Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh: Còn nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động

Đời sống - Ngày đăng : 09:18, 04/06/2014

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) thì tính đến tháng 3/2014, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 1330 học viên, phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số, người thuộc diện nghèo và cận nghèo, với các ngành nghề chủ yếu là dệt thổ cẩm, tin học, làm bánh, trang điểm, may công nghiệp, nấu ăn.

Bên cạnh dạy nghề thì từ năm 2010 đến nay, Trung tâm còn tuyên truyền và tư vấn học nghề cho hơn 5000 lượt lao động nữ nông thôn; mở được 4 lớp dạy tiếng M’nông, tin học với 247 học viên tham gia để tăng nguồn thu hoạt động.

Trung tâm được xây dựng quy mô lớn nhưng vẫn chưa phát huy hết chức năng

Việc lồng ghép xây dựng các mô hình để giải quyết việc làm cho phụ nữ như mô hình chăn nuôi gà của 25 hộ gia đình ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng được chú trọng, góp phần tạo việc làm, tăng nguồn thu để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh thì mặc dù Trung tâm đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá lớn, nhưng hiện vẫn còn đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong hoạt động, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo và học nghề của học viên.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến bộ máy hoạt động ít ỏi chỉ có 7 nhân sự, trong khi lại quản lý một cơ sở rộng, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, dạy nghề cũng như giới thiệu việc làm.

Không những vậy, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu, chủ yếu là hợp đồng theo thời vụ; còn những giáo viên dạy một số nghề gần gũi, thiết thực với phụ nữ như đan, thêu, trồng nấm… thì lại chưa đủ chuẩn theo quy định.

Thực tế thì Trung tâm hiện chỉ dạy chủ yếu các nghề như dệt thổ cẩm, trang điểm hay làm bánh, nhưng những ngành nghề này rất khó trong việc tìm kiếm việc làm, bởi nhu cầu của người sử dụng không cao; học xong, chị em phục vụ gia đình, bản thân là chủ yếu.

Nguyên nhân một phần là do chi phí cho việc đào tạo chỉ đủ để chị em biết nghề chứ không phải là giỏi nghề, nên không thể cạnh tranh được với những cơ sở khác. Do đó, để có thể hành nghề, sống được với nghề thì chị em lại phải tiếp tục học các lớp nâng cao. Còn chị em học các khóa cắt may công nghiệp cũng khó tìm được việc làm do doanh nghiệp về may mặc trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có.

Trước thực tế trên, để tiếp tục giúp chị em học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ thì thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành tuyển sinh và dạy các nghề đặc thù phù hợp với nguyện vọng của chị em, nhất là những nghề có thể tự tạo được việc làm sau đào tạo.

Cùng với việc duy trì và nhân rộng mô hình tạo việc làm tại phường Nghĩa Trung thì Trung tâm đang có kế hoạch phát triển ngành nghề chế biến thực phẩm, làm bánh theo phương thức dạy nghề và tăng cường các hoạt động để tăng nguồn thu. Việc đào tạo, nâng cao năng lực và kỹ năng nghề nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy sẽ được thực hiện thường xuyên.

Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ tiếp cận các chương trình, giáo trình các nghề theo hướng tuân thủ chương trình chung do Tổng Cục dạy nghề ban hành, phù hợp với nhu cầu thị trường nơi người lao động sẽ làm việc sau đào tạo nghề, nhất là phù hợp với học viên là nữ, người dân tộc thiểu số…

Hoàng Hoài