Kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 04/07/2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Chiều 3/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị công bố về kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 02 ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số.
Cuộc điều tra này do Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức thực hiện với niên độ điều tra là 5 năm một lần.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, kết quả điều tra này sẽ là căn cứ có tính pháp lý để đánh giá kết quả các chính sách dân tộc giai đoạn 2015-2020 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng là căn cứ để chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và kế hoạch năm 2021-2025...
"Cuộc điều tra này có tính đầy đủ, bao hàm cả tính chính trị, xã hội, có tính thực tiễn rất cao với phương pháp điều tra mới tiến cận công nghệ thông tin. Vì vậy, cuộc điều tra xử lý số liệu nhanh chóng và chính xác, tin cậy để sử dụng", ông Chiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả cuộc điều tra và trình bày một số chỉ tiêu chính: Trên phạm vi cả nước, có 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 49% tổng số xã của toàn quốc. Những nỗ lực đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Đảng và Nhà nước trong hơn 4 năm qua đã được thể hiện rõ qua sự cải thiện về tỷ lệ thôn thuộc các vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận điện lưới quốc gia.
Năm 2019, 98,6% số thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được tiếp cận điện; trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 97,2%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2015.
Khoảng cách trung bình từ trung tâm xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến trung tâm huyện là 16,7km. Phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã dân tộc thiểu số đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ km được cứng hóa (trải nhựa hoặc bê tông) đạt 95,2%; gần 90% các thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa.
Hầu hết các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có trạm y tế, chiếm 99,5%, tương đương với kết quả điều tra năm 2015.
Cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng dân tộc thiểu số, tương ứng tăng hơn 3,8 nghìn trường và giảm 2,3 nghìn điểm trường so với năm 2015.
Tổng số giáo viên đang giảng dạy tại các trường và điểm trường vùng dân tộc thiểu số là gần 525 nghìn giáo viên, tăng hơn 132 nghìn người; trong đó, số giáo viên là người dân tộc thiểu số là 134,9 nghìn giáo viên.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Trong nhiều năm qua, các chương trình chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện rất hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trên phạm vi cả nước liên tục giảm.
Mặc dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn khá cao ở các hộ dân tộc vùng dân tộc thiểu số (35,5%), cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo ở khu vực biên giới là 48,4%, cao gấp 1,4 lần khu vực khác (34,4%); khu vực nông thôn là 39,4%, cao xấp xỉ 4 lần khu vực thành thị (11,0%).
Dân số Việt Nam là 96,2 triệu người vào thời điểm ngày 01/4/2019, trong đó dân số của 53 dân tộc thiểu số là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước; nam giới là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới, tương ứng là 50,1% so với 49,9%.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 của 53 dân tộc thiểu số là 1,42%, cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của dân tộc Kinh và cao hơn tỷ lệ tăng bình quân của cả nước.
Sáu dân tộc thiểu số có quy mô dân số trên 1 triệu người gồm Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer và Nùng. Năm dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 1 nghìn người là Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La; trong đó, dân tộc Ơ Đu có dân số ít nhất (428 người).
Tổng số hộ dân tộc thiểu số là 3,7 triệu hộ vào thời điểm ngày 01/4/2019, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước. Phần lớn các hộ dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn, chiếm 83,3%, tương đương với gần 3,1 triệu hộ.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân tộc thiểu số là 22,7 tuổi, tăng 1,7 tuổi so với năm 2015. Dân tộc Mông kết hôn lần đầu sớm nhất (19,5 tuổi), dân tộc Hoa có tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất (27,6 tuổi).
So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp trung học phổ thông với tỷ lệ đi học chung ở cấp này là 50,7%, tăng 8,9 điểm phần trăm.
Tổng cục Thống kê cho biết, sau 10 năm, tình hình giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học giảm gần hai lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của 53 dân tộc thiểu số là 15,5%, cao hơn gần hai lần so với mức chung của cả nước và cao hơn gần ba lần so với dân tộc Kinh.
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết chữ phổ thông là 80,9%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với năm 2015. Như vậy, sau gần 5 năm tỷ lệ này tăng lên không nhiều.
Giai đoạn 2015-2019, tỷ trọng lao động dân tộc thiểu số có việc làm theo khu vực kinh tế có sự dịch chuyển khá tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thực hiện trong tháng 10 năm 2019 tại 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...