“Trả nợ cõi âm” - trò lừa đảo mang chiêu thức mê tín dị đoan
Đời sống - Ngày đăng : 09:42, 30/03/2016
Điều đáng nói là việc làm này được tổ chức công khai ngay trong khuôn viên Tịnh Thất Thiện Hoa, một chi nhánh của chùa Pháp Hoa. Trong khi, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương không hề hay biết.
Bà Sinh (người mặc áo màu xanh ở giữa) đang tiến hành làm lễ “trả nợ cõi âm” cho những người có nhu cầu |
Trong vai những người đến nhờ “thầy” Sinh làm lễ “trả nợ cho cõi âm” tại Tịnh Thất Thiện Hoa ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), chúng tôi phải chờ đợi khá lâu để được đến lượt, vì có gần 20 người đang quỳ lạy làm lễ.
Theo sự hướng dẫn của “thầy” Sinh, chúng tôi gặp một người đàn ông tên Sơn để được hướng dẫn mua đồ lễ. Ông Sơn hỏi tuổi gì, sinh năm nào, làm lễ cho bao nhiêu người. Sau khi tôi trả lời tuổi Sửu, còn làm thêm cho 3 người khác nữa trong gia đình, ông Sơn liền giở một cuốn sách nhỏ màu vàng, bên trong ghi tuổi này, tuổi kia tương ứng với mấy chục ngàn tào quan, nhà kho tào quan, vàng mã và nhiều thứ làm lễ khác nữa, tính toán với tổng số tiền phải trả nếu làm lễ cho 4 người lên tới hơn 5 triệu đồng, tính cả lễ tạ ơn.
Tôi thắc mắc sao có vài thứ sơ sơ thế này mà đắt thế ? Ông Sơn, cũng như “thầy” Sinh đều phán rằng tuổi Sửu có căn rất nặng, riêng phi chí “trả nợ cho cõi âm” của tuổi này đã lên tới gần 2 triệu đồng. Lấy lý do hôm nay đông người, ngày mai sẽ lên đặt cọc hẹn ngày làm lễ nên tôi từ chối.
Cùng thời gian này, trong gian nhà làm lễ “trả nợ cõi âm”, những người tới đây nhờ “thầy” Sinh làm lễ, ngoài quỳ lạy trong nhiều giờ đồng hồ, đầu còn phải đội một chồng lớn giấy vàng mã. “Thầy” Sinh sau khi đọc vài bài cúng lễ, liền giả vờ bị hồn ma của người nhà nhờ làm lễ nhập, rồi khóc lóc, kêu la, vật vã kể tội như thật để lừa dối người làm lễ. Bà L.T.T ở tổ dân phố 6, phường Nghĩa Thành tiến hành làm lễ “trả nợ cõi âm” cho 7 người trong gia đình gồm vợ chồng bà, con đẻ, con dâu, con rễ, cháu chắt với số tiền lên tới 12 triệu đồng. Để được vào làm lễ “trả nợ cho cõi âm”, ít nhất mất phí hơn 1 triệu đồng cho một người, còn làm từ 5 người trở lên thì phải mất tới cả hơn 10 triệu đồng vào trò mê tín dị đoan này. Như vậy, mỗi ngày, “thầy” Sinh và “tay chân” lừa của người dân hàng chục triệu đồng. Không chỉ mất tiền trong lễ “trả nợ cõi âm” mà 3 ngày sau, nhiều người còn phải mất chừng đó tiền nữa để mua đồ lễ làm lễ tạ ơn.
Qua tìm hiểu thì được biết, “thầy” Sinh tên đầy đủ là Lê Thị Sinh làm nghề bán cơm bún trên đường Hùng Vương, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Theo những người hàng xóm, do việc buôn bán ế ẩm nên gần đây, bà Sinh hành nghề cúng vái. Công việc buôn bán giao cho các thành viên khác trong gia đình bà Sinh đảm nhận.
Còn người đàn ông tên Sơn kia họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sơn, có hộ khẩu thường trú tại phường Nghĩa Đức. Mấy năm nay, ông Sơn làm lái xe và cho thuê xe 7 chỗ ngồi. Nhưng ế khách nên Sơn móc nối với bà Sinh và một số đối tượng khác hành nghề mê tín dị đoan này để lừa đảo thông qua việc bán đồ hàng mã.
Ông Nguyễn Văn Sơn bán đồ lễ cho người dân tại gian hàng trong sân của Tịnh Thất Thiện Hoa |
Điều đáng nói là hoạt động lừa đảo mang tính mê tín dị đoan này được tiến hành công khai tại một gian nhà sát với điện chính của Tịnh Thất Thiện Hoa. Thế nhưng, nhà chùa lại không báo với chính quyền địa phương, cũng như trụ trì chùa Pháp Hoa.
Đại đức Thích Quảng Hiền, Trụ trì chùa Pháp Hoa cho biết: “Sự việc xảy ra nghiêm trọng như thế, nhưng tôi cũng không nắm được thông tin. Việc lập đền trong khuôn viên chùa để thờ thánh và tổ chức các hoạt động mang tính mê tín dị đoan như vậy là không phù hợp với Phật giáo. Tôi sẽ yêu cầu Tịnh Thất Thiện Hoa không cho phép các đối tượng hành nghề như thế này nữa.
Ở góc độ địa phương, ông Đồng Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết: “Đến nay, xã vẫn chưa nghe có thông tin hành nghề mê tín dị đoan trong khuôn viên Tịnh Thất Thiện Hoa. Sau khi có thông tin này, UBND xã sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng xuống nắm tình hình một cách chính xác để xử lý vụ việc. Về lâu dài, xã sẽ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của địa phương tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, cùng nhau xóa bỏ hình thức cúng vái mang tính mê tín dị đoan này”.
Hình thức cúng vái “trả nợ cõi âm” của bà Sinh và một số đối tượng khác mang tính mê tín dị đoan cần sớm phải được loại bỏ ra khỏi xã hội để người dân không còn bị lừa gạt.