Triển khai các đề án vì sự tiến bộ của phụ nữ: Rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Đời sống - Ngày đăng : 10:03, 28/12/2012

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt ba đề án: “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm (giai đoạn 2010 - 2015)"; “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước...

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt ba đề án: “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm (giai đoạn 2010 - 2015)"; “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước (giai đoạn 2010 - 2015)" và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt (giai đoạn 2010 - 2015)” với mục tiêu đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển, tiến bộ; phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thì mặc dù các đề án mới bước vào giai đoạn khởi động, song những năm qua, tỉnh ta cũng đã thực hiện khá đồng bộ, quyết liệt các chương trình, dự án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi, nâng cao trình độ, nhận thức và vị thế cho phụ nữ trên toàn tỉnh.

Cụ thể như hàng năm, các cấp, ngành, tổ chức Hội phụ nữ và các đoàn thể đều có sự phối hợp để thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, dân số-kế hoạch hóa gia đình và nhiều chương trình an sinh xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng đến đối tượng chính là phụ nữ.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà những nỗ lực trên mới chỉ phát huy được hiệu quả ở một phạm vi đối tượng nhất định, chưa tạo được sự đồng bộ trên mặt bằng chung, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc triển khai thực hiện đề án tại tỉnh cũng đang gặp những thách thức không nhỏ, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị.

Ðiều dễ nhận thấy nhất là do đặc thù của một tỉnh vùng cao, địa hình chia cắt, mặt bằng dân trí thấp nên việc triển khai các chương trình, đề án liên quan đến nâng cao nhận thức, trình độ cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng gặp khá nhiều khó khăn. Chưa kể đến, với thực trạng dân di cư tự do từ các tỉnh vào địa bàn tỉnh làm ăn, sinh sống, không chỉ tạo thêm gánh nặng trong đảm bảo an sinh xã hội mà còn là bước cản lớn trên lộ trình vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Phần lớn phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đang có đời sống kinh tế khó khăn, ít có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hưởng thụ văn hóa, tinh thần. Nhiều chị em là đồng bào dân tộc thiểu số rất ngại tiếp xúc, tham gia các hoạt động xã hội, lại bất đồng ngôn ngữ nên các chương trình truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước rất khó đến được với họ.

Mặt khác, việc phá vỡ những rào cản về dân tộc, phong tục tập quán của nhiều thành phần dân tộc khác nhau trên địa bàn, đi đến một mục đích, định hướng chung cũng là thách thức lớn trong công tác nâng cao năng lực, nhận thức của chính các đối tượng. Bên cạnh có nhiều chị em hiện rất tự  tin, chủ động tham gia học tập, mạnh dạn đóng góp chính kiến trong xây dựng gia đình, xã hội thì cũng có không ít chị em đang bị trói buộc những phong tục, tập quán lạc hậu, định kiến xã hội về giới nên vai trò của họ rất mờ nhạt.

Ngoài ra, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, thì sự chênh lệch về giàu, nghèo giữa thành thị, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa không những ngày càng rõ mà chênh lệnh về nhận thức, trình độ của phụ nữ ở những khu vực này cũng ngày một cách xa.

Thực tế cho thấy, để bản thân chị em tiến bộ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về điều kiện kinh tế, xã hội. Vì vậy, để thực hiện thành công các đề án, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh thì đối tượng tác động không chỉ riêng với chị em mà cần phải có sự quan tâm tổng thể từ phát triển kinh tế, hoàn thiện thiết chế văn hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Ngoài ra, các cấp chính quyền, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức, cộng đồng trách nhiệm trong vấn đề này, xem đây không phải là nhiệm vụ của riêng Hội phụ nữ. Có như vậy, những thách thức trên mới mong sớm được đẩy lùi để việc triển khai thực hiện các đề án có hiệu quả, mang tính bền vững.

Hà An