Góp sức xoa dịu nỗi đau da cam

Đời sống - Ngày đăng : 09:36, 08/08/2014

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (NNCĐDC), toàn tỉnh hiện có trên 3000 người là cán bộ kháng chiến và con em của họ bị phơi nhiễm CĐDC; trong đó, có 1500 người đã được giám định.

Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của tổ chức Hội thì các đoàn thể, tổ chức xã hội và tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng luôn có nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc giúp đỡ các NNCĐDC.

Đơn cử như từ đầu năm đến nay, về phía Hội NNCĐDC tỉnh đã thành lập cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, đánh máy vi tính, photocopy, giải khát tại phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), giúp được một số NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có công ăn việc làm, vững tin hơn vào cuộc sống.

Anh Dương Tiến Lâm ở phường Nghĩa Phú cho biết: “Tôi được mời vào làm ở cơ sở này được hơn nửa năm, hàng tháng, có thu nhập hơn 3 triệu đồng. Cơ sở còn nuôi ăn ở, dạy nghề cho 1 đối tượng là NNCĐDC bị câm, điếc”.

Thông qua tổ chức Hội NNCĐDC, anh Dương Tiến Lâm (ngoài cùng) đã có việc làm ổn định và dạy vi tính cho các NNCĐDC khác

Bên cạnh đó, dịp tết vừa qua, Hội cũng đã tặng quà cho các NNCĐDC gần 32 triệu đồng. Riêng dịp 10/8 năm nay, Hội dự kiến trao 80 suất quà cho các NNCĐDC đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Hội còn phối hợp với UBND thị xã Gia Nghĩa, các xã, phường tạo điều kiện giúp 2 NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được làm nhà ở (riêng Hội hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng).

Ngoài ra, cùng với việc kêu gọi ủng hộ Quỹ bảo trợ NNCĐDC thì Hội còn chú trọng đến việc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm các chế độ, chính sách theo quy định cho các đối tượng đã được giám định là NNCĐDC. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1287 NNCĐDC được hưởng đầy đủ theo chế độ quy định của Nhà nước.

Về phía Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng có những hoạt động thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với các đối tượng NNCĐDC và thân nhân của họ. Cụ thể, thông qua Phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC”, trong dịp Tết Nguyên đán 2014, cùng với việc vận động nhiều nguồn lực khác nhau để tặng quà cho người nghèo thì các cấp Hội còn tặng quà cho 761 đối tượng là NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Việc khám, cấp phát thuốc miễn phí cũng như làm nhà cho các đối tượng NNCĐDC cũng được chú trọng. Điển hình như thông qua cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, nhiều đối tượng là NNCĐDC trong tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận hỗ trợ hàng tháng bằng lương thực, thực phẩm hoặc chi phí phục vụ sinh hoạt.

Đặc biệt, thông qua triển khai Dự án giúp đỡ NNCĐDC các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh năm 2014, đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành khám, sàng lọc cho 60 đối tượng NNCĐDC; phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho 14 đối tượng và phẫu thuật phục hồi chức năng vùng vận động cho 5 đối tượng.

Hiện tại, Hội cũng đang triển khai việc tổ chức chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cho 23 đối tượng NNCĐDC; đồng thời cấp dụng cụ tập tại nhà cho 22 đối tượng. Ngoài ra, việc cấp vốn để hỗ trợ các đối tượng NNCĐDC phát triển sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ và học nghề, làm nghề cũng đã được thực hiện khá hiệu quả.

Có thể nói, NNCĐDC là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, nên việc toàn xã hội chung tay, đồng hành, sẻ chia một phần nỗi đau với họ là điều rất đáng trân trọng. Điều đáng mừng là trong mỗi chương trình, cuộc vận động, các tổ chức hội, đoàn thể đều xem NNCĐDC là một trong những đối tượng cần được xem xét ưu tiên hàng đầu, thể hiện tinh thần “thương người như thể thương thân” của dân tộc.

Hoàng Hoài