Trong tim là đất nước

Văn nghệ - Ngày đăng : 09:39, 13/05/2022

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi.

- Nho, nói anh nghe, có chuyện gì vậy em? Nho giật mình quay lại nhìn tôi. Tôi bước đến ngồi xuống bên cạnh Nho. Nho mếu máo rồi òa khóc.

- Hai ơi, em thi trượt rồi, trượt mất rồi! Chắc hai với ba mẹ thất vọng lắm, phải không hai?

Tôi choàng tay qua vai Nho, vỗ vỗ rồi lắc mạnh.

Nho khóc lớn, chưa bao giờ tôi thấy em trai mình - đứa em trai cứng rắn, mạnh mẽ - lại khóc nhiều đến như vậy. Tôi biết Nho buồn lắm. Trong khi đám bạn cùng xóm với Nho hí hửng khoe điểm sau khi nhận được kết quả thi đại học từ tin nhắn điện thoại thì Nho đi đâu mất tiêu. Tôi biết điểm số của Nho không như mong muốn nên chạy đi tìm Nho. Mẹ giục, lòng mẹ như lửa đốt: “Nhanh lên con, đi tìm em, thằng nhỏ thấy vậy chứ khờ, bồng bột lắm!”. Tôi xách xe chạy đi vòng xóm, ra bãi thả diều, ra bờ sông. Cuối cùng tôi cũng tìm được Nho. Thở phào.

- Thôi Nho, nghe lời hai, rồi mọi chuyện sẽ qua. Học Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, tin anh đi! Rồi em sẽ trở thành người có ích.

Tôi biết những lời lẽ của mình trong thời điểm này không tác động quá nhiều đến Nho, nhưng tôi hy vọng em sẽ nghĩ thoáng hơn, bởi có người đi lên không phải bằng con đường đại học. Tôi tin sau khi đã bình tĩnh lại Nho sẽ biết lựa chọn con đường đúng đắn khác cho chính mình. “Mình là người trẻ, mình không thiếu cơ hội, miễn là nỗ lực và không bao giờ từ bỏ”, đó là lời anh Huy nói với tôi khi tôi chọn về quê thay vì ở lại thành phố. Giờ tôi nói lại với Nho. Em lặng im. Tôi ngồi với em thêm chút nữa, nghe tiếng sông chiều vỗ vào bờ, rồi tôi chở em về nhà. Bầu trời phía Tây đỏ rực.

***

Tôi đã từng nói chuyện với ba đến tận khuya về Nho. Ba muốn Nho học thật giỏi, sau khi tốt nghiệp phổ thông lại tiếp tục thi vào trường đại học trên thành phố. Kinh tế với luật, đó là hai ngành mà ba mong muốn, ba kỳ vọng ở Nho rất nhiều. Thấy Nho học ngày học đêm, hết học ở trường lại vội vã ăn bát cơm rồi lóc cóc đi học thêm ở nhà thầy cô trong khu tập thể, tôi thương em đứt ruột. Cảnh đó tôi đã từng trải qua. Tôi hiểu áp lực mà Nho phải chịu nên những buổi chiều rảnh rỗi tôi thường rủ Nho ra bãi đất trống ở bên bờ sông, rủ thêm vài đứa con trai chơi đá bóng, đá cầu đến khi trời tối sẫm.

- Nho lớn rồi, ba để em nó tự chọn ngành học phù hợp với năng lực và đam mê. Ba đừng ép em con, tội thằng nhỏ.

Tôi nói vậy. Ba ngồi trầm ngâm. Tôi biết ba có ý tốt. Đời ba mẹ đã cực khổ nhiều rồi, chỉ biết đọc, biết viết, biết tính toán mấy phép tính đơn giản chứ đâu được đến trường đàng hoàng. Giấc mơ trở thành cô giáo tiểu học của mẹ cũng vỡ tan vì gánh mưu sinh, cơm áo. Tất cả những ước mơ đó, ba mẹ đã truyền lại cho chúng tôi. Tốt nghiệp đại học, tôi về lại trường cấp ba ở quê mình, ngôi trường gắn với những ký ức tuổi học trò của tôi, để xin dạy học. Thầy hiệu trưởng thương tôi nên nhận tôi vào. Tôi cũng nỗ lực làm tròn trách nhiệm của một người thầy giáo để không phụ lòng thầy hiệu trưởng. Trong mắt đám học trò quê nhà, tôi luôn là người thầy gương mẫu và ấm áp.

Niềm hy vọng kế tiếp, ba mẹ tôi gửi trọn vào Nho.

- Ba mẹ vui khi thấy hai con đứa nào cũng học hành đàng hoàng - Ba nói - Nhà mình không phải giàu có gì, nhưng mọi cố gắng của ba mẹ đều mong muốn vun vén cho con và em Nho.

Ba hỏi người này, người kia, ba học cách sử dụng máy tính, lên google để tìm hiểu trường này, trường nọ… cuối cùng ba cũng định hướng được cho Nho. Nho vốn ngoan ngoãn, em chưa bao giờ cãi lại, nhưng tôi biết em không thích những phép toán hay những điều khoản, luật lệ cứng nhắc. Em thích vẽ tranh và muốn mình phát huy sở trường, trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.

Tôi nói điều đó với ba, ba buồn buồn. “Làm họa sĩ khổ lắm, nổi tiếng thì không sao, còn không nổi tiếng thì… nghèo lắm! Đời Nho sẽ khổ! Con lựa lời khuyên em giúp ba mẹ”. Tôi buồn thay cho Nho. Ba không ép buộc nhưng vì kỳ vọng ba đặt vào Nho quá nhiều nên em luôn thấy mình phải nỗ lực để làm ba vui lòng. Em học cật lực. Từ một đứa chỉ giỏi văn, môn toán đạt thứ hạng trung bình, Nho vươn lên đứng thứ Nhì trong lớp về điểm số toán học. Điều đó làm Nho vừa vui, vừa buồn, còn ba mẹ thì vô cùng tự hào khi nhận được phiếu kết quả học tập từ cô giáo chủ nhiệm.

Minh họa: Ngọc Khai

Tôi đã nói với ba rất nhiều, vẽ ra những hậu quả vượt ngoài sức tưởng tượng nếu ba quá kỳ vọng vào Nho và bắt em phải đi theo ngành học mà ba mong muốn. Mẹ không nói gì. Tính mẹ luôn dễ dãi và tôn trọng các con. Ba cũng im lặng. Tôi biết lời nói của mình có hiệu lực, tôi báo tin cho Nho. Em mừng lắm, nhưng vẫn chăm chỉ hết sức. Đêm nào cũng vậy, tôi soạn xong giáo án mà Nho vẫn còn ngồi học bên khung cửa sổ gió thoảng thơm hương cây bưởi sau vườn. Tôi nhắc Nho ngủ em mới chịu tắt đèn, lên giường, đắp chăn. Đầu em rập rờn giấc mộng…

***

Nhưng Nho đã không đỗ đại học. Kinh tế là ngành em tự nguyện. Em nói: “Học kinh tế vẫn có thể vẽ tranh được, có thể làm họa sĩ… nghiệp dư, phải không anh hai?”. Nho đã thiếu mất 0,5 điểm để đỗ vào ngành ba mẹ mong ước. Nho buồn lắm! Lần đầu tiên trong đời tôi thấy Nho buồn nhiều như vậy. Tôi khuyên em, rồi im lặng, tôi biết sự im lặng và đồng cảm đôi khi có giá trị cứu rỗi tâm trạng một con người.

- Em sẽ làm gì đây Hai, khi đám bạn em đứa nào cũng đi học đại học. Em không muốn ba mẹ xấu hổ vì em. Em không muốn anh hai có đứa em thi trượt đại học. Nghe Nho nói vậy, tôi cười. Dù cái cười của tôi trong trường hợp này có thể là… vô duyên. Nụ cười khiến Nho bàng hoàng nhìn tôi, rồi em ứa nước mắt.

- Nho đừng nghĩ sâu xa như vậy. Không ai cười cợt em hay gia đình mình đâu. Mỗi người có một cuộc đời, một lựa chọn khác nhau. Mình đã không có duyên với kinh tế thì năm sau mình thi tiếp, vào ngành mình yêu thích, đến khi nào đỗ thì thôi.

- Có được không hả Hai?

- Được chứ, em! Một năm để em trải nghiệm. Một năm để em sống gần ba mẹ, không bị bài vở chi phối, em sẽ hiểu về ba mẹ, về bản thân mình nhiều hơn, sẽ biết mình muốn gì và lựa chọn hướng đi đúng đắn.

Nho gật đầu, em ngồi bên tôi ngoan ngoãn như một con mèo ngoan. Chưa bao giờ tôi thấy anh em mình gần gũi với nhau như thế.

***

Một buổi trưa tôi đi dạy về, Nho đợi tôi ở bóng cây chôm chôm trước sân nhà. Em khoe:

- Anh Hai, báo cho anh một tin vui là em đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi! Họ đã gửi giấy báo về cho em rồi, em mừng quá!

Còn tôi thì ngạc nhiên đến sững sờ trước quyết định của Nho…

Tôi gọi Nho ra sau nhà, dưới cây bưởi trổ bông thơm phức, vài trái lúc lỉu đợi ngày chín. Tôi quàng tay lên vai Nho, thủ thỉ:

- Em quyết định đi nghĩa vụ quân sự chứ không tiếp tục ôn tập để năm sau thi đại học sao Nho?

Nho cười, nói chắc chắn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy Nho chững chạc như một người trưởng thành, biết đưa ra những quyết định táo bạo nhưng đúng đắn cho bản thân mình.

- Chẳng phải Hai đã từng nói học đại học không phải là con đường duy nhất hay sao? Em nghĩ mình học đại học hay đi nghĩa vụ quân sự cũng được, miễn là người có ích cho đất nước, sau này em sẽ không hổ thẹn với bản thân.

Tôi mừng vì Nho đã suy nghĩ thấu đáo và làm chủ suy nghĩ của mình. Tôi không biết rồi Nho có ân hận vì mình không theo học đại học hay không, nhưng chắc chắn rằng Nho sẽ trở thành một người có ích, sẽ sống kiêu hãnh và dũng cảm.

- Nho, em còn trẻ, là thanh niên, cống hiến cho đất nước là điều mà tuổi trẻ ai cũng có trách nhiệm, phải không em? Nho gật đầu, tôi thoáng thấy mắt em ánh lên những tia hạnh phúc. Tay Nho nhổ vu vơ nắm cỏ dại dưới chân rồi ngẩng đầu đón gió. Khu vườn của ba tôi mát rượi, ba mẹ đã chăm chút từng cây, từng quả. Ở khu vườn này, những năm tháng xa xưa chúng tôi đã cùng chơi trò chơi tuổi thơ, đã từng lớn lên và được ba mẹ dạy dỗ thành những con người có đạo đức, biết nghĩ cho người khác.

Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Quang Dũng mà ngày xưa tôi được học, rồi Nho được học, rồi tôi cũng đã từng giảng dạy cho lũ học trò hiền lành và hồn hiên của mình bằng một giọng điệu hết sức hùng tráng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Tôi thấy đâu đó trong Nho cũng có lý tưởng cao đẹp ấy. Đất nước mình đã không còn chiến tranh, nhưng bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn là trách nhiệm của mỗi công dân đất Việt.

Tôi biết ba mẹ sẽ buồn vì Nho quyết định đi nghĩa vụ quân sự, sẽ nhớ khi Nho nhập ngũ, công tác ở một nơi nào đó xa xôi mà cấp trên phân công. Nhưng mẹ sẽ đồng ý, ba sẽ tự hào. Quân ngũ sẽ là môi trường rèn luyện cho Nho về tính kỷ luật, sự đoàn kết, ý thức và trách nhiệm đối với quê hương. Tôi tin Nho sẽ được nhiều hơn là mất.

***

Làn gió thổi qua khu vườn ban trưa, mát rượi. Ba tôi đã lúi húi vốc đất vào mấy gốc cam sắp sửa trổ bông, kết trái. Tôi tò mò hỏi Nho.

- Nói anh nghe, sao Nho đi nghĩa vụ quân sự?

Nho cười để lộ hàm răng trắng đều, cười tươi như nắng sớm.

- Vì trong tim em là bóng hình đất nước.

Tự tin, chắc chắn, quyết liệt, đó là điều tôi thật sự mong muốn ở Nho. Tôi nhắm mắt giữa khu vườn lộng gió, hình dung ra cảnh Nho ở đâu đó trên khắp mọi miền Tổ quốc, mặc quân phục màu xanh lá cây, mặt nghiêm nghị. Nhưng trong sâu thẳm ánh mắt, đôi môi, nét mặt, nụ cười của “chàng chiến sĩ” ấy là nét hồn nhiên thời gian và môi trường làm việc không thể xóa nhòa.