Nhiều lợi ích thiết thực từ việc điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone
Đời sống - Ngày đăng : 10:00, 28/12/2016
Dạy nghề cho các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu |
Phổ biến rộng rãi trên 80 quốc gia
Điều trị bằng thuốc thay thế đã có một lịch sử lâu dài hơn 50 năm. Methadone và Buprenorphine là 2 thuốc chính thường được lựa chọn trong điều trị thay thế. Ngoài ra, ở một số quốc gia còn cung cấp một số dịch vụ khác như: Morphine và Codein phóng thích chậm, điều trị Heroin hỗ trợ. Tính đến cuối năm 2016, đã có 80 quốc gia trên thế giới triển khai chương trình điều trị thay thế.
Tại Mỹ, chương trình điều trị thay thế nghiện CDTP bằng Methadone đã được triển khai lần đầu vào năm 1964. Từ năm 1964-1988, Mỹ đã điều trị phục hồi nghiện ma túy thành công cho hàng chục nghìn người nghiện bằng thuốc Methadone. Trong chương trình điều trị thay thế nghiện CDTP, kết quả là chương trình điều trị bằng Methadone đã được triển khai hầu hết ở các bang của Mỹ.
Đặc biệt, nó còn là một biện pháp quan trọng giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV. Năm 1972, chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ công nhận là liệu pháp hiệu quả nhất trong điều trị nghiện ma túy và được công nhận ở 3 cấp độ liên bang.
Tại Australia, năm 1969, việc điều trị thay thế bắt đầu được thực hiện ở bang New South Wales. Sau khi có hướng dẫn quốc gia về điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, số người được tham gia điều trị tăng nhanh chóng, từ 2.000 người năm 1985 đã tăng lên 14.996 người năm 1994. Đến nay, Australia có trên 2.132 cơ sở điều trị, với 35.850 người được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.
Còn tại châu Âu, chương trình điều trị bằng thuốc Methadone có một lịch sử lâu dài và đa dạng trên khắp lục địa. Ở các nước như Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch… triển khai từ những năm 1960. Các nước Ý, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Luxemboug triển khai từ những năm 1970. Các nước Áo, Tây Ban Nha triển khai vào thập niên 1980. Các nước Ireland, Đức, Hy Lạp và Pháp triển khai muộn nhất vào những năm 1990. Trong đó, điều trị bằng Methadone vẫn là phổ biến nhất, đến cuối năm 2012, có khoảng 734.000 người nghiện được điều trị (khoảng 50% số người nghiện).
Theo ước tính, có khoảng 61% người nghiện chích ma túy đã được tham gia điều trị thay thế CDTP tại Tây Âu. Tỷ lệ này cũng tương đối cao ở Iran với 42,6% và tại cộng hòa Czech là 40%. Đến nay, chương trình điều trị thay thế đã được triển khai ở châu Á, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi…
Thực tế tại Việt Nam
Điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008. Đến nay, chương trình đã chứng minh được tính hiệu quả tương đương với nhiều nước trên thế giới.
Trước hết, chương trình Methadone được triển khai làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Theo đó, trước khi tham gia điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng chỉ còn 15,87% số bệnh nhân sử dụng ma túy.
Điều phấn khởi nhất là hầu hết bệnh nhân khi tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe như thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống… Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian để điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống bệnh nhân lại càng cao.
Khi điều trị bằng Methadone, bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ gây nhiễm HIV. Con số thống kê cho thấy, trước khi điều trị Methadone, có tới trên 89,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy thì sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử chung bơm kim tiêm thì tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm rõ rệt, chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước khi điều trị.
Đặc biệt, chương trình Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Kết quả phân tích đã minh chứng rõ ràng vấn đề này. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, trung bình mỗi bệnh nhân tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (khoảng 84 triệu đồng năm).
Trong khi đó, chi phí điều trị bằng thuốc Methadone trung bình cho 1 bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Hiện nay, toàn quốc đang điều trị bằng thuốc Methadone cho khoảng 50.663 bệnh nhân, tức là gia đình và xã hội đã tiết kiệm được 3.852 tỷ đồng/năm.
Với những lợi ích nêu trên, Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục mở rộng điều trị, đẩy mạnh việc triển khai cấp phát thuốc Methadone tại các xã, phường và thí điểm tại các thôn bản trong cả nước.