Hưng Bình chú trọng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Đời sống - Ngày đăng : 10:54, 26/02/2014

Thời gian qua, để nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ cũng như nam giới về vấn đề bình đẳng giới và bạo lực gia đình, các cấp Hội phụ nữ xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) đã xây dựng những “địa chỉ tin cậy” để các trường hợp bị bạo hành tạm lánh cũng như tập trung tuyên truyền những vấn đề then chốt, cụ thể.

XÂY DỰNG “ĐỊA CHỈ TIN CẬY”

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) thì chỉ tính riêng năm 2013, trong toàn Hội đã xảy ra 3 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Mặc dù không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của người phụ nữ và con cái của họ. Như trường hợp ở thôn 6, có gia đình kia, người chồng sau mỗi lần uống rượu, nhu cầu sinh lý cao, trong khi vợ không đáp ứng được nên dẫn đến cáu kỉnh, thậm chí chửi mắng, đánh đập vợ. Nhiều lần bà vợ phải trốn ở ngoài vườn cà phê chờ chồng tỉnh rượu hoặc đi ngủ mới dám vào nhà. Hay ở thôn 1, gia đình nọ thường xuyên diễn ra tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” do tính ông chồng thường xuyên đi nơi khác ở, lâu lâu mới về nhà một lần. Nhiều lần vợ đã phân tích đúng, sai để ông nhận ra, nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy… Trước những thực trạng trên, Hội phụ nữ xã đã kêu gọi các hội viên tự nguyện đăng ký xây dựng “địa chỉ tin cậy” để giúp những trường hợp bị bạo hành gia đình tạm lánh một vài ngày, ổn định tâm lý cũng như chia sẻ, tìm ra phương án xử lý thích hợp. Vì vậy, hiện có  hai chi hội thôn 2 và thôn 6 đã xây dựng được “địa chỉ tin cậy” để giúp chị em trong những lúc khó khăn về tâm lý.

Theo chị Lê Thị Vui ở thôn 2, một trong những “địa chỉ tin cậy” thì từ ngày có địa chỉ này, một số cặp vợ chồng mỗi khi xảy ra mâu thuẫn đều tìm đến đây để nhờ tư vấn cũng như hướng giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng. Chị Vui cho biết: “Chị em có nhiều người khổ lắm, mỗi người một cái khổ riêng. Mình không giúp được gì nhiều, chỉ mong qua những lời chia sẻ, động viên, giúp chị em nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, tránh những suy nghĩ hay hành động dại dột”.

Gia đình chị Lê Thị Vui ở thôn 2, xã Hưng Bình là một trong những “địa chỉ tin cậy” của chị em.

TUYÊN TRUYỀN CÓ TRỌNG TÂM, CỤ THỂ

Cũng theo bà Minh thì hiện nay, thực trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới ở địa bàn xã Hưng Bình không chỉ diễn ra trên phương diện vợ chồng mà còn rải rác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như sức khỏe sinh sản, tư tưởng trọng nam khinh nữ… Còn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, không chỉ không tham gia vào các hoạt động thăm, khám mà vấn đề đình sản ở nam giới cũng rất ít. Hiện tại, toàn xã có 10 ca đình sản thì nam giới mới chỉ có 1 ca, còn lại là phụ nữ.

Do đó, trong các đợt tuyên truyền, các cấp Hội đều lồng ghép về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, trong đó tập trung về lĩnh vực sinh sản để nam giới hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này trong giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, người bị bạo hành cũng không hoàn toàn là phụ nữ và trẻ em gái mà trẻ em trai cũng như nam giới cũng nằm trong diện này. Vì vậy, với vai trò của mình, thông qua các đợt sinh hoạt hội, nhóm, câu lạc bộ hay chuyên đề, Hội đều nhấn mạnh để chị em hiểu được vị trí, trách nhiệm của mình đối với chồng, con, không nên dùng những lời lẽ nhiếc móc, nặng nề hay thái độ coi thường, nhất là những đối tượng không có khả năng lao động. Việc tuyên truyền, vận động chị em tham gia phát triển kinh tế cùng chồng, không nên cho rằng kiếm tiền là việc của đàn ông, còn phụ nữ là “tề gia nội trợ” cũng luôn được chú trọng.

Có thể nói, với việc tập trung tuyên truyền chuyên sâu vào những nội dung, vấn đề trọng tâm cụ thể, nên hiện nay, vấn đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực.

Hoàng Hoài