Rất đỗi tự hào khi trên địa bàn có Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt
Đời sống - Ngày đăng : 09:16, 28/10/2020
Hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử
Mặc dù chưa đưa vào chương trình học chính khóa nhưng học sinh trên địa bàn TP. Gia Nghĩa nói riêng và toàn tỉnh nói chung cơ bản nắm được những thông tin liên quan đến Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông.
Điển hình, Trường THCS Phan Bội Châu, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã có những hình thức giáo dục cần thiết, giúp học sinh nắm bắt được phần nào về lịch sử Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam mà cụ thể là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn xã.
Theo Hiệu trưởng Hà Thị Hảo, hàng năm trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng ý nghĩa lịch sử của di tích. Qua sinh hoạt ngoại khóa, được nghe kể những câu chuyện liên quan đến tuyến đường huyền thoại, các em rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.
Qua giải thích của giáo viên, các em dần hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của di tích, nhất là vì sao vào tháng 10/2017, tỉnh Đắk Nông lại trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông.
Em Lê Dương Yến Nhi, học sinh lớp 9 cho biết: “Qua sinh hoạt ngoại khóa và thầy cô thường xuyên nhắc trong các tiết học Lịch sử, chúng em nhớ thêm những thông tin cơ bản của di tích lịch sử tại thôn Cây Xoài. Qua những bài giảng và tìm hiểu thêm, chúng em rất đỗi tự hào khi tại địa bàn có Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt: Địa điểm bắt liên lạc khai thông Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông".
Học sinh Trường THPT Chu Văn An thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt |
Học sinh tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn
Trường THPT Chu Văn An ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cũng đa dạng hóa nhiều hoạt động giáo dục học sinh về ý nghĩa lịch sử Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông.
Theo anh Trần Quốc Dũng, Bí thư Đoàn Trường THPT Chu Văn An, giáo viên các bộ môn vẫn thường xuyên tích hợp, lồng ghép tuyên truyền học sinh về Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia. Mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, học sinh các lớp vào tận nơi làm cỏ, quét dọn vệ sinh xung quanh khu di tích. Trường thường tổ chức cho học sinh vào di tích thắp hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để khai thông tuyến đường hành lang.
Bạn Trần Thành Nam, học sinh lớp 12 cho biết: “Em đã vào khu di tích 3 lần và rất tự hào vì trên địa bàn tỉnh có điểm di tích lịch sử hết sức ý nghĩa như vậy. Bản thân em thấy thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Mỗi lần thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích, là em luôn tự hứa với lòng mình phải cố gắng hơn trong học tập, cuộc sống”.
Một số trường học khác vì nhiều lý do không đến được tận nơi cũng tăng cường tuyên truyền, lồng ghép trong các tiết học, giúp học sinh nắm được ý nghĩa của điểm liên lạc. Các trường sưu tầm, giới thiệu cho cán bộ, giáo viên, học sinh các tài liệu, sách báo liên quan để tìm hiểu.
Đặc biệt, ấn phẩm “Lịch sử Đường hành lang chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” được các trường xem là tài liệu quý để giúp giáo viên, học sinh trong quá trình giáo dục, tìm hiểu lịch sử địa phương.