Phía nào sương thôi rơi
Văn nghệ - Ngày đăng : 08:59, 12/11/2021
Mỗi truyện ngắn trong tập sách là một nét vẽ với gam màu đặc biệt, đặc trưng của riêng tác giả để tạo nên bức tranh Tây Nguyên đầy màu sắc. Ẩn sâu trong những truyện ngắn là những trăn trở về cuộc đời, kiếp người trong cuộc sống hiện đại nhiều cám dỗ, về sự giằng co giữa bảo tồn, gìn giữ, hòa nhập của từng phận người, của văn hóa truyền thống trong các buôn làng với cuộc sống hào nhoáng, nhộn nhịp nơi phố thị. Tất cả như đan xen vào nhau như chính tâm tư của mỗi người vậy, sự giằng co giữa lí trí và tình cảm, giữa cái xấu và cái tốt, bản chất con người Tây Nguyên lột tả hết trong các truyện ngắn ấy. Bản sắc dân tộc đã được chị thể hiện qua những câu chuyện hết sức bình dị của người đồng bào Ê đê. Giọng văn mộc mạc, giản dị và rất gần gũi. Không phải ai được sinh ra trên mảnh đất ấy, mang dòng máu của dân tộc mình đều có thể viết được những câu chuyện như vậy. “Đã hơn mấy mùa trăng trôi qua, ngôi nhà dài của mí Loan như có đám, bếp lửa giữa nhà cứ im hỉm không muốn hừng cháy, khoai không thèm vùi vào đống tro nóng. Chiếc gùi mây nằm lăn lóc trong góc nhà. Cầu thang bảy bậc vững chắc được đẽo gọt công phu từ cây gỗ cà chít vừa bằng một vòng tay ôm không có ai bước lên...”. Mỗi truyện mà nhà văn viết là lời thì thầm, tâm tình của tác giả và gợi ra câu hỏi mở, để từng người đọc như tự tìm câu trả lời và có kết thúc cho riêng mình.
Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk (giữa) trong buổi giới thiệu tập truyện ngắn "Phía nào sương thôi rơi" |
Nhà văn Niê Thanh Mai luôn tâm niệm với mỗi truyện ngắn, những đứa con tinh thần mà mình sinh ra, gửi gắm vào đấy là khát vọng để mọi người đọc nhìn thấy được, người dân Tây Nguyên luôn vận động không ngừng, đặc biệt là những truyện mà nhà văn viết về buôn làng, người dân quê nhà của cha rất mộc mạc, giản dị, tất cả đều tự nhiên và không hề gượng ép trong các câu chuyện. Chị mang hơi thở của Tây Nguyên về thành phố, đi khắp nơi để giới thiệu về bản lĩnh của người Ê đê, về hơi thở cuộc sống của Tây Nguyên được lột tả qua từng truyện ngắn, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, ý nghĩa và có giá trị, tinh thần dân tộc cao.
Mỗi người có một thế mạnh riêng, có những nhận xét, cảm nhận về những câu chuyện trong tập truyện mới ra mắt của nhà văn Niê Thanh Mai. Nhưng với riêng tôi, từ những gì chị đã làm được tại buổi giới thiệu sách, mời được những diễn giả nổi tiếng của Hà Nội vào dự, chia sẻ những đánh giá, cảm nhận về tác phẩm, về con người, phong cách của nhà văn trẻ đã thấy được tâm huyết chị dành cho mảnh đất, vùng quê, con người mình đang sống và đặc biệt là dòng máu Ê đê đang chảy trong con người chị. Chị muốn đưa Tây Nguyên đến với thành phố để mọi người gỡ bỏ cái quan niệm lạc hậu đã tồn tại bao lâu rằng, Tây Nguyên nghèo nàn, lạc hậu. Tất cả suy nghĩ ấy, chị muốn độc giả, những con người nghĩ về Tây Nguyên phải thay đổi, Tây Nguyên nay đã đổi mới, năng động, nhiệt huyết và tràn đầy sức sống hơn rất nhiều.
Từ tiếng thổn thức nơi đáy lòng, tinh thần dân tộc thiêng liêng, đặc biệt là tình yêu với nơi sinh ra và lớn lên, nhà văn Niê Thanh Mai đã khẳng định tinh thần dân tộc, tính cầu tiến, muốn gỡ bỏ cái lạc hậu, những tập tục không còn phù hợp qua các truyện trong tập “Phía nào sương thôi rơi”. Độc giả đọc tập truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai sẽ cảm nhận về cuộc sống, con người Tây Nguyên thời đại mới.