Truyện ngắn: Hồi sinh
Văn nghệ - Ngày đăng : 08:44, 19/08/2021
Toàn về đến Gia Nghĩa khi trời bắt đầu tối. Anh theo mọi người vào khu cách ly địa phương đã sắp xếp. Bộ đồ bảo hộ kín mít khiến Toàn cảm thấy nóng nực nhưng anh vẫn thở phào một hơi. Những tâm trạng vui, buồn, lo lắng đan xen nhau. Vui vì đã được trở lại quê nhà. Buồn vì những dự định chưa thực hiện được vì dịch bùng phát. Thương những người anh quen chưa thể trở về được, còn đang ở trong tâm dịch. Lo lắng không biết mình có bị lây nhiễm Covid-19 hay không. Toàn thầm mong mình không bị nhiễm để sau khi cách ly sẽ được về nhà. Anh tự động viên mình phải cố gắng tuân thủ cách ly để bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Khu cách ly vắng lặng. Toàn ở một mình một phòng cho tới khi có thêm người mới. Căn phòng trên tầng 2 nhìn xuống khoảng sân phía sau có mấy cây ổi. Xa thêm một chút phía ngoài cổng là chốt trực của các chiến sĩ công an, bộ đội và dân phòng. Trời đã sang thu. Đứng bên cửa sổ, Toàn có thể cảm nhận được hương ổi chín phả trong làn gió nhẹ. Người cán bộ y tế dặn dò Toàn những điều cần chú ý, chỉ cho Toàn những dụng cụ vệ sinh, nước rửa tay, động viên Toàn yên tâm thực hiện cách ly. Giọng nói của người cán bộ y tế đã hơi khàn. Những ngày qua là những ngày vất vả, đặc biệt là với những người ở tuyến đầu chống dịch.
Toàn nhắn tin cho bố mẹ, thông báo mình đã đến khu cách ly để bố mẹ yên tâm. Lúc thành phố Hồ Chí Minh bùng dịch, bố mẹ anh lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Ngày nào bố mẹ cũng gọi điện hỏi tình hình của Toàn, gói ghém thực phẩm gửi lên cho Toàn. Bố mẹ còn nhổ cả vườn củ cải, bầu, bí để ủng hộ người dân thành phố. Khi Toàn quyết định đi về, bố mẹ gọi điện dặn dò đủ thứ để bảo đảm an toàn trên quãng đường dài mấy trăm cây số. Mẹ dặn Toàn cố gắng tuân thủ các quy định và giữ gìn sức khỏe, hàng ngày tranh thủ gọi điện về để bố mẹ yên tâm. Toàn cười, động viên lại mẹ:
- Mẹ làm như con còn bé lắm ấy. Ở trong này đầy đủ hết, có cả các y bác sĩ hướng dẫn, theo dõi hàng ngày nữa. Bố mẹ cứ yên tâm nhé!
Phòng lạ khiến Toàn không ngủ được. Anh cứ miên man suy nghĩ mãi. Anh nghĩ đến những ngày vừa qua, nghĩ đến tương lai. Học xong cấp III, Toàn đi học nghề rồi xin việc ở thành phố. Anh định bụng cố gắng làm lụng, vừa học kinh nghiệm vừa tiết kiệm ít tiền sau này có vốn mở tiệm riêng. Nhưng dịch bất ngờ kéo đến, anh thất nghiệp. Số tiền dành dụm được hơn một năm đi làm trong những ngày dịch vừa rồi cũng đã hết sạch. Anh thở dài. Gia đình anh cũng chẳng dư dả gì, bố mẹ cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi mấy anh chị em Toàn ăn học rồi dựng vợ, gả chồng. Toàn là con út, bố mẹ để dành cho mấy sào rẫy để làm vốn cưới vợ. Nhưng Toàn còn trẻ, anh muốn dựa vào sức mình, vào đôi bàn tay của mình để làm nên. Nhưng với tình hình bây giờ… Tự nhiên, Toàn thấy một nỗi buồn bực, bức bối dâng lên trong lòng mình.
Nửa đêm, mưa sầm sập đổ xuống. Tây Nguyên đang mùa mưa nên những cơn mưa kéo đến bất ngờ và dai dẳng. Chẳng biết có phải vì mất ngủ, cộng thêm với những lo lắng trước đó hay không mà Toàn cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi, rệu rã. Toàn cố ngồi dậy, bước tới đóng cửa sổ. Anh sợ nước mưa tạt vào làm ướt phòng. Gió mạnh quá. May cánh cửa bằng gỗ chứ nếu bằng kính không chốt lại có lẽ đã bị gió đập vỡ tan. Cánh tay anh thò ra ngoài song cửa, mưa tạt vào lạnh buốt. Qua ánh chớp, anh thấy các chiến sĩ trực chốt đứng tại các góc để giữ cho lều bạt không bị gió cuốn bay. Mưa lớn thế này, chắc ai cũng ướt. Toàn thấy cổ họng mình nghèn nghẹn.
Sáng sớm, nữ bác sĩ có vóc dáng gày gò, bé nhỏ trong bộ đồ bảo hộ lùng thùng báo tin Toàn có kết quả dương tính. Toàn hoảng hốt. Anh vẫn biết mình ở nơi có nguy cơ lây nhiễm cao trở về, đã xác định trước tư tưởng cho mình mà vẫn có cảm giác chới với, hụt hẫng. Toàn sẽ được chuyển tới Bệnh xá Công an tỉnh để điều trị. Anh xách đồ bước ra xe mà như bước đi trong khoảng không vô định. Đầu óc trống rỗng. Người bác sĩ động viên anh nhưng tai anh cứ ù đi, nghe chẳng rõ. Toàn đã nhiễm bệnh và rồi sẽ ra sao đây. Anh đọc tin tức, xem ti vi cũng đã thấy những tác hại khủng khiếp của Covid-19. Liệu anh có khỏi được không? Anh mới chỉ hơn hai mươi tuổi, còn rất trẻ. Toàn thấy cổ họng mình đắng ngắt. Toàn không dám báo tin cho bố mẹ. Bố mẹ đã lớn tuổi, sợ biết tin lại lo lắng cho anh mà ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đến Bệnh xá Công an tỉnh, Toàn ở chung phòng với một bệnh nhân khác. Cậu thanh niên tên Thắng, trạc tuổi Toàn nên hai người nhanh chóng làm quen với nhau.Thắng là một người lạc quan, ít nhất cách nói chuyện cho thấy cậu là một người vui vẻ. Nghe tên Toàn, Thắng cười:
- Vậy là yên tâm rồi, hai đứa mình là Toàn Thắng. Chắc sẽ nhanh chiến thắng bệnh thôi.
Câu nói vui vẻ của Thắng khiến Toàn lấy lại được tinh thần. Anh nhìn Thắng. Bác sĩ nói anh và Thắng còn trẻ, khỏe, không có bệnh lý nền, các triệu chứng nhẹ, chỉ cần tuân thủ điều trị, giữ vững tinh thần, lạc quan thì sẽ nhanh khỏe lại. Thắng nhìn quanh căn phòng, bảo Toàn:
- Phòng này sạch sẽ, thoáng mát thật đấy. Mình nghe bác sĩ bảo là phòng đã được khử trùng rồi. Cậu xem, bọn mình còn được trang bị đầy đủ đồ dùng kìa. Mình xem nào, có cả nước uống, xà bông, xô chậu giặt đồ, ấm đun nước nữa này. Chắc là để phục vụ cho bọn mình, mọi người cũng vất vả lắm đấy.
Nhân viên y tế đưa cơm lên phòng cho mọi người. Hộp cơm còn nóng, các món ăn đầy đủ thịt, rau, trứng, canh và cả trái cây tráng miệng. Thắng nhận hộp cơm, nhỏ giọng hỏi:
- Các anh chị đã được ăn cơm chưa ạ?
Chị nhân viên y tế lắc đầu:
- Chưa em ạ. Đưa cơm cho mọi người xong, lát các anh chị mới ăn. Nhớ ăn hết nhé, rau củ là bà con các huyện gửi lên, cơm là các chị bên hội phụ nữ tình nguyện đi nấu đấy.
Toàn không có bụng dạ nào để ăn cơm. Nhưng nghe chị nói, nhìn đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ của chị, nhìn chị tất tả đi đưa cơm cho mọi người trong khi bản thân còn chưa được ăn uống gì, anh ngồi xuống, cố gắng ăn hết hộp cơm. Nếu không, anh cảm thấy mình có lỗi. Có lỗi với những người dành thời gian đi tình nguyện nấu ăn; có lỗi với những người đã nhường nhịn, chia sẻ từng mớ rau, quả trứng; có lỗi với những người đội nắng, đội mưa canh giữ các chốt kiểm dịch; có lỗi với các y bác sĩ, các điều dưỡng đã bao ngày đêm thức trắng, bao ngày xa gia đình. Toàn đọc báo, biết có những bác sĩ, có những chiến sĩ tình nguyện xung phong vào tâm dịch, ngày bố mất, mẹ mất không thể về, chỉ có thể lập bàn thờ vái vọng. Toàn không thể buông xuôi. Toàn phải bình tĩnh, cố gắng vượt qua bệnh tật. Anh không thể trở thành một kẻ yếu ớt, hèn nhát và chán nản được.
Bố mẹ thông qua tin tức trên báo mà biết anh bị nhiễm bệnh. Toàn nhắn tin về nhà, động viên bố mẹ không phải lo lắng cho mình, anh được các y bác sĩ chăm sóc tận tình, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Anh học Thắng, vui vẻ cho bố mẹ yên lòng:
- Con khỏe, mấy hôm đầu bị sốt nhẹ nhưng giờ hết sốt rồi. Đồ ăn ngon nên con ăn bằng hết, bệnh vậy chứ chẳng sút đi lạng nào đâu, bố mẹ yên tâm.
Ngày hai lần, các bác sĩ đến đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho Toàn và Thắng. Ở chung với Thắng, Toàn thấy đỡ buồn, đỡ lo lắng hơn. Những cảm xúc bức bối trong người cũng có người để chia sẻ, tâm sự. Thắng đi làm công nhân ở dưới thành phố. Dịch bùng phát, Thắng cùng mấy người bạn cùng phòng trọ thất nghiệp. Không bám trụ được, Thắng và bạn quyết định về quê. Thắng bảo, bạn Thắng quê ở tận miền Trung, đường về nhà xa lắc. May lúc đi làm nhịn ăn, nhịn mặc dành dụm mua được cái xe máy cũ nên lúc về còn có xe mà chạy. Mấy người trong khu trọ của Thắng còn đạp xe đạp mấy trăm cây số để về nhà. “Nhưng mà cũng may, bạn mình nhắn tin kể trên đường về nó nhận được sự giúp đỡ của mọi người là những chai nước, hộp cơm, trái bắp luộc, hộp sữa tươi. Bởi vậy mà có thêm động lực, đường về nhà cũng bớt xa hơn”.
Đêm thao thức chẳng ngủ được, Thắng hỏi:
- Hết dịch, cậu có định quay lại thành phố không?
Toàn nhìn lên trần nhà, mông lung suy nghĩ. Một hồi lâu mới khẽ đáp:
- Có lẽ là có. Mình muốn học hỏi thêm tay nghề cho vững và dành dụm được ít vốn rồi mới về lại quê mở tiệm. Chẳng biết đến bao giờ mới dành dụm đủ nhưng bọn mình còn trẻ, còn cơ hội mà. Còn cậu thì sao?
- Mình có lẽ sẽ ở lại quê thôi. Mình nghe mấy đứa bạn bảo tỉnh mình bây giờ có các chính sách, nguồn vốn cho thanh niên phát triển kinh tế. Mình định vay vốn rồi đầu tư vào mấy sào rẫy của nhà. Cũng tiện để chăm sóc bố mẹ nữa. Cậu cứ học thêm và dành dụm, chưa đủ tiền thì về vay vốn xem. Hôm nay cậu còn thấy đau đầu nữa không?
- Mình đỡ rồi. Chắc bọn mình cũng sắp khỏi rồi đấy. Mình thấy hai hôm nay mình khỏe hơn nhiều rồi.
Những câu chuyện cứ tiếp nối trong đêm cho đến khi cả hai chìm dần vào giấc ngủ.
Ngày thứ 21, bác sĩ thông báo cả Toàn và Thắng đều đã khỏi bệnh, được xuất viện. Chẳng hiểu sao mà lúc nghe thông báo, Toàn và Thắng nhìn nhau cười mà khóe mắt rưng rưng. Các bác sĩ cũng không giấu được xúc động. Qua lớp kính chắn giọt bắn, Toàn thấy có những giọt nước mắt đã rơi. Giọt nước mắt của hạnh phúc của các thiên thần áo trắng khi cứu được bệnh nhân khỏi Covid-19.
Toàn đi về nhà. Trong lòng anh có biết bao cảm xúc chẳng thể nói thành lời. Anh và Thắng đã hẹn nhau sẽ tự rèn luyện, tăng cường sức khỏe để hết thời gian tự cách ly tại nhà cả hai sẽ cùng đăng ký tham gia tình nguyện phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. Toàn khẽ mỉm cười khi anh nhìn thấy trên con đường về nhà mình, hàng cây vươn mình trong nắng, xanh ngát cả một miền thương.