Truyện ngắn: Bánh đúc có xương

Văn nghệ - Ngày đăng : 08:29, 14/10/2021

Tác giả: Đào Thu Hà

Con bé đáp lại nụ cười của Hiên bằng đôi mắt sợ hãi cố nép mình vào sau ô cửa mờ mờ tối. Cả thân hình nó co rúm lại trong một nỗi sợ hãi mơ hồ của trẻ con, mà cũng chưa chắc đã là nỗi sợ hãi mơ hồ. Hiên đang đứng đây, bên cạnh bố nó và cúi xuống nhìn nó, làm quen với nó một cách thân thiện nhất có thể. Nhưng dù gì, Hiên cũng là dì ghẻ. Cái tiếng “dì ghẻ” từ ngàn đời nay có bao giờ gợi lên được điều gì thông cảm, thương mến hay dễ chịu đâu.

Mới chập tối thôi, vậy mà từ nhà hàng xóm bên cạnh, tiếng đưa võng ru con đã vọng sang. Tiếng ru não nề, ủ ê và có chút gì đó mai mỉa. Tiếng ru xoáy vào tai, chảy thẳng vào mạch máu tạo cảm giác tê tê rần rần đỏ trên gương mặt Hiên: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”... Hiên khựng lại. Ký ức của những ngày thơ bé theo tiếng ru con không biết là vô tình hay cố ý ùa về.

Mẹ Hiên bỏ đi khi Hiên còn đang ẵm ngửa. Bố không bao giờ nói lý do mẹ bỏ đi và Hiên cũng không bao giờ hỏi. Kể cả sau này khi Hiên đã lớn và mẹ tìm về, Hiên cũng không bao giờ hỏi mẹ rằng tại sao mẹ lại bỏ đi. Nhưng các cô chú bên nội thì không cần hỏi cũng nói. Họ bảo mẹ Hiên chê bố nghèo nên bỏ đi theo một người đàn ông giàu có. Chẳng biết các cô chú nói đúng hay đặt điều về mẹ, Hiên vẫn im lặng. Nếu đúng là như vậy thì cũng không sao. Hiên không cảm thấy ghét mẹ. Sống trong hoàn cảnh như vậy, Hiên trở nên già trước tuổi. Từ lúc bé tí, Hiên đã nghĩ rằng con người ta ai cũng mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Nếu sống bên bố không hạnh phúc thì mẹ có quyền bỏ đi để tìm hạnh phúc cho mình. Hiên chỉ hơi buồn rằng mình không có được một gia đình trọn vẹn như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng chưa bao giờ Hiên thể hiện nỗi buồn ấy ra bên ngoài. Cuộc sống của một đứa trẻ không có mẹ đã khiến cô trở thành một người bướng bỉnh và che giấu nội tâm của mình cực tốt. Nếu không như thế, cô sẽ phải nhận những ánh mắt thương hại của những người họ hàng và của những người hàng xóm, thậm chí là bè bạn. Điều đó thì Hiên không bao giờ muốn.

Năm Hiên lên mười, bố đón dì về. Hiên nhớ rõ lắm. Hôm ấy là một ngày nắng như đổ lửa. Dì bước chân vào nhà Hiên đúng vào giữa trưa. Không mâm cơm ra mắt họ hàng cũng chẳng có miếng trầu chén nước nào cả, dì như một người theo không bố. Ấn tượng đầu tiên của Hiên về dì là một người đàn bà đen đúa, gầy gò và khắc khổ, lam lũ. Dì cầm túi quần áo cũ, chiếc nón mới trắng lóa sùm sụp che kín nửa khuôn mặt. Dì ngượng ngập đến mức vào đến nhà rồi mà vẫn không chịu cởi chiếc nón ra làm cho bố phải gắt lên:

- Trong nhà có nắng đâu mà cứ đội nón sùm sụp mãi thế?

Hôm dì bước chân về làm vợ bố Hiên, hàng xóm bên cạnh cũng ru con vào lúc giữa trưa: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Tiếng ru vọng sang khiến Hiên có cảm giác người dì co rúm lại, bẽ bàng và tủi hổ. Nhưng dì gượng cười, đưa mắt âu yếm nhìn Hiên. Đáp lại thái độ “cầu thân” ấy của dì, Hiên đã lạnh lùng quay mặt đi, đánh ánh mắt nhìn sang hướng khác.

Minh họa: Ngọc Tâm

Hiên không hiểu sao dì lại chấp nhận lấy bố. Kể từ sau khi mẹ bỏ đi, bố trở thành người đàn ông cộc cằn thô lỗ và nát rượu. Bố say xỉn triền miên qua ngày tháng. Mà rượu vào thì lời ra và động chân tay. Dì cam chịu chấp nhận những lời mắng chửi cay nghiệt và những trận đòn của bố. Chấp nhận cả thái độ lạnh lùng đến hỗn hào, xấc láo của Hiên. Hiên không thích dì, mặc dù dì không làm gì sai với Hiên, thậm chí còn chăm bẵm Hiên hơn cả bố. Giờ nghĩ lại, Hiên vẫn không hiểu tại sao ngày ấy Hiên lại đối xử với dì như thế. Có thể là hình ảnh những mụ dì ghẻ trong những câu chuyện cổ tích đã khiến Hiên có ác cảm với dì hay là câu hát ru con của người hàng xóm đã ám ảnh Hiên? Chỉ biết bây giờ nhìn lại, Hiên thực sự thấy xót xa và thương dì vì những năm tháng phải chịu đựng bố và Hiên như thế.

Bây giờ thì Hiên cũng đang ở hoàn cảnh giống như dì. Chỉ khác một chút là con bé của chồng Hiên nhỏ hơn cô ngày ấy. Nó mới có năm tuổi. Mẹ nó cũng bỏ đi từ khi nó còn ẵm ngửa. Không phải vì bố nó nghèo mà vì mẹ nó mê muội trong tình yêu với một người đàn ông khác. Hiên làm cùng cơ quan với bố nó, vài lần đến nhà chơi, thấy cảnh bố nó gà trống nuôi con tội nghiệp, rồi từ tội nghiệp chuyển sang yêu và quyết định cưới lúc nào không biết. Hiên quyết định cưới bố nó dù bao nhiêu người ngăn cản. Họ hàng và cả dì nữa nói rằng Hiên có nhan sắc, có công việc ổn định, lấy đâu chẳng được chồng, việc gì phải đâm đầu lấy một người từng qua một đời vợ rồi sau này lại con anh con tôi, con chung con riêng cho phức tạp. Nhưng mặc, Hiên đã quyết định thì không ai có thể cản được.

Hiên đẹp. Cô ý thức được sắc đẹp của mình. Khi cô vừa bước vào tuổi thiếu nữ, dì đã không giấu được ánh mắt ghen tị nhìn Hiên:

- Con đẹp lắm! Con rất giống mẹ.

Hiên nhận thấy sự xót xa trong lời nói của dì. Cô cầm bàn tay đen đúa, gầy gò rặt những xương của dì, hỏi cái điều mà cô thắc mắc từ lâu:

- Sao dì lại chấp nhận lấy bố?

Ngực dì gầy nhô lên vì cố nén tiếng thở dài căng tức:

- Dì còn sự lựa chọn nào khác. Lúc ấy dì cũng đã gần ba mươi. Dì lại không có nhan sắc. Dì đánh cược với số phận để có một đứa con. Vậy mà...

Dì bỏ lửng câu nói. Do hậu quả của rượu, dì về với bố được mấy năm thì bố nằm một chỗ. Cơm cũng còn phải bón chứ đừng nói đến việc ngồi dậy mà làm gì được. Dì tránh được những trận đòn, những lời chửi mắng vì rượu nhưng dì lại phải hầu hạ một người không còn khả năng chăm sóc bản thân mình. Và mong ước có một đứa con của dì cũng không thể thành hiện thực. Hiên hỏi dì:

- Sao lúc bố con bị bệnh nằm một chỗ dì không bỏ đi?

Dì cười buồn, lắc đầu:

- Ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa, bỏ đi sao đành con.

Dì không nói nhưng Hiên biết còn một lý do nữa khiến dì không bỏ bố là vì Hiên. Dì mà bỏ đi chắc chắn Hiên sẽ phải nghỉ học về để làm lụng và chăm sóc bố. Tình cảm của dì dành cho Hiên như vậy nhưng khi mẹ về tìm Hiên, dì không một lời trách móc hay ngăn cản Hiên gặp mẹ. Dì bảo:

- Dù sao cũng là mẹ của con. Một giọt máu đào hơn ao nước lã con ạ.

Mẹ vì chê bố nghèo mà bỏ đi. Mẹ không gắn bó lâu dài với bất cứ một người đàn ông nào nữa vì sợ ràng buộc và sợ phải sinh những đứa con trong cảnh nghèo khó. Nhưng rồi đi gần hết cuộc đời mẹ vẫn trắng tay. Một thân một mình mà vẫn chẳng có tiền. Mẹ về nhanh rồi đi cũng nhanh. Chẳng kịp tâm sự hay dặn dò gì Hiên cả. Nhìn mẹ tiều tụy lắm, có lẽ nhan sắc tàn phai đã khiến mẹ không thể cặp với những người đàn ông giàu có nữa. Nhưng trở về, thấy bố nằm liệt một chỗ, thấy dì chăm sóc bố, mẹ lại quyết định ra đi. Lúc lên xe, mẹ ngập ngừng cầm tay Hiên, lắp bắp:

- Mẹ xin lỗi...

Xe chạy, Hiên chỉ kịp dúi vào tay mẹ túi trứng luộc và một ít tiền. Tiền dì cho Hiên may quần áo mới trước khi ra thành phố nhập học. Dì bảo:

- Ở quê ăn mặc đơn giản, vá víu sao cũng được. Ra thành phố đi học cũng phải sắm bộ đồ cho tươm tất để đỡ tủi con ạ. Con lại xinh đẹp thế, bao nhiêu người chú ý, không thể xuề xòa như ở nhà được.

Lúc cầm số tiền ấy, Hiên nhìn miếng vá trên vai áo dì mà mắt rưng rưng. Cô vội quay mặt đi. Cô không muốn ai nhìn thấy mình khóc.

Lúc Hiên quyết định lấy một người đã có một đứa con riêng làm chồng, dì hoảng hốt:

- Sao con dại thế? Xinh đẹp, nghề nghiệp ổn định như con lấy đâu chẳng được chồng.

Hiên không trả lời dì. Cô muốn nói với dì rằng cô yêu người đàn ông ấy vì anh hiền lành, ngơ ngác đến tội nghiệp. Ngơ ngác đến mức vợ bỏ đi mấy năm trời rồi mà vẫn còn đau khổ. Vậy nên cô muốn xoa dịu những đau khổ ấy. Rằng nhìn con bé con ấy cô thấy thương như cô ngày xưa lủi thủi không có mẹ. May mà có dì. Cô cũng muốn như dì, mang lại chút ấm áp cho con bé ấy. Nhưng cô không nói. Cô chỉ tựa đầu vào vai dì và mỉm cười. Vậy mà dì cũng hiểu. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm bước chân về làm vợ bố, Hiên mới thấy nụ cười của dì nhẹ nhõm đến thế.

Con bé vẫn nhất định cố thủ không ra. Nó có vẻ đã mệt mỏi. Khuôn mặt lấm lem vì nước mắt. Hiên bước vào chỗ sau cánh cửa, mặc còn bé giãy nảy lên phản đối, cô vẫn bế xốc nó lên, đưa nó ra bể nước rửa mặt. Chồng nhìn cô bằng ánh mắt ái ngại:

- Thôi kệ nó em ạ. Chắc nó vẫn lạ, cứ để vài hôm nữa cho nó quen.

Hiên bặm môi, lắc đầu. Con bé có vẻ đã mệt quá nên để mặc Hiên muốn làm gì thì làm. Cô tắm rửa, thay quần áo cho nó xong rồi lấy cơm cho nó ăn. Đôi mắt con bé vẫn ánh lên cái nhìn hơi phân vân nhưng đã bớt nghi ngại. Hiên khẽ mỉm cười. Con bé bướng bỉnh rồi cuối cùng cũng sẽ hiểu ra thôi. Những yêu thương và tình cảm chân thành không cần phải nói nhiều, không cần phải tỏ vẻ. Thời gian sẽ làm cho những tình cảm đó trở nên rõ nét. Như cô với dì ngày trước.

Con bé thiu thiu ngủ. Hiên cúi xuống hôn lên đôi má bầu bĩnh của nó. Ai bảo dì ghẻ không thương con chồng?