Đắk R’măng, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng còn cao
Đời sống - Ngày đăng : 08:58, 21/10/2014
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, chị Đinh Thị Thanh, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng của Trạm y tế xã cho biết, địa phương cũng đã chú trọng đến công tác truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho người dân.
Trung bình hàng quý, trạm đều tổ chức tuyên truyền, thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn mẫu cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Việc tư vấn, tuyên truyền cho các bà mẹ cũng được thực hiện lồng ghép trong các đợt cân, đo, uống vitamin A và tiêm phòng cho trẻ.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế thôn, bon cũng phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em tại các buổi sinh hoạt đoàn thể, thôn, bon. Thế nhưng, vì nhiều lý do như nhận thức của người dân còn hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, giao thông không thuận lợi… nên công tác thông tin, tuyên truyền vẫn chưa thực sự sâu rộng. Nhiều bà mẹ còn e dè khi tiếp cận với các kiến thức mới về làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành dinh dưỡng bổ sung cho trẻ...
Ngoài công tác tuyên truyền, trở ngại lớn nhất trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn là đời sống của phần lớn người dân còn khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 80%.
Điều đáng nói nữa là mặc dù đời sống kinh tế khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn chưa quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, nên tỷ lệ gia đình sinh nhiều con còn khá cao. Do đó, nhiều gia đình không có điều kiện chăm sóc trẻ một cách khoa học, hợp lý là điều khó tránh khỏi.
Chị Giàng Thị Sóng ở thôn 3 chia sẻ: “Do cuộc sống gia đình khó khăn nên vợ chồng tôi chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho con cái. Hầu như trong mỗi bữa ăn của gia đình, có gì thì ăn nấy, chứ thực sự không hề biết có đủ chất dinh dưỡng cho trẻ hay không”.
Có thể nói, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở địa phương là một việc làm khó và cần phải có lộ trình lâu dài. Trước mắt, Trạm y tế xã vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và xác định đây là hoạt động quan trọng cần được duy trì thường xuyên.
Trong đó, hình thức tuyên truyền được xây dựng ngày càng phong phú, đa dạng hơn để phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư. Trạm cũng tăng cường cử cán bộ y tế xuống tận các cụm dân cư, đến từng nhà dân để tư vấn, hướng dẫn người dân cách thực hiện dinh dưỡng cho trẻ bằng chính những nguyên liệu có sẵn như gà, trứng gà tự nuôi, cá ở hồ, suối hoặc rau, củ, quả trồng được tại vườn nhà…
Việc xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới nhân viên y tế ở các thôn, bon cũng sẽ được chú trọng để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn.
Tuy nhiên, với thực tế của xã hiện nay thì cùng với truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình cần phải được quam tâm hơn nữa nhằm hạn chế tình trạng sinh đông con và điều chỉnh khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp để trẻ em có điều kiện được chăm sóc tốt hơn.
Điều quan trọng nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản và làm mẹ an toàn. Có như vậy, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em của địa phương mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng dân số.