Về thăm Đền Hùng - Cội nguồn linh thiêng của dân tộc
Đời sống - Ngày đăng : 14:15, 05/04/2017
Lưu dấu nghìn xưa
Chúng tôi có dịp đến thăm Đền Hùng, thuộc xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - vùng đất thiêng của dân tộc vào những ngày tháng đầu tháng 3 (dương lịch). Tuy chưa đến ngày lễ chính, nhưng dòng người hành hương về cội nguồn vẫn nườm nượp, rực rỡ sắc màu. Mọi người già, trẻ, gái, trai náo nức, hân hoan, sum họp trên đất Tổ quê hương với bao cảm xúc thiêng liêng khó tả.
Đền Hùng là một hệ thống kiến trúc thờ các Vua Hùng, vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt đối với người Việt Nam. Quần thể di tích Đền Hùng gồm có cổng chính, cột đá thề, 4 đền, 1 chùa và lăng Vua Hùng. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng sự đóng góp của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, Đền Hùng được xây dựng, tôn tạo, tu bổ nhiều hạng mục khang trang, to đẹp, xứng tầm di tích đặc biệt của quốc gia.
Ở chân núi phía Tây, bên những gốc thông đại thụ cao vút, cổng Đền Hùng hiện ra uy nghiêm với kiến trúc kiểu vòm cuốn, có hai tầng, tám mái. Hai bên cổng có hai cột trụ, trên đỉnh đắp nổi hai con nghê chầu; giữa cột trụ và cổng đắp nổi tượng hai võ sĩ, mình mặc áo giáp, giữa ngực có trang trí hình tượng hổ phù. Về thăm đất Tổ, bước lên từng bậc thang lát đá dưới những tán rừng nguyên sinh, ngắm nhìn các công trình kiến trúc và từng hiện vật, ai nấy đều cảm thấy rất đỗi thiêng liêng, tự hào.
Một đơn vị công an dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đền Thượng. Ảnh: P.T |
Tham quan Đền Hạ đơn sơ, mái lợp ngói mũi, kiến trúc kiểu chữ Nhị mà lòng bồi hồi xúc động, bởi dòng giống của cộng đồng người Việt và huyền tích “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Tương truyền rằng nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con để lên rừng xuống biển... Dù đã trải qua hàng nghìn năm, mảnh đất này vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ, vẫy gọi muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng và sâu lắng.
Từ Đền Hạ lên một đoạn là đến Đền Trung, thuở xưa là nơi dựng quán nghỉ ngơi của các Vua Hùng và cũng là nơi vua họp bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Tương truyền đây còn là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày lên Vua Hùng thứ 6.
Lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là đến Đền Thượng, có kiến trúc kiểu chữ Vương, có ba cấp: phía trước là nghi môn, rồi đến đại bái, tiền tế và hậu cung. Tương truyền thời Hùng Vương, đây là nơi Vua Hùng tế lễ trời đất, tiến hành các nghi lễ nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cạnh Đền Thượng có ngôi mộ Vua Hùng thứ 6; tương truyền, sau khi đuổi giặc Ân, vua cởi áo vắt lên cành kim giao rồi mất và được an táng tại đây.
Thành kính thắp nén nhang tại Đền Thượng, lòng người trào dâng niềm xúc động, tự hào, tưởng nhớ và tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, thể hiện triết lý “Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh, thu vào tầm mắt một vùng rộng lớn cảnh thế ngoạn mục hùng vỹ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy tụ hội.
Sau khi tham quan Đền Thượng, du khách tham quan Đền Giếng-ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ Công, mái lợp ngói mũi, bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, bên trong hậu cung có giếng bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn. Đây cũng là nơi vào ngày 19/9/1954, trong chuyến thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi vào tiếp quản Thủ đô và căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dù 63 năm đã trôi qua, nhưng lời căn dặn của Bác tại Đền Giếng vẫn luôn khắc sâu trong lòng đối với mỗi người dân Việt Nam.
Tấm bia đá ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ảnh: Đ.D |
Một lòng hướng về cội nguồn
Không chỉ những ngày tháng Ba (âm lịch), mà quanh năm con cháu Vua Hùng từ khắp mọi miền, trong và ngoài nước luôn một lòng hướng về cội nguồn, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đối với mỗi người hành hương về đất Tổ, dâng một nén nhang thành kính là niềm vui, sự vinh hạnh. Vì vậy, nhiều người đến với Đền Hùng không phải là để khám phá, tìm hiểu về những điều mới lạ, mà là để tìm về với đời sống tâm linh, nguồn cội của dân tộc, để từ đó thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống ông cha. Trong chuyến đến thăm Đền Hùng lần này, chúng tôi đã có dịp gặp những người như vậy.
Bà Trần Thị Việt Hà, 78 tuổi, nhà ở TP. Việt Trì hầu như tháng nào trong năm, cứ vào ngày rằm, mồng một cũng lên thắp hương ở Đền Hùng. Bà Hà bồi hồi, xúc động: “Lần nào cũng vậy, mỗi lần đặt chân lên đây là cứ như thấy quá khứ hiện về... Những lớp sương mù của lịch sử như dần được vén lên để được nhìn thấy rõ ân đức của tiền nhân”.
Anh Trịnh Hữu Độ, việt kiều Đức, sau khi thắp hương ở Đền Thượng đã tranh thủ mua những cuốn sách viết về Đền Hùng để mang về. Anh Độ chia sẻ: “Ở Đức, tôi vẫn dạy các con mình phải luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên. Hôm nay, tôi về đây dâng hương thật là vinh hạnh, tự hào được là con cháu Vua Hùng. Tôi mua những cuốn sách này để mỗi lần đọc sẽ cảm nhận sâu hơn và để thấy một phần quê hương luôn hiển hiện trong gia đình mình”.
Chị Phạm Thị Linh từ miền Tây ra thăm Đền Hùng xúc động nói: "Hôm nay về đây tôi mới tường tận các sự tích và truyền thuyết mà trước đó còn chưa rõ. Dân tộc ta không chỉ vẻ vang với truyền thống anh dũng kiên cường trong công cuộc dựng nước và giữ nước, mà còn sáng ngời các phẩm chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tôi thật tự hào vì mình là con Lạc cháu Hồng...”.
Đã thành truyền thống, những ngày tháng 3 âm lịch, những người con đất Việt từ khắp mọi miền đất nước luôn hướng về tưởng vọng, hoặc trực tiếp hành hương về Đền Hùng để cảm thấu khí thiêng sông núi, để càng thêm yêu quê hương đất nước mình.