Thương lắm ở một ngôi trường!

Đời sống - Ngày đăng : 17:32, 23/05/2017

Em xin phép cô cho em nghỉ học hôm nay vì không có gạo để nấu cơm nên em không đi học được. Xin cô giáo gọi điện cho bố mẹ mang gạo và thức ăn ra cho em".

Sau khi nhận đơn xin nghỉ học của em Giàng Seo Sảng, học sinh lớp 1A, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, Đắk Glong), 15 phút đầu giờ cô Lê Thanh Kim Huệ, chủ nhiệm lớp 1A đã xuống khu nội trú tìm hiểu và được biết, Sảng và một bạn nữa đang nằm ở phòng. Em cho biết đã nhịn đói từ đêm qua, sáng nay không có gạo nấu cơm ăn nên em không đi học được. Sau đó, cô đã trích tiền mua bánh mì, mì tôm cho 2 em ăn, ăn xong các em lên lớp học bình thường. Đơn xin nghỉ học Sảng nhờ một anh lớp 4 trong khu nội trú viết giùm.

Các em học xa nhà nên phải tự chăm lo cho bản thân dù còn nhỏ

Gian nan trọ học

Từ lá đơn xin phép nghỉ học chân chất và đầy xúc động của em Sảng, chúng tôi vượt hơn 100 km đến điểm Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Ngôi trường nằm trên mái đồi thoai thoải dốc, cách trung tâm xã Quảng Hòa khoảng 4 km. Những cơn mưa đầu mùa đã khiến đoạn đường đất từ trung tâm xã vào trường xuất hiện nhiều ổ voi ngay giữa đường.

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, đứng chân tại thôn 11, xã Quảng Hòa, hiện có 16 lớp với gần 500 học sinh. Gần 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là dân tộc Mông theo gia đình di cư từ phía Bắc vào học tập. Các em hầu hết sinh ra trong gia đình đông con, bố mẹ lo đi làm nương rẫy, việc học và chăm sóc bản thân các em hầu như tự túc.

Trong số học sinh của trường có gần 70 học sinh từ Suối Phèn, thuộc thôn 12, xã Quảng Hòa đến trọ học, từ nơi các em ở ra tới điểm trường phải vượt qua hơn 22 km đường đất, với nhiều đồi dốc. Mùa mưa để có thể di chuyển được thì bánh xe phải trang bị áo xích chuyên dụng. Trước những khó khăn của học sinh, nhà trường đã dành một khoảng đất trong khuôn viên trường để các học sinh ở Suối Phèn dựng lều trọ học.

Hai năm trở lại đây các em được các mạnh thường quân hỗ trợ để xây dựng 6 phòng bán trú. Địa bàn chưa có điện lưới quốc gia nên khu bán trú được đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ các em học tập và sinh hoạt vào ban đêm. Trong phòng bán trú được kê giường ngủ hai tầng, phía trên đầu giường là nơi các em để sách vở, dụng cụ, đồ dùng học tập. Nhà tôn cũ nơi trước đây các em trọ học giờ là bếp nấu của các em. Bếp và nơi ở riêng biệt đã giúp cho chỗ ở và học tập của các em khá sạch sẽ. Hầu hết các em sử dụng bếp củi nên ngoài giờ học ở lớp, học ngoài giờ, các em còn dành thời gian đi nhặt củi.

Thầy giáo La Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Đối với các em khu nội trú “tự phát” do phụ huynh mượn đất, địa điểm của nhà trường để dựng lên. Mỗi tuần nhà trường cử đoàn thanh niên, đội xuống hướng dẫn các em gấp chăn màn, vệ sinh thân thể cũng như vệ sinh xung quanh. Đối với phụ huynh cũng có cam kết với nhà trường là một tuần sẽ cử một phụ huynh ra để chăm sóc các con. Tuy nhiên, công việc này cũng không được thường xuyên nên các em phải tự lo từ ăn uống cho đến vệ sinh.

Tự lập

Các em trọ học là những học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, mọi sinh hoạt các em đều phải tự lo, sau khi đi học về các em tự vào bếp nấu cơm, canh, xào rau chuẩn bị bữa ăn cho bản thân và sắp xếp lịch học tập ngoài giờ lên lớp. Bữa cơm của những học sinh nơi đây chủ yếu là cơm với canh bí, mì tôm, cá khô được bố mẹ mang từ nhà lên khu nội trú vào dịp đầu tuần. Các em tự lo bảo quản đồ ăn, chia khẩu phần ăn sao cho đủ một tuần với những gì bố mẹ đã mang cho. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, “đói là ăn” nên nhiều em đã không đủ thức ăn, gạo đến những ngày cuối tuần nên có những hôm phải nhịn đói đi học.

Thầy giáo La Minh Tuấn chia sẻ: Vấn đề ăn uống của các em cũng gặp nhiều khó khăn, một tuần các em được bố mẹ mang thức ăn đến cho một lần, ngoài bí xanh, còn có cá khô và trứng. Theo khẩu phần thì đúng một tuần là bố mẹ mang ra, có những em đói thì ăn, ăn hết gây thiếu hụt trong tuần. Có những em không có cơm ăn, không có gạo nấu, đói lả. Có nhiều trường hợp buổi sáng không ăn sáng, nhiều em mệt rồi lả ngay trên lớp, giáo viên đi mua bánh mì, mì tôm về cho các em ăn. Những em không lên lớp được, viết đơn xin phép cô giáo chủ nhiệm với câu từ mộc mạc đáng thương.

Video Thầy giáo La Minh Tuấn chia sẻ về những thiếu thốn của các em:

Bên cạnh đó, trường thuộc diện vùng 3, nhưng chế độ cho các em ở Suối Phèn hầu như không nhận được vì các chế độ đều yêu cầu phải có hộ khẩu mà các em có mỗi giấy khai sinh. Nhà trường mong lập được khu bán trú để các em được hưởng chế độ bán trú nhưng số lượng chưa đủ để lập theo quy định.

Hiệu trưởng La Minh Tuấn cho biết, từ việc ăn uống hạn chế cũng sinh ra bệnh tật, có những em bị đau yếu, quai bị, tiêu chảy, các em nằm liệt tại lều trọ. Có những hôm thì giáo viên chủ nhiệm đi xuống khi không thấy học sinh đi học mới biết được các em bị bệnh. Sau đó, các cô mới trích tiền mua thuốc cho các em. Và việc bố mẹ lo chuyện làm ăn, mưu sinh, chăm lo không thường xuyên, chu đáo nên việc học tập của các em đã bị ảnh hưởng.

Video Thầy giáo La Minh Tuấn cho biết việc ăn uống hạn chế của các em còn sinh ra bệnh tật: