Cần khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống cho đồng bào ở Đắk P’lao

Đời sống - Ngày đăng : 09:34, 02/12/2014

Khó khăn về kinh tế đã kéo theo đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tại xã Đắk P’lao (Đắk Glong) đang “nhạt dần” theo năm tháng.

Đang lưu giữ một bộ chiêng, ché rượu cần cổ xưa, nhưng gia đình ông K’Ba ở thôn 1 từ lâu đã không còn làm rượu cần, hay đánh chiêng. Ông K’Ba phân trần: "Nhiều lúc muốn mang chiêng ra đánh cho bon làng nghe để khỏi quên mất tiếng chiêng, nhưng không có các hoạt động lễ hội, văn hóa gì nên không sử dụng được, cũng buồn lắm”.

Tương tự, ông K’Phun, cũng ở  thôn 1 được biết đến là người đan lát khéo tay nhất thôn thì hiện cũng không còn làm nữa. Ông K’Phun nói: “Cuộc sống hiện tại bị kinh tế chi phối nên các việc đan lát không được làm thường xuyên; hơn nữa hiện chả mấy người quan tâm và đến “đặt hàng” như ngày trước”. Gia đình ông K’Rang cũng có một bộ chiêng, nhưng lâu nay chỉ treo trong nhà, ít khi dùng đến.

Ông K’Rang trăn trở: “Cũng muốn tham gia đánh chiêng, truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ, nhưng các hoạt động văn hóa không có nên không thực hiện được. Một số hộ dân do kinh tế khó khăn đã có ý định bán chiêng, ché của gia đình mình”.

Khi được hỏi về những người còn biết đến các giá trị văn hóa truyền thống, anh K’Bai, Trưởng thôn 1 nói: “Nói là không còn bản sắc cũng không đúng, hiện nay người dân còn đang lưu giữ các dụng cụ, đan lát, chiêng, ché…nhưng ở dạng cất giữ chứ không phát huy được gì, do không sử dụng”.

Theo ông K’Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao, thì hiện nay xã có khoảng 610 hộ, hơn 2.800 khẩu, với 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mạ chiếm khoảng gần 60% dân số. Toàn xã có đến 338 hộ nghèo, với 1.613 khẩu, chiếm 52% và  67  hộ cận nghèo, với 336 khẩu, chiếm 10,3%. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, đất sản xuất, nguồn thu nhập chưa ổn định, nên ảnh hưởng đến đời sống tinh thần rất lớn.

Mặc dù người dân cũng có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, vẫn còn lưu giữ những bộ chiêng, nhạc cụ, trang phục truyền thống, nhưng do các hoạt động văn hóa không được tổ chức thường xuyên nên ngày càng quên lãng. Thời gian qua, ngành văn hóa chưa mở một lớp bảo tồn, truyền dạy văn hóa truyền thống cũng như tổ chức các hoạt động lễ hội nào tại các thôn, bon.

Mặt khác, vì khó khăn về kinh phí, nên lâu lâu xã mới tham gia các hoạt động văn hóa do huyện tổ chức mà thôi. Từ khi chuyển đến khu tái định cư mới, đồng bào chỉ mới đóng góp kinh phí tổ chức được một lễ “ăn trâu” truyền thống.

Trong khuôn khổ Đề án bảo tồn buôn cổ dân tộc Mạ, Bộ Văn hóa, Thể thao-Du lịch đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại trung tâm xã Đắk P’lao với kinh phí 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà văn hóa cộng đồng này chưa phát huy được hiệu quả vì không có nhiều hoạt động được tổ chức.

Nói như vậy nhưng không có nghĩa là tất cả đều đổ lỗi cho vấn đề kinh tế khó khăn, mà quan trọng nhất vẫn chính là sự quan tâm, sâu sát của chính quyền, ngành văn hóa đối với đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Điều đáng mừng là qua tìm hiểu thì rất nhiều người dân vẫn còn trăn trở với văn hóa truyền thống dân tộc đang ngày càng bị mai một. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương cũng nên quan tâm, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa cần thiết như lễ hội, truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm… để tạo môi trường cho đồng bào thể hiện, phát huy khả năng của mình.

Hưng Nguyên