Cây lan gấm ở Đắk Som
Đời sống - Ngày đăng : 14:16, 21/03/2014
Thấy "hay hay" thì trồng
Cách đây mấy năm, gia đình bà Nguyễn Thị Sang thấy một số người dân trên địa bàn ra sức đi lùng lan gấm ở trong rừng để bán cho các thương lái với giá từ 100.000 - 120.000đ/kg (lan tươi) nên cũng tò mò lấy về để trồng thử mấy giỏ.
Mô hình trồng lan gấm của gia đình bà Nguyễn Thị Sang |
Lúc đầu, cây lan này xem ra rất “khó tính”, tuy nhiên, qua nhiều lần thử nghiệm, bà đã trồng thành công loại lan này ngay trong vườn nhà mình. Đến nay, gia đình bà đã có 1,6 sào đất trồng loại lan này theo hình thức trồng sạ luống trực tiếp dưới đất.
Vài năm trở lại đây, do việc khai thác lan gấm trong tự nhiên một cách ồ ạt nên dần dần, nó đang trở nên khan hiếm. Vì vậy, nhiều người hỏi thăm đến gia đình bà Sang để mua lan gấm, kể cả mua cây giống và mua lan thương phẩm.
Chỉ tính riêng năm 2013, với giá 1,2 triệu/kg lan tươi thương phẩm và 250.000đ/chậu lan giống, gia đình bà Sang cũng đã thu về hơn 300 triệu đồng.
Theo bà Sang thì từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều người mãi tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng cũng đã tìm đến gia đình bà để đặt hàng với số lượng lớn nhưng vì loại lan này sinh trưởng chủ yếu vào mùa mưa, trong điều kiện độ ẩm cao nên trong mùa khô không đủ hàng để cung cấp.
Khi được hỏi người ta mua lan này với giá cao để làm gì thì bà Sang cho biết: “Nói thật, ngay lúc đầu tôi thấy “hay hay” nên có ý tưởng đưa loại lan rừng này về trồng trong vườn để cho đẹp cũng như thỉnh thoảng hái lá nấu nước, ngâm rượu để dùng. Không ngờ, vài năm trở lại đây thì có người đến đặt mua với giá cao. Thậm chí, một số kỹ sư, tiến sỹ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) về tìm hiểu và mua để trồng thí nghiệm, nghiên cứu. Nghe những khách hàng đến mua lan thì đây là loại cây làm thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Còn việc chữa được hay không thì tôi cũng mới chỉ nghe vậy chứ không dám chắc. Bản thân tôi thường ngâm lá lan gấm để uống hàng ngày thì thấy rất khỏe, nhất là những lúc làm việc vất vả. Cũng có những “đại gia” ở mãi Hà Nội đến mua mỗi chậu lan nở hoa với giá 3 đến 4 triệu đồng nhưng không phải làm thuốc mà chỉ để về treo trong nhà với mục đích chống “tà ma, xui xẻo” theo quan niệm phong thủy...”.
Có phải là "thần dược"?
Tìm hiểu về công dụng của cây lan gấm cho thấy, trong đông y, lan gấm được biết đến như là một vị thuộc tính mát, có tác dụng tư âm nhuận phế, thanh nhiệt lương huyết, dùng chữa lao phổi khạc ra máu, thần kinh suy nhược, ăn không ngon miệng. Lan gấm dùng với mạch môn, huyền sâm, ngưu tất, thảo quyết minh, hoài sơn đúng liều lượng còn có tác dụng chữa viêm phế quản, ho… Lan gấm có tên khoa học là Ludisia discolor.
Sở dĩ ở Việt Nam, cây này có tên là “lan gấm” vì đó là một loài lan có màu nâu tía nhìn tựa như gấm. Trong sách thuốc của Trung Quốc, lan gấm còn được biết đến với những cái tên như thạch thượng ngẫu hay thạch tằm hoặc hồng thạch tằm…
Ở Việt Nam trước đây, lan gấm chỉ được biết đến như là một loại cây cảnh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, loại cây này đã được sử dụng như là một vị thuốc để chữa trị những bệnh thông thường. Lan gấm là loại cây đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng mát, thường mọc rải rác hoặc thành đám nhỏ lẫn trong lớp lá mục hoặc ở hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm.
Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, chịu được thời tiết có sương mù dài ngày. Lan gấm vốn là loài có trữ lượng nhỏ ở nước ta nhưng vài năm gần đây đã bị khai thác ồ ạt khiến trữ lượng giảm đi mau chóng và đang đẩy loài cây này đến chỗ hiếm gặp, thậm chí đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Điều đáng nói, ở nước ta, hiện chưa có một công trình nghiên cứu chính thức nào về công dụng làm thuốc của cây lan gấm mà chỉ biết nó theo dạng đồn thổi, thiếu tính kiểm chứng. Vì vậy, công dụng chữa “bách bệnh” của loại cây này cũng mới chỉ là dư luận, thiếu tính khoa học.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là trước khi mọi việc được làm “sáng tỏ” thì công tác nghiên cứu, cung cấp những thông tin chính thống về công dụng của lan gấm là rất cần thiết. Cùng với đó, Nhà nước cần có phương án bảo tồn, bảo vệ cũng như nuôi trồng để tránh tình trạng khai thác ồ ạt hoặc nuôi trồng thiếu định hướng quy hoạch dẫn đến thiệt hại kinh tế cho người dân và công tác bảo tồn giống loài trong hệ thực vật của nước ta.