Các phong trào thi đua thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo đồng thuận cao trong xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 08:42, 20/08/2020

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước”, thời gian qua, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Đắk Nông phát động đã thu hút sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, tạo lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

"Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới" là phong trào được cụ thể hóa từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Các sở, ban ngành, đoàn thể hưởng ứng bằng việc phát động các phong trào thi đua đồng bộ, rộng khắp gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Mô hình "Chợ Nhân đạo" do Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai tại các huyện, thành phố góp phần sẻ chia với khó khăn của người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Mô hình "Chợ Nhân đạo" tại xã Quảng Khê (Đắk Glong)

Cụ thể như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" (Ủy ban MTTQ tỉnh), "Tuổi trẻ Đắk Nông chung tay xây dựng NTM" (Tỉnh đoàn), "Phụ nữ chung sức, chung lòng xây dựng NTM "(Hội LHPN tỉnh)… Các tổ chức hội, đoàn thể còn triển khai các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM, tạo được cách làm mới trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân.

Để khơi dậy phong trào sôi nổi trong người dân, hàng năm, UBND các huyện, thành phố tổ chức lễ phát động “Ra quân xây dựng NTM” vào dịp đầu xuân gắn với các hoạt động thiết thực hiệu quả. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, huy động được sự tham gia của toàn xã hội, người dân trong triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa đến các vùng quê.

5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Hoài Nam ở thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), năm 2018 đã hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 hộ nghèo với tổng số tiền 120 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhà và tặng một con bò cho hộ nghèo ở thôn 8 với tổng số tiền 85 triệu đồng. Đặc biệt, vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần, gia đình ông đều nấu xôi để phát cho người nghèo, mỗi ngày 100 suất với kinh phí 1 năm 78 triệu đồng.

Từ quyên góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Ủy ban MTTQ tỉnh thăm, tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu

Ông Nguyễn Khắc Điệp ở thôn 8, xã Nhân Cơ đã hiến 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ Quỹ khuyến học 255 triệu đồng trong 5 năm, đóng góp xây dựng 1 căn nhà nghĩa tình trị giá 72 triệu đồng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh về việc hỗ trợ đỡ đầu cho các xã trong xây dựng NTM, toàn tỉnh có 148 đơn vị đăng ký hỗ trợ đỡ đầu cho 61 xã. Các đơn vị ký kết hỗ trợ bằng nhiều hình thức như tuyên truyền vận động, đào tạo tập huấn giữ gìn bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, an sinh xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng… với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc đồng bộ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, dân chủ cơ sở được phát huy, ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ của người dân được nâng lên. Tính đến 6/2020, Đắk Nông đã có 22/60 xã đạt chuẩn NTM (tăng 21 xã so với năm 2015).

Trung tâm Hành chính công tỉnh làm việc thứ 7 nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức

Chung tay vì người nghèo

Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện phong trào, UBND tỉnh triển khai hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Chương trình 30a về hỗ trợ đầu tư hạ tầng các huyện nghèo giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong với 39 công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa cộng đồng. Tiểu dự án 1 thuộc Chương trình 135 hỗ trợ hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bon đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa 151 công trình giao thông, 57 trường học, 10 công trình nước sinh hoạt tập trung, 146 nhà sinh hoạt cộng đồng; trong đó có 381 công trình khởi công mới.

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng 1.285 căn nhà với tổng kinh phí 70,675 tỷ đồng; tặng 13.412 suất quà cho người nghèo dân tộc thiểu số. Để tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, các cấp chính quyền trong tỉnh xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững. Có thể kể đến như huyện Đắk R’lấp xây dựng 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Đắk Wer và xã Nghĩa Thắng với số tiền 500 triệu đồng. Huyện Đắk Glong triển khai xây dựng 2 dự án mô hình giảm nghèo với số tiền 500 triệu đồng…

Các tuyến đường nông thôn mới ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) được làm nên từ sự đồng lòng của người dân và quyết tâm của chính quyền địa phương

Các địa phương, tổ chức đoàn thể,  cơ quan, doanh nghiệp quan tâm chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng các việc làm thiết thực như giới thiệu việc làm, tặng quà, sách giáo khoa cũ, suất cơm tình thương, xây nhà, cắt tóc miễn phí…

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, quyên góp ủng hộ vật chất tinh thần cùng tham gia phòng chống dịch.

Với nỗ lực đó, đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 17.128 hộ (chiếm 10,52%) giảm 2,99% so với năm 2018; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 24,15% giảm 5,99% so với năm 2018; hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ 31,59% giảm 6,98% so với năm 2018.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Với chủ đề “Đơn giản hơn, đúng hẹn hơn, thân thiện hơn”, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và các quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các cấp trên địa bàn tỉnh bằng việc bãi bỏ nhiều TTHC, danh mục TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định… Trung tâm Hành chính công linh hoạt tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 hàng tuần, đưa ứng dụng Zalo vào tiếp nhận, giải quyết TTHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức.

Hưởng ứng phong trào thi đua, các đơn vị, địa phương bố trí bảng niêm yết, công khai TTHC tại trụ sở làm việc, đồng thời công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tạo thuận lợi cho người dân tìm hiểu, truy cập. Việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ điện tử, cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ tiếp tục được chú trọng.

Hưởng ứng kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đóng góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19

Các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong các lĩnh vực để bảo đảm hồ sơ, TTHC được giải quyết một cách khoa học, hợp lý. Từ năm 2017 đến nay, Đắk Nông đã đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành đối với 489 TTHC, thực hiện 98 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, 965 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 để phục vụ người dân, tổ chức, với tỷ lệ giải quyết TTHC của 3 cấp đúng hạn, trước hạn chiếm tỷ lệ cao trên 95%.

Năm 2019, tỉnh Đắk Nông lần đầu tiên áp dụng thi tuyển công chức, thi thăng hạng bằng phần mềm máy tính, sử dụng biên lai điện tử.

Điều đáng nói, qua phong trào thi đua, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, từng bước hình thành một nền hành chính công khai, hiện đại, minh bạch. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ngày càng tinh gọn, hiệu quả, chất lượng hoạt động được nâng lên, từng bước đổi mới về cơ chế, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Hoàng Hoài