Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển 1982
Đất nước con người - Ngày đăng : 06:00, 14/06/2014
Từ ngày 9-13/6/2014 tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ đã diễn ra Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Tham dự Hội nghị có 159 trong tổng số 166 quốc gia thành viên của Công ước.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm vào mạn trái tàu cá Việt Nam |
Hội nghị đã xem xét và thông qua báo cáo về hoạt động trong năm 2013 của Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa – ba cơ quan được thành lập theo quy định của Công ước; bầu ra bảy thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển nhiệm kỳ 2014-2021 và một thành viên Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa.
Tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, đã phát biểu đề cao vị trí và vai trò của Công ước như một “Hiến chương về Đại dương” và là thành quả nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế hợp lý và công bằng trong việc sử dụng, khai thác, quản lý và phát triển bền vững biển và đại dương.
Đại sứ cũng nhấn mạnh trong những năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước và nỗ lực góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông – vùng biển có ý nghĩa quan trọng không chỉ về kinh tế, phát triển đối với các quốc gia ven biển mà còn cả về giao thông, thương mại đối với các quốc gia ngoài khu vực.
Trong bài phát biểu, Đại sứ Lê Hoài Trung đã thông báo cho Hội nghị diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông thời gian gần đây do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và huy động hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự và máy bay, đâm va, phun vòi rồng vào các tàu dân sự của Việt Nam, thậm chí đâm chìm một tàu cá Việt Nam với 10 ngư dân trên tàu khi tàu đang hoạt động đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ đã lên án các hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước và đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Đại sứ Lê Hoài Trung nêu rõ các hành vi này đã vi phạm luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước, đi ngược lại Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam đã hết sức kiềm chế và liên tiếp đưa ra những đề nghị có tính chất xây dựng. Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và qua các kênh khác nhau để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc đối thoại; đồng thời đã đề nghị sớm tiến hành trao đổi và đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như kêu gọi của cộng đồng quốc tế mà còn tiếp tục những hành vi sai trái của mình.
Đại sứ Lê Hoài Trung tiếp tục yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam và giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, kể cả các nước thành viên Công ước, tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông, phản đối các hành vi đơn phương gây căng thẳng, đồng thời ủng hộ việc không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong phần thảo luận, đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục chỉ ra tính bất hợp pháp của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; bác bỏ những quan điểm sai trái và xuyên tạc mà đoàn Trung Quốc trình bày tại Hội nghị.
Cũng trong Hội nghị, một số nước như Nhật Bản, Philippines, Malaysia cũng đã phát biểu bày tỏ quan tâm và lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, đồng thời đề nghị các bên tranh chấp nghiêm túc chấp hành các quy định trong DOC và nhanh chóng kết thúc đàm phán COC.
Đoàn Philippines khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp và lên án một số hành vi vi phạm khác của Trung Quốc trong thời gian qua nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.