Công tác phòng chống cháy nổ: Không thể xem nhẹ

Đời sống - Ngày đăng : 09:50, 03/10/2014

Tìm hiểu thực tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy phần lớn các đơn vị đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa làm việc an toàn, đầu tư các thiết bị phòng chống cháy nổ (PCCN) cũng như nâng cao kiến thức, ý thức cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên.

Điển hình như Chi nhánh xăng dầu Đắk Nông với đặc thù là đơn vị kinh doanh các sản phẩm xăng dầu, hóa chất dễ cháy nên công tác đảm bảo PCCN luôn được đơn vị xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, song hành cùng sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh) tập luyện, nâng cao nghiệp vụ PCCN

Ông Lại Văn Tấn, Phó Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Đắk Nông cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp có 21 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm xăng dầu ở 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp luôn chủ động thực hiện các nội quy, quy trình về an toàn vệ sinh lao động, giúp người lao động sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật an toàn và PCCN. Vào các ngày làm việc, tại các bộ phận, tổ sản xuất, mạng lưới an toàn vệ sinh viên thường xuyên kiểm tra đột xuất, định kỳ nhằm nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm túc các quy trình, nội quy về an toàn lao động, an toàn PCCN. Tại mỗi kho, xưởng đều có phương án PCCN tại chỗ, các máy bơm công suất lớn, bình cứu hỏa, thang… được đặt tại các khu vực trọng điểm, ở nơi dễ thấy, dễ lấy, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ nếu có sự cố cháy nổ xảy ra. Để phòng ngừa sự cố do chập điện, đơn vị thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, trang bị các thiết bị chuyên dụng không phát sinh tia lửa điện, quy định chặt chẽ nội quy sử dụng điện...

Hay ở Công ty Điện lực Đắk Nông, công tác PCCN cũng luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Theo ông Đặng Minh Nhật, Trưởng Phòng kỹ thuật an toàn, hiện nay công ty có 9 đơn vị sản xuất đang quản lý, vận hành 2 trạm trung gian 5MVA-22/10kV, 12,6MVA-35/22kV; 99,7km đường dây 35kV; 1.588,7km đường dây 22kV; 1.596,5km đường dây 0,4kV; 501 bộ tụ bù hạ thế; 1367 trạm biến áp hạ tải… Vì vậy, để việc cung ứng nguồn điện cho người dân được đảm bảo an toàn, liên tục và hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra các sự cố về cháy nổ do chập điện, rò rỉ về điện thì công ty đã trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, việc kiểm tra, tập huấn sử dụng các thiết bị phòng cháy cũng được công ty thực hiện một cách thường xuyên, đảm bảo khi có sự cố cháy nổ xảy ra thì tất cả các phương tiện phòng cháy chữa cháy đều hoạt động tốt. Bên cạnh đó, hàng ngày, từng cá nhân, tổ đội sản xuất còn tự kiểm tra, nhắc nhở lẫn nhau, thi đua thực hiện tốt quy trình lao động, an toàn kỹ thuật và PCCN.

Không chỉ ở Chi nhánh xăng dầu Đắk Nông và Công ty Điện lực Đắk Nông mà theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) thì hiện nay, các doanh nghiệp đã chú trọng và thực hiện tương đối tốt công tác PCCN. Cùng với tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy hơn 9.079 lượt người, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tăng cường kiểm tra công tác PCCN gần 400 cơ sở. Thông qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm các cơ sở còn thiếu sót về PCCN.

Tuy nhiên, hiện nay Công tác PCCN ở các khu vực dân cư và thành phần kinh tế tư nhân, tình hình cháy nổ vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại, tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy nhà dân, tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại về tài sản ước tính gần 2 tỷ đồng.

Nguyên nhân các vụ cháy được xác định là do nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCN trong một bộ phận dân cư và chủ doanh nghiệp chưa cao, còn chủ quan, lơ là. Vì vậy, theo Đại tá Nguyễn Văn Thùy, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm sao cho các tầng lớp nhân dân, chủ doanh nghiệp, người lao động trong PCCN.

Muốn làm được điều đó, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định về PCCN. Tại các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương cần thường xuyên tổ chức các đợt hội thao về PCCN nhằm kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ nhất về công tác này. Trên cơ sở đó, phát huy những mặt ưu điểm, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCN.

Bên cạnh đó, việc củng cố, kiện toàn lực lượng PCCN tại chỗ như: bồi dưỡng, huấn luyện, duy trì hoạt động của lực lượng này thông qua việc thực hiện tốt công tác phòng ngừa, bảo vệ từ xa, dựa trên phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Phan Tuấn