình yên đến lạ. Cô tự nhủ, ngày mai với ý chí của lực lượng tuyến đầu, "chân cứng đá mềm", cô sẽ tiếp tục xông pha vào trận chiến với kẻ thù vô hình góp sức mình tìm lại bình yên cho mọi người.