Cái chết
Văn nghệ - Ngày đăng : 08:29, 15/04/2022
Thuận run rẩy, đôi mắt hắn đỏ lừ như đôi mắt con thú dữ, miệng hắn lắp bắp mãi không cất nên lời. Bỗng chốc, hắn rú lên “không, không phải sự thật”. Nhưng sự thật là mẹ hắn đã qua đời, hắn hoảng hốt.
Những người có mặt, không khỏi xót xa trước tình cảnh éo le của Thuận. Nhưng trong đám đông ấy cũng không thiếu những lời xì xào, bàn tán quanh cái chết của bà cụ, kèm những tiếng thở dài "khổ, rõ khổ, sống khổ, chết khổ.”
Người ta tìm thấy một lá thư khá dài, những nét chữ tròn trĩnh, nắn nót chất chứa bao tâm tư.
“Gửi con trai yêu quý của mẹ. Xin lần cuối mẹ được gọi con như thế. Lúc này đây, mẹ thực sự nghĩ đến cái chết. Chết đi sẽ thấy thanh thản hơn. Cái chết - suốt 70 năm qua, có lẽ đã không ít lần mẹ nghĩ đến cái chết. Lần đầu tiên là khi mẹ biết mẹ có con. Thời ấy, chuyện không chồng mà chửa thật là đáng khinh bỉ, mẹ bị coi thường,... Ông ngoại đã từng đánh đập và đuổi mẹ ra khỏi nhà. Giữa vô vàn những nỗi đau, tâm can mẹ như bị cắt ra từng mảnh. Người ta không hề biết rằng, mẹ cũng là một người đàn bà - một người đàn bà yếu đuối. Mẹ cũng khao khát hạnh phúc và mẹ cũng thèm muốn mình có một đứa con. Mẹ đã từng nghĩ rằng liệu mình có thể sống sót không. Nhắm mắt lại, nhiều lần mẹ đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng điều gì đã khiến mẹ sống mà còn sống mãnh liệt hơn, bởi lẽ con là cuộc sống của mẹ. Mẹ phải sống để cho con được sống.
Mọi thứ thật không dễ dàng, mọi quyết định dù đúng hay sai đều có thể dẫn đến những hậu quả mà ta không thể lường trước được. Con biết không, mẹ đã luôn tự trách bản thân kém cỏi nên sinh con ra trong một gia đình không trọn vẹn, sinh con ra mà con không được đón nhận và yêu thương như bao đứa trẻ khác. Nhưng con của mẹ, mong con hãy hiểu rằng mẹ yêu con bằng tất cả những gì mẹ có. Mẹ nhớ mãi về cái ngày xa xôi ấy, con đến bên mẹ như một vị cứu sinh, con đã cứu lấy cuộc đời mẹ. Con đã mang đến những niềm vui, những hy vọng cho cuộc sống đầy đau thương của mẹ.
Có lần, con bị ốm rất nặng, khi ấy con như một chú chim non run rẩy trong gió bão. Mẹ bật khóc ôm con vào lòng cầu nguyện, cố mớm cho con những giọt sữa ấm nóng từ cơ thể của mẹ, rồi một mình bế con đi đến trạm xá trong đêm tối. Cuối cùng, con của mẹ đã khỏe lại. Ngày ấy, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, thiếu từ cái ăn đến cái mặc. Nhưng ơn trời, trời đã cho mẹ sức khỏe để hằng ngày mẹ làm việc hăng say và quên hết mệt mỏi. Những khi đi làm đồng mẹ đèo con trên lưng, những buổi làm đầy sương lạnh, nắng gió, mẹ để con ngồi trong thúng, con nghịch ngợm, nhún nhẩy, trong nắng chiều bóng mẹ con mình như đang nhảy múa. Một bên là con, một bên là củ mỳ, bụng mẹ réo lên từng hồi, đôi vai gầy của mẹ thêm nặng trĩu, mồ hôi mẹ ứa ra ướt đầm nhưng nhìn con cười mà mẹ quên hết mệt mỏi.
Nghĩ về những lúc con thơ dại, mẹ lại nghĩ ước gì con đừng lớn để con mãi là cậu bé vô tư, hồn nhiên của mẹ ngày nào. Nhưng không, đó là quy luật của cuộc sống. Càng hiểu chuyện con lại càng thêm buồn, nét buồn hiện rõ trên đôi mắt thơ ngây của con. Những lời ác ý, những mặc cảm cuộc sống đã ảnh hưởng đến tâm hồn non nớt của con. Mẹ hiểu điều ấy, nhưng mẹ bất lực. Mẹ chỉ biết ôm con vào lòng, vuốt ve và xin lỗi. Rồi con của mẹ cũng lớn, con trầm tính, ít nói, vẻ nhút nhát nhưng con ngoan ngoãn và hiền lành, mẹ mỉm cười mãn nguyện, đời mẹ chỉ cần thế là đủ rồi.
Nhưng bi kịch xảy ra từ khi nào vậy con?
Có phải lỗi vẫn là tại mẹ không con?
Nếu ngày ấy mẹ không ngăn cản con đến với tình yêu của con chỉ vì những lo sợ của mẹ. Nếu mẹ không mai mối cho con người vợ bây giờ. Có lẽ, cuộc đời của chúng ta sẽ khác. Mẹ hối hận rồi con à. Vợ của con, người đàn bà thứ hai đến bên cuộc đời con sau mẹ. Hai người đàn bà không hòa hợp, khi mâu thuẫn xảy ra, mẹ nhìn thấy những lo lắng của con. Mẹ đã nghĩ ra ở riêng sẽ tốt cho con, dù người đời vẫn rỉ tai nhau vẻ chế giễu “ai đời có một mẹ một con thì ra ở riêng làm gì”. Nhưng có vẻ, ông trời luôn muốn trêu ngươi mẹ. Vợ con vẫn luôn khó chịu, hằn học với mẹ. Cuộc sống của mẹ thực sự rơi vào bế tắc. Nhưng điều mẹ lo lắng nhất là hễ mẹ và nó cãi nhau nó lại lấy cái chết ra để đe dọa con.
Nhưng mẹ vẫn tin vào con. Mẹ tin con mẹ vẫn biết đúng sai, phải trái. Nhưng đến hôm nay thì mẹ biết mẹ sai thật rồi. Có lẽ, cái sai của mẹ là đã cố gắng sinh ra con, để con phải gánh chịu những bất hạnh. Suốt 40 năm từ lúc có con đến bây giờ cho dù người đời có cay nghiệt với mẹ bao nhiêu thì vẫn có con là niềm tin, là động lực của mẹ. Nhưng hôm nay sau khi con thốt lên những lời đầy vẻ oán trách mẹ. Con nhẫn tâm bỏ lại mẹ một mình mà đi thì mẹ biết mẹ sai thật rồi, mẹ thấy đau đớn. Lần đầu tiên, mẹ thấy đau đớn như thế, tim mẹ đau lên từng nhịp một. Mẹ không tin những điều đang xảy ra trước mắt mẹ và mẹ muốn được giải thoát.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Con trai yêu của mẹ. Ngay cả đến lúc này đây mẹ vẫn muốn gọi con như thế. Khi con biết mẹ không còn trên thế gian này, chỉ mong con sẽ sống tốt hơn. Hãy dạy dỗ những đứa cháu của mẹ nên người. Hãy luôn tin rằng mẹ mãi yêu con và sẽ luôn tha thứ cho con. Vĩnh biệt!”
Thuận hét lên rồi gục đầu vào người mẹ, hắn muốn khóc nhưng nước mắt lại chẳng thể rơi, nó vón cục, đặc quánh nơi tròng mắt. Hắn nhớ, ngày nhỏ có lần hắn đã khóc khi bọn bạn châm chọc vì mặc chiếc áo cũ rách khi đến trường. Hôm sau, hắn đi học về đã thấy mẹ mua cho hắn một chiếc áo mới, hắn cười tươi sung sướng, nhưng không biết rằng mẹ đã bán mái tóc của mẹ để đổi lấy áo mới cho hắn. Hắn thấy tim mình nhói đau, hắn thấy khinh bỉ chính bản thân mình. Lúc này đây, hắn mới cảm nhận được mất mẹ đau đớn đến nhường nào. Sao đến tận lúc này, hắn mới cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng?
- Thế con vợ mày đâu rồi? – câu hỏi dồn dập của những người lớn.
- Hắn vẫn không trả lời.
Hắn nhớ lại lúc ban sáng:
- Có chuyện gì mà thẫn thờ thế? - giọng vợ hắn khá cộc lốc.
- Bà già chết, bà già tự vẫn… giọng hắn lắp bắp.
- Ối giời, làm sao mà chết được, chắc lại định rung cây dọa khỉ thôi! Giọng vợ hắn vẫn luôn cay nghiệt như thế.
Chỉ đến bây giờ khi nghĩ lại, hắn mới thấy những gì đã xảy ra như những mảnh vỡ của chai rượu thủy tinh, nó cứa vào da thịt khiến người ta ứa máu, kèm đau đớn, xót xa và ghê tởm.
Vợ hắn không phải người phụ nữ đoan trang, cũng chẳng phải người phụ nữ xinh đẹp. Nhìn chung ả bình thường, ả cũng ít học như hắn. Cả ả và hắn đều sớm bước chân vào cuộc sống mưu sinh. Mười bốn, mười lăm tuổi đã chân ướt, chân ráo đi làm xa nhà. Hắn nói hắn thương mẹ nên muốn đi làm kiếm tiền giúp mẹ đỡ khổ. Nhưng thực tế, hắn rất sợ học, nghĩ đến học là hắn thấy đau đầu, công việc chân tay khiến hắn thấy đầu óc thoải mái hơn. Ả cũng vậy, cả gia đình nhà ả chẳng coi trọng việc học hành, bởi bố ả quan niệm “chỉ có thiếu cái ăn mới chết, chứ dăm ba cái chữ thấy nó chả để làm gì”. Và thế là chị em nhà ả chỉ học đến lớp 3, lớp 4 đã nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ làm nông, mò cua, bắt ốc kiếm tiền. Lớn lên một chút thì đến thành phố làm thuê, làm mướn. Ả đúng vẻ được việc vì ả khá khỏe khoắn và chăm chỉ.
Ngày lấy hắn ả mới 18 tuổi, tuy ít tuổi nhưng ả ta rất trải sự đời, trông có vẻ khá già dặn so với tuổi thật của ả. Mẹ hắn lấy làm phấn khởi lắm, ừ thì cũng nghèo nghèo như nhau, vất vả từ nhỏ, dễ thông cảm nhau hơn. Thế nhưng, như người ta vẫn nói “số phận đã an bài”. Như ông thầy xem tướng số đã từng nói với bà cụ “số cô sẽ khổ đến lúc chết”. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Đứa con dâu bà hài lòng, thực ra là một kẻ hết sức bỗ bã, ả không biết đối nhân xử thế. Cái khuôn mặt luôn câng câng khó bảo. Những năm đầu tiên, cuộc sống cũng khá ổn, bởi vì hắn vẫn đi làm đều thu nhập không cao nhưng cũng đủ chi tiêu dư giả so với vùng quê.
Nhưng thời buổi kinh tế bắt đầu khó khăn, việc làm ngày một ít đi, thu nhập cũng kém hẳn, lại thêm khoản rượu chè làm ả không hài lòng. Kể từ hôm, hắn đi làm bỏ về giữa chừng vì cãi nhau với quản lí xưởng, lại chứng kiến trận cãi vã giữa mẹ và vợ hắn thì mọi thứ trong hắn như sụp đổ.
- Ối giời, bà tưởng cái thằng con trai nhà bà nó quý hóa lắm à. Cái thằng không cha ấy, tôi dại tôi với đâm đầu vào ấy chứ - ả vợ lớn tiếng.
- Nó đã làm gì mà mày nói nó như thế, hoàn cảnh không phải do nó tạo ra, nó cũng cố gắng nhiều rồi – mẹ hắn vẻ bực bội.
- Hả, nó làm gì á, nó chả làm gì cả, nó chỉ hơi vô dụng, rượu chè be bét tí thôi, tại bà nên nó mới như vậy. Người ta bảo con hư tại mẹ chớ có sai, đúng là mẹ nào con nấy vô dụng quá thể!
Hắn nghe vợ nói vậy, tối sầm mặt mũi, lao vào quát to “mày nói cái gì hả, mày ăn nói mất dạy thế à, này thì..." hắn tát vào mặt vợ đánh bốp. Ả khóc bù lu bù loa, rồi ả đập đầu vào tường lia lịa, ả bảo ả chết vất đi cho đỡ khổ. Hắn tái mặt khi thấy máu ứa ra từ đầu cô vợ. Ca cấp cứu đã thành công, ả đã sống. Nhưng hắn lại thấy mình như bị chết lâm sàng, hắn mệt mỏi, đầu óc hắn quay cuồng giữa mớ tòng bong. Bên nhà vợ hắn, hai ông bà la lối, chửi vào mặt hắn, rằng là vì hắn mà suýt con gái họ phải chết. Hắn thật không biết nói gì hơn, hắn chỉ là nhất thời nóng giận thôi mà, vậy mà không ai hiểu cho lòng hắn. Kể từ đó, hắn cũng chẳng còn tha thiết công việc, hắn uống rượu nhiều hơn. Thế quái nào mà dù say rượu đến bí tỉ, đầu đau như búa bổ thì hắn vẫn luôn nghe thấy những lời cãi vã giữa mẹ và thị như cơm bữa, lọt vào tai khiến hắn đến phát điên. Hắn cứ sống lay lắt như thế qua ngày, ngó lơ mẹ và vợ hắn, thậm trí hắn tự coi mình là người vô hình trong gia đình.
Cho đến một ngày, lúc này vợ hắn đang mang bầu đứa con thứ ba. Vẫn trong cơn say, hắn thấy vợ kêu lên ầm ĩ “ới làng xóm ơi, bà già giết tôi, giết cả con tôi”. Hắn choàng dậy lao ra thì thấy hai người đàn bà đang nằm lăn lóc dưới sân, máu từ người ả tứa ra, vậy là cái thai trong bụng ả không còn nữa. Hắn tối sầm mặt mũi quát vào mặt mẹ hắn “bà già ơi, tôi khổ quá, bà không thể nhẫn nhịn được một tí à, vợ tôi nó đang bầu, vậy mà …, bà đã vô tình giết chết con tôi, giết chết cháu bà rồi bà biết không!”. Ông bố vợ hắn từ ngoài chạy vào chẳng rõ đầu đuôi, lão giơ tay tát bà cụ một cái như trời giáng. Sau sự việc cả nhà hắn bỏ đi hết, hắn cũng dắt con mà đi. Dù bà lão có khóc lóc, van xin.
Mẹ hắn đã chết, chết mà không nhắm mắt, hắn thấy bản thân đầy tội lỗi. Phải, hắn chẳng làm được việc gì ra hồn, hắn luôn co mình giữa bất hạnh, mặc kệ cho số phận và luôn sợ hãi trước cuộc sống. Những suy nghĩ cứ nhảy múa, giày vò đầu óc hắn, nhưng tiếng khóc của đứa con gái lớn làm hắn sực tỉnh “bà ơi, con xin lỗi bà, con không muốn bỏ bà một mình đâu, nhưng con sợ bị mẹ đánh”. Hắn nhìn đứa con gái 10 tuổi khóc lóc, phải chăng từ trước đến nay hắn chưa bao giờ nghĩ tới cảm xúc của những đứa con, có lẽ chúng đã lo sợ, chúng đã cô đơn và sợ hãi biết bao. Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, vậy mà những người lớn lại vấy lên nó biết bao vết nhơ. Hắn đã làm được gì cho con hắn chứ?.
Hắn ôm lấy xác mẹ, ôm lấy con gái, nước mắt hắn tuôn rơi từng giọt nóng hổi. Phải rồi, đã đến lúc, hắn nên làm lại cuộc đời, đã đến lúc phải sống sao cho đáng sống. Có lẽ, sự sống sẽ lại hồi sinh sau những đau thương.